Phương Tây lập liên minh nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo Trung Quốc

Trung Quốc hiện chiếm 50% đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái tạo, chiếm lĩnh hầu hết các ngành khai thác nguyên liệu, tấm pin mặt trời, điện gió, xe điện… Ảnh: NYT

Ngân hàng Thế giới (WB) cùng năm nước phương Tây đã thành lập Quan hệ đối tác nhằm củng cố tính linh hoạt và toàn diện của chuỗi cung ứng (RISE) năng lượng tái tạo. Nguồn vốn ban đầu khoảng 40 triệu đô la, với Nhật Bản góp 25 triệu đô la và bốn thành viên khác là Hàn Quốc, Anh, Canada và Ý góp phần còn lại.

Các nhà phân tích cho rằng số vốn của chương trình quá nhỏ so với đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho các dự án năng lượng tái tạo. Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “net zero” năm 2060.

RISE hỗ trợ các nước mới nổi công nghệ năng lượng sạch

RISE sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ cho các quốc gia mới nổi, nâng cao năng lực xử lý các loại nguyên liệu thô và hoàn thiện sản phẩm đầu cuối. Mục tiêu của RISE là đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu chính ổn định trên toàn cầu, giảm thiểu rủi ro an ninh kinh tế.

Các nước mới nổi hiện chủ yếu sản xuất và cung cấp nguyên liệu thô được sử dụng trong các chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. RISE chủ yếu nhắm đến các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á, Phi và Mỹ Latinh. Ấn Độ và Chile cũng tham dự sự kiện ra mắt RISE hôm 11-10 tại Marrakech, Marốc với tư cách là đại diện của những nước nhận hỗ trợ tiềm năng. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói các thành viên RISE “sẽ kiên định thúc đẩy sáng kiến này với sự hợp tác chặt chẽ với nhiều bên liên quan”.

RISE được manh nha từ cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương khối G7 vào tháng 5-2023. Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn của mình trong lĩnh vực xe điện và các tấm pin mặt trời. Các nền kinh tế công nghiệp hóa đầu tư nhiều hơn vào quá trình giảm phát thải. Chính vì thế, khối G7 coi việc phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào về các nguyên liệu chính là một rủi ro an ninh.

Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về đất hiếm, lithium và các khoáng chất khác được sử dụng trong xe điện, tấm pin mặt trời… làm dấy lên lo ngại rằng các hạn chế xuất khẩu hoặc thiên tai có thể gây ra sự gián đoạn lớn. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang chiếm vị thế ngày càng lớn trên thị trường năng lượng tái tạo nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các khoản đầu tư quy mô lớn.

Theo báo cáo tháng 4-2022 của GWEC (Hội đồng năng lượng gió toàn cầu), Trung Quốc thống trị lĩnh vực sản xuất các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong động cơ điện gió, bao gồm đồng với 40% thị phần toàn cầu, niken 35% và đất hiếm 87%. GWEC và IEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế) nói rằng 6/10 nhà sản xuất động cơ điện gió hàng đầu thế giới là của Trung Quốc và nước này cũng sở hữu trọn 10 nhà cung cấp thiết bị sản xuất quang điện mặt trời hàng đầu thế giới.

Mặc dù nguồn cung nguyên liệu thô sử dụng trong pin xe điện tương đối đa dạng, Trung Quốc vẫn nắm giữ thị phần đáng kể trong việc xử lý những nguyên liệu đó và lắp ráp pin. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc sản xuất 10% sản lượng lithium của thế giới nhưng chiếm tới 55% quy trình xử lý. Nó chiếm 75% thị phần trong sản xuất pin.

Ít nhất 90% chất nền được sử dụng trong các tấm pin mặt trời cũng được sản xuất tại Trung Quốc.

Nhưng các nền kinh tế tiên tiến không thể tự mình xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Bằng cách hợp tác với WB, họ hy vọng khai thác được chuyên môn WB trong việc cung cấp hỗ trợ phát triển trung và dài hạn cho các nước mới nổi và đang phát triển.

Trung Quốc chiếm 50% đầu tư toàn cầu cho năng lượng mới

Đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 226 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021 – theo báo cáo Triển vọng năng lượng mới Bloomberg NEF. Trung Quốc chiếm 43% tổng chi tiêu trên toàn thế giới. Báo cáo nửa đầu năm 2023 của Bloomberg NEF nói đầu tư trong nửa đầu năm nay lên đến 358 tỉ đô la, tăng 58% so với trước đó. Trung Quốc chi 179 tỉ đô la, chiếm 50% tổng số vốn toàn cầu, nhưng tỷ lệ tăng trưởng hơn 84% so với cùng kỳ nhờ các giá tấm pin rẻ hơn, thị trường quang điện trên mái nhà phát triển mạnh mẽ và việc hình thành và vận hành các cơ sở năng lượng lớn,

Trung Quốc là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới đang hướng tới mục tiêu mở rộng công suất điện gió và mặt trời lên 1.200 GW vào năm 2030. Nannan Kou, trưởng bộ phận phân tích của Bloomberg NEF tại Trung Quốc, nói rằng với tốc độ và tỷ lệ đầu tư như vậy Trung Quốc “đang tiếp tục đi đúng hướng” để đạt được mục tiêu đó và có thể hoàn thành sớm hơn dự định.

Sự thống lĩnh của Trung Quốc trên thị trường năng lượng tái tạo đã gây quan ngại cho nhiều nước về những rủi ro chuỗi cung ứng, rủi ro an ninh kinh tế. Nikkei Asia nói Nhật Bản và Trung Quốc đạt được thỏa thuận là “không có dữ liệu nào về gió hoặc dòng hải lưu, liên quan đến phòng thủ của Nhật Bản, thu thập được trong quá trình lắp đặt và vận hành động cơ điện gió tại Nhật Bản sẽ được gởi về cho Trung Quốc”.

Một báo cáo của IEA trong năm ngoái đã viết rằng: Vụ nổ năm 2020 tại một cơ sở polysilicon ở Trung Quốc, làm giảm 8% công suất sản xuất toàn cầu và góp phần làm cho giá polysilicon tăng gần gấp ba lần trong hai năm 2020-2021.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg NEF