Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Sự bao dung và dịu dàng sẽ mang đến thành công…

Nguyễn Thị Phương Thảo - người sáng lập kiêm CEO hãng hàng không tư nhân VietJet

Có mặt tại hội thảo Phụ nữ làm thế giới tốt đẹp hơn tổ chức tại TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của hãng hàng không VietJet Air – đã có trao đổi thú vị về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và dẫn dắt doanh nghiệp đến thành công.

Không có phái yếu, chỉ có phái mạnh và phái cực mạnh…

Với tài sản được ước lượng khoảng 1,65 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân (phấn đấu) đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes bầu chọn. Bà mở đầu phần chia sẻ của mình: “Bỗng dưng tôi phải làm quen với danh từ nữ tỷ phú. Tôi chưa bao giờ để ý mình có bao nhiêu tiền và cũng chưa đặt mục tiêu mình trở thành nữ tỷ phú. Và cũng không đạt mục tiêu kiếm tiền là hàng đầu. Nhưng khi thành lập công ty, mở doanh nghiệp thì câu hỏi làm thế nào doanh nghiệp phát triển, công ty tạo ra sản phẩm có tình vượt trội, đảm bảo đời sống nhân viên của mình lại luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi”.Tuy vậy, bà nói vẫn cần phải cân bằng giữa thiên chức chăm sóc gia đình và vai trò dẫn dắt doanh nghiệp của nữ doanh nhân. Bà kể cuối tuần bà vẫn lên lịch đi xem phim với con lớn, tắm (bơi) và chơi với con nhỏ.

Bà Thảo nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong việc quán xuyến công việc gia đình và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công lớn hơn. Bà kể lại: “Tôi thường nói đùa với đồng nghiệp trong công ty mình rằng không có phái yếu ở VietJet mà chỉ có phái mạnh và phái cực mạnh!”.  Để làm tốt thiên chức của người phụ nữ gia đình và vai trò dẫn dắt của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, bà Thảo cho rằng người phụ nữ phải nỗ lực, làm việc có trách nhiệm gấp ba lần người bình thường. Bà nói triết lý phương Đông và triết lý của Khổng Tử thấm sâu vào tinh thần làm việc của bà.

Bà trả lời chân thành với người dẫn chương trình Dominic Scriven – chủ tịch của quỹ Dragon Capital, một cổ đông của Viet Jet:  “Em luôn tâm niệm hãy cho đi và đừng suy nghĩ mình sẽ nhận được gì. Sự bao dung, nhân văn và dịu dàng của phụ nữ sẽ mang đến thành công trong công việc của họ. Chính vì thế em làm việc rất tích cực, làm việc chăm chỉ như thói quen của mình trong 30 năm qua, vì cộng đồng lên đến 20.000 nhân viên của mình…”

 “Em xin lãnh chuyện khó…”

Bà Thảo nói 800 ngày làm việc của đội ngũ làm dự án chuẩn bị cho quá trình gọi vốn (IPO) thành công của hãng VietJet là kết quả của sự nhẫn nại. Bà nói hãng phải làm việc với ba ngân hàng nước ngoài JP Morgan, Standard Charter và BNP Paribas mà mỗi ngân hàng lại có quy trình và chuẩn mực khác nhau. Ngay trong một ngân hàng, các bộ phận thẩm định, kế toán và hoạch định… lại có những đòi hỏi khác nhau. Các hãng luật quốc tế cũng tham gia tư vấn.

Bà kể: “Khoảng thời gian tháng 10 và tháng 11.2016, cả đội ngũ dường như kiệt sức vì thủ tục bởi thực trạng kinh doanh và pháp luật của Việt Nam khác xa với các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Ban lãnh đạo của Viet Jet đã đặt câu hỏi ‘Liệu chúng ta sẽ tiếp tục?’ Nhưng em vẫn luôn nhắc là sẽ vượt qua rào cản để đi đến cùng…”

Bà nói bà động vên đội ngũ làm dự án cần nhẫn nại và nỗ lực và luôn nhắc nhân viên phải cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Phần còn lại là vượt qua các khác biệt thủ tục giấy tờ giữa thực trạng Việt Nam và các tiêu chuẩn kinh doanh, bà nói: “Em xin lãnh chuyện này…”

Tạo ra giá trị mới và sản phẩm tính năng mới

Bà Thảo cho rằng thành công của doanh nghiệp Việt Nam là cần “nuôi dưỡng khát vọng doanh nghiệp, sản phẩm mang tính vượt trội và bắt nhịp với toàn cầu, và tạo ra các giá trị mới”.

Bà nói VietJet chưa từng nghĩ rằng mình “giành” khách với VietNam Airlines và các hãng hàng không khác.

Bà nhấn mạnh: “Thống kê của VietJet cho thấy 20-30% số hành khách của VietJet là những người lần đầu tiên bay máy bay. Nếu đến các sân bay Chu Lai, Đồng Hới, Tuy Hòa, Pleiku hay Bình Định, các anh chị sẽ thấy điều này. VietJet hiện có trên 30 đường bay quốc tế nhưng quá một nửa trong số này là chưa có hãng hàng không nào bay”.

H.N.T