Sài Gòn như người mẹ bao dung

Những người “nhập cư” đã góp phần làm cho Sài Gòn bao dung hơn! Ảnh TL

(Vietnamtimes) – Em gái từ một tỉnh cao nguyên về Sài Gòn… Bạn trai từ một tỉnh miền Bắc dạt vào đây… Vợ chồng anh chị từ một thị xã nhỏ miền Trung vô Sài Gòn…

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn – TPHCM đã trải qua nhiều biến cố lịch sử và biến động xã hội. Một đô thị trẻ phát triển từ nhiều nguồn nhập cư đủ các tộc người, vùng miền, thành phần, nghề nghiệp, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác…

Chốn náu nương

Người ta quen với hình ảnh phố phường Sài Gòn náo nhiệt từ sáng sớm đến quá nửa đêm, nhất là ở vùng ven. Đấy chính là địa bàn nhiều người nhập cư chọn làm nơi sinh sống khi mới vào thành phố.

Cư dân đô thị thường bị coi là có lối sống cá nhân “đèn nhà ai nấy rạng”, lạnh nhạt tình nghĩa hàng xóm láng giềng, vậy nhưng ở thành phố này đằng sau cái vẻ ồn ào vội vã, ẩn dưới sự hời hợt như vô tâm… là tình cảm chân chất và thực tế “thương người như thể thương thân”.

Giúp đỡ cưu mang chia sẻ là hành động hàng ngày, không chỉ với người hàng xóm, người làm chung mà cả những người khách vãng lai không may gặp khó khăn… như nhiều người vẫn gọi thành phố này là “Sài Gòn ân cần”.

Thành người Sài Gòn

Nếu qua 40 năm sinh sống ở thành phố này tôi đã được coi là người Sài Gòn thì hiện nay bạn bè của tôi hầu hết là những người nhập cư.

Họ đến Sài Gòn từ nhiều tỉnh, thành, vùng miền, từ 20 năm, mười năm hay chỉ mới năm, ba năm… Dù đã có thời gian dài vất vả tìm việc làm, dù hiện nay có khi chưa thật ổn định về công việc, nhưng hầu như tất cả đều coi Sài Gòn là nơi họ sẽ an cư lâu dài. Hơn thế nữa họ luôn yêu Sài Gòn từ những điều giản dị hàng ngày và không ngại ngần bày tỏ tình yêu ấy.

Em gái từ một tỉnh cao nguyên về Sài Gòn theo chồng. Hôn nhân tan vỡ, em trở thành mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ. Tìm được một công việc ổn định nhờ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ và bản lĩnh trong thương trường, nhưng tình yêu Sài Gòn đã thôi thúc em làm một điều gì đó. Cùng bạn bè em mở quán cà phê nhạc, đêm đêm những bản nhạc xưa gợi nhớ một thuở Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Khó khăn đến mấy em cũng duy trì hoạt động của quán, và tình yêu của em được đền đáp: khách đến quán ngày càng đông, lạ thay, rất nhiều người trẻ mới vô Sài Gòn sinh sống, họ thường đến nghe nhạc, và họ cũng hát cùng ca sĩ, giọng hát có thể còn thô vụng nhưng nồng nhiệt một tình yêu Sài Gòn, bởi vì tất cả, chủ và khách, đều coi mình là “người Sài Gòn”.

Bạn trai từ một tỉnh miền Bắc trôi dạt vào đây. Lăn lộn đủ nghề, rồi dần đứng được với nghề viết lách. Bạn lấy một cô vợ người gốc Huế. Có lẽ khó có ai như vợ chồng bạn, viết về Sài Gòn một cách điệu đàng mà chân chất cho ta biết một Sài Gòn hào hoa mà giản dị. Chỉ tìm hiểu tư liệu và bằng tình yêu với nơi này mà trang viết của họ tưởng như đã từng trải nghiệm như một người Sài Gòn thứ thiệt.

Vợ chồng anh chị từ một thị xã nhỏ miền Trung chuyển vô Sài Gòn làm việc, vừa theo cơ quan, vừa để con cái thuận tiện học đại học. Đã vào tuổi gần về hưu thật không dễ thích nghi với một nơi chốn mới, nhưng chỉ sau hai, ba năm qua câu chuyện của anh chị đã thấy cuộc sống ổn định như ở quê nhà.

Giữ gìn nét đẹp Sài Gòn

Trên mạng internet có hàng chục trang web sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Sài Gòn xưa mà phần lớn chủ nhân là những người trẻ quê quán từ khắp miền đất nước. Có cả người nước ngoài xây dựng một “city tour” đi thăm những di tích cổ xưa của thành phố. Những trang web đều phi lợi nhuận, nhưng đều từ suy nghĩ “góp phần gìn giữ nét đẹp Sài Gòn vì ta là người Sài Gòn”.

Nhập cư là hiện tượng đặc trưng của các đô thị, với Sài Gòn – TPHCM nhập cư còn là nguồn lực tạo dựng thành phố ngay từ buổi đầu không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa. Không chỉ vậy, nhiều người đã coi “nơi này làm quê hương” vì trải qua bao khó nhọc họ đã nhận được ở Sài Gòn rất nhiều, rồi từ đó họ lại chia sẻ cho nhiều người khác.

Từ nhập cư họ đã thành người Sài Gòn một cách tự nhiên, từ trong tình cảm mà không câu nệ đã ở lâu mau hay có không hộ khẩu. Với lợi thế của một “Sài Gòn dễ sống” những người đến đây tìm kiếm cơ hội luôn thấy mình trở thành cư dân của một “Sài Gòn đáng sống”.

Tấm bảng đó là của 3 anh em họ gồm: Phạm Như Thắng (25 tuổi), Nguyễn Tài Dũng (28 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, quê Bình Thuận). Cả 3 đã quyết định viết bảng thông báo để nhận sửa xe, giúp đỡ cho bà con miễn phí trong lúc khó khăn. Câu chuyện ấm áp này đã từng khiến rất nhiều người mỉm cười và xúc động khi biết tới. Và sau đó, nó đã được đưa vào đề thi.

Nguyễn Thị Hậu