Nhật Kim Anh đột quỵ: người trẻ chưa sợ?

(Vietnamtimes) – Tin tức nữ ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh đột quỵ trong chuyến lưu diễn ở Mỹ mới đây đã không chỉ làm khán giả mến mộ cô lo lắng mà còn làm nên những cuộc tranh luận trên một số mạng xã hội.

Nhiều facebooker đã nghi ngờ nguyên nhân thật sự gây ra bệnh của Nhật Kim Anh: “Đột quỵ chỉ xảy ra với người già có bệnh mãn tính chứ làm gì còn trẻ mà bị đột quỵ?”, “Lần đầu tiên nghe chuyện làm việc căng thẳng bị đột qụy, diễn sâu dễ sợ!”… Những hoài nghi này có cơ sở không?

Trao đổi với báo chí ngay sau ca cấp cứu tại Mỹ thành công, Nhật Kim Anh cho biết do bận rộn công việc kinh doanh, lại đi diễn nhiều nên trong người đã yếu sẵn. Khi phải ngồi máy bay từ Việt Nam sang Mỹ nhiều giờ liền, khiến phần cơ thể bên dưới tê cứng, xoay trở rất khó khăn.

Khi đến Mỹ, do lệch múi giờ cô không ăn ngủ được nên xảy ra kiệt sức, nói chuyện có vẻ bị méo miệng, mặt sưng nên người bạn ở Mỹ đưa ngay cô vào bệnh viện cấp cứu, cuối tháng 8 qua.

Tại đây, các bác sĩ Mỹ nhận định Nhật Kim Anh suy nhược cơ thể vì làm việc quá sức.

Thêm nữa, cô bị chèn dây thần kinh ở cổ xuống vai làm cứng và tê nửa người bên phải. Đây là một dạng tai biến nhẹ nhưng khiến Nhật Kim Anh bị sưng mặt và méo miệng.

Sau điều trị ba ngày, sức khỏe cô hồi phục tốt. Do sự cố sức khỏe này, Nhật Kim Anh buộc phải hủy show bên Mỹ và đặt vé bay về Việt Nam.

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai

Các bác sĩ Mỹ nhận định Nhật Kim Anh suy nhược cơ thể vì làm việc quá sức.

GS-TS-BS. Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam cho biết, những người nghĩ rằng làm việc căng thẳng không thể bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) và “tai biến chỉ xảy ra ở người già” là chưa đúng, dễ dẫn đến thái độ chủ quan, lơ là trong kiểm soát bệnh.

“Người già, người trẻ, ở thành thị đến nông thôn, miền núi, doanh nhân, nhân viên văn phòng hay nông dân… ai cũng đều có thể bị đột quỵ. Người trẻ dù tuổi 20 – 30 cũng không “miễn nhiễm” với đột quỵ. Ghi nhận trong những năm gần đây cho thấy bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ, nhiều bệnh viện còn tiếp nhận những trường hợp mới 18 – 20 tuổi…”, GS. Thông nói.

Theo GS. Thông, xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, đặc biệt gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Đó là do các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có liên quan đến lối sống, do ăn uống không lành mạnh và lười vận động.

Đây chính là hệ lụy của xã hội hiện đại, khi mà mọi người phải làm việc căng thẳng, tiêu thụ nhiều chất béo, chế độ dinh dưỡng mất cân đối, thói quen hút thuốc, lạm dụng bia rượu, thừa cân béo phì…

“Nếu đột quỵ ở người già phần lớn do chức năng cơ thể suy giảm và thường có bệnh mãn tính đi kèm như: tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… thì đột quỵ ở người trẻ đa phần do họ phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, dẫn đến căng thẳng, suy nhược cơ thể, khó ăn, mất ngủ thường xuyên, thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm gây đột quỵ.

Đáng lo ngại hơn, những căn bệnh thường gặp ở người già như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, xơ vữa động mạch đang có xu hướng trẻ hóa bởi tác động tiêu cực từ lối sống, dinh dưỡng mất cân bằng”, GS. Thông cảnh báo.

GS-TS-BS. Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam

Ứng xử đúng với “sát thủ” đột quỵ

GS. Thông cho biết, đột quỵ là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Bình thường máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não, khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút.

Phần nào của não bị chết thì phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hôn mê…. Đột quỵ xảy ra rất nhanh, do đó người bệnh và người thân cần sớm nhận biết để cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ: méo miệng, nói khó, phát âm không rõ; yếu hoặc liệt tay chân một bên; tê hoặc mất cảm giác ở một nửa bên thân thể; nói đớ hoặc không nói được; mất thị lực, mắt mờ, một bên mắt không nhìn thấy rõ; đau đầu dữ dội chưa bao giờ gặp phải; lú lẫn, hôn mê; có thể có nhức đầu, nôn ói, hoặc co giật…

Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột trong vòng vài giây tới vài chục phút. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói, cười, nhấc tay hoặc chân lên, nhắm mắt, chu miệng… sẽ thấy rõ tình trạng yếu cơ hoặc méo miệng, mờ mắt.

“Khi bị đột quỵ, nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cần chủ động đề nghị đưa đi bệnh viện hoặc người nhà thấy bệnh nhân có các dấu hiệu như vậy thì đưa bệnh nhân đến viện ngay để tận dụng hiệu quả “thời gian vàng” trong điều trị…”, GS. Thông lưu ý. “Thời gian vàng” được hiểu là trong vòng 3 – 4 giờ kể lúc bắt đầu bị đột quỵ cho đến khi được can thiệp tại các cơ sở điều trị ở bệnh viện.

Sau điều trị ba ngày, sức khỏe cô hồi phục tốt. Do sự cố sức khỏe này, Nhật Kim Anh buộc phải hủy show bên Mỹ và đặt vé bay về Việt Nam.

Người trẻ chớ chủ quan

Theo GS. Thông, tuổi trẻ thường được quan niệm là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất của đời người. Điều đó dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời.

GS. Thông khuyên mọi người dù ở độ tuổi nào cũng nên thực hiện chế độ ăn uống và vận động lành mạnh, khoa học. Hạn chế ăn chất béo, ngọt, đường, bột, thức ăn nhiều mắm muối. Tăng cường ăn nhiều rau, củ, trái cây. Bỏ hút thuốc lá, không lạm dụng bia rượu. Tập thể dục đều (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…) 30-60 phút/ngày, 4-5 lần/tuần. Cố gắng ngủ đủ, tránh để béo phì, mất ngủ, căng thẳng. Có kế hoạch làm việc hợp lý, vừa sức…

“Cần định kỳ đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng tích cực, không để đột quỵ xảy ra”, GS.Thông nói. 

Vi Thoại – Hương Thanh (Người đô thị)