Singapore mở “vòm kính” Connect@Changi để đón khách dự hội nghị, triển lãm

Tài liệu hay văn bản trên giấy được trao đổi giữa hai phòng họp thông qua cửa sổ đặc biệt có chiếu xạ. Ảnh: Connect@Changi
Tiêu điểm:
Singapore mở “vòm kính” Connect@Changi để đón khách dự hội nghị, triển lãm
Singapore đã khai trương trung tâm hội nghị mới có tên Connect@Changi tuần rồi. Đây là nỗ lực mới của Singapore nhằm hồi sinh ngành du lịch và hàng không của hòn đảo và duy trì vị trí số một là trung tâm kinh doanh MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị và triển lãm) của khu vực.
Tập đoàn Temasek Holdings và nhiều công ty công nghệ và y tế của Singapore đã tham gia phát triển dự án Connect@Changi.  Khu này nằm trong Trung tâm Triển lãm và hội nghị Singapore Expo gần sân bay Changi. Với tổng diện tích 72.500m2, Connect@Changi có thể là một ứng viên để tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 8 tới tại Singapore.
Connect@Changi phần nào gợi nhớ các phim khoa học viễn tưởng với những vòm kính thủy tinh hay quả cầu thủy tinh cách biệt cộng đồng dân cư bên trong vòm hay quả cầu với thế giới bên ngoài.
Khách khi bay đến Singapore dự hội nghị sẽ được đưa đến ở tại Connect@Changi và sẽ dự họp với đối tác địa phương đang ở trong các căn phòng khác có vách ngăn trong suốt bằng kính. Tài liệu giấy tờ được đưa qua các cửa sổ đặc biệt và được chiếu xạ khử trùng. Tài liệu khi đưa trở ra cũng như vậy. Hai bên sẽ nói chuyện với nhau qua hệ thống loa xuyên qua kính.
Khách sạn bên trong Connect@Changi là tòa nhà tiền chế hai tầng. Ở sảnh tiếp tân có quầy trà, cà phê và nước giải khát tự phục vụ. Các bữa ăn được nhân viên trong trang phục bảo hộ đặc biệt mang đến. Có thể nói thế này: Khách đang bị “cầm tù” trong nhà kính và không được đi thăm phố xá. Họ chỉ được phép bay đến dự hội nghị trong nhà kính. Hết hội nghị là phải bay về.
Hôm khai trương 19/2, Connect@Changi có 150 phòng khách sạn và 40 phòng họp. Con số này sẽ được nâng lên thành 660 phòng ngủ và 170 phòng họp vào tháng 5 tới.
Kênh truyền hình Channel News Asia nói giá phòng ở vòm hội nghị này khá cao: 384 SGD/đêm, khoảng 290 USD, trong đó đã bao gồm đưa đón sân bay và các bữa ăn. Giá phòng họp từ 20 – 200 SGD một giờ, tùy vào quy mô phòng. Phòng nhỏ nhất có thể chứa bốn người, trong khi phòng rộng nhất là 22 người.
Du khách dự hội nghị Connect@Changi không cần phải tự cách ly, với điều kiện là phải tuân theo các quy định về phòng dịch và phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh.
Alan Thompson, giám đốc điều hành cấp cao của Temasek International, nói với báo chí rằng tất cả các cuộc họp hay hội nghị đều có thể diễn ra tại vòm Connect@Changi – như các thảo luận của các công ty đa quốc gia, các thương thảo pháp ly và các cuộc họp của quỹ quản lý tài chính. “Không có giới hạn nào đối với các cuộc họp tổ chức tại đây”, ông nói.
Kinh tế Singapore đã tăng trưởng âm -5,4% trong năm 2020 với du khách quốc tế giảm đến 86% xuống còn 2,7 triệu lượt. Ngành hội nghị của Singapore mang lại 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 1% GDP và cung cấp việc làm cho khoảng 34.000 người.
Singapore đã hình thành các làn xanh và du lịch miễn cách ly với nhiều nước qua mô hình “bong bóng du lịch”. Các thỏa thuận này hiện tạm đình hoãn do bùng phát dịch ở đầu cầu đối tác. Sớm nhất là trong tuần này, Singapore và Hồng Kông sẽ thảo luận về việc nối lại bong bóng du lịch giữa hai trung tâm tài chính quốc tế này.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tháng 1 hàng năm ở Davos, Thụy Sỹ đã được dời đến Singapore với lịch dự kiến là tháng 5. Nhưng các giới hạn đi lại bị kéo dài do dịch bùng phát đã khiến các nhà tổ chức dời một lần nữa đến tháng 8.
Khi được hỏi là liệu Connect@Changi sẽ là một địa điểm để tổ chức WEF vào tháng 8 tới, ông Thompson cho biết là chính phủ Singapore đang thảo luận với ban tổ chức diễn đàn về công tác hậu cần. “Vòm hội nghị này chắc chắn là một trong những lựa chọn”, ông phát biểu.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,10 – 56,60 triệu đồng/lượng, tăng tới 550.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 500 ngàn đồng/lượng. Đây là phiên tăng đầu tiên trong bảy phiên gần đây của kim loại quý này, bắt nhịp ngay với giá vàng thế giới. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.815,4 USD/ounce, tăng 30,8 USD/ounce, tương đương 1,73% so với chốt phiên trước. Những dự đoán về lạm phát tăng đã dẫn tới lo ngại về giá cổ phiếu và khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn là vàng.
2/ Những ngày đầu năm 2021, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục biến động theo hướng tăng cao. Tại nhiều địa phương, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái vào tận đồng ruộng thu mua hết đến đó. Nếu giá tiếp tục cao như hiện nay, nông dân kỳ vọng vụ Đông Xuân 2020-2021 trúng mùa, lúa bán được giá, thu lợi nhuận cao so với những vụ mùa trước đây. Qua đánh giá, vụ này, lúa đạt năng suất bình quân từ 65,3 tạ đến 65,5 tạ/ha và cao hơn 12,6 tạ/ ha so với vụ Đông Xuân năm trước, sản lượng cả vụ ước đạt trên 143.000 tấn lúa hàng hóa. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, giá lúa hàng hóa thương lái thu mua đang ở mức trên 8.600 đồng/kg lúa, cao hơn vụ Đông Xuân 2019–2020 từ 1.900 đồng đến 2.000 đồng/kg tùy theo địa bàn, giúp nông dân thu lãi ròng gần 32 triệu đồng/ha, cao hơn 13,3 triệu đồng so với vụ Đông Xuân năm trước.
Vụ này, lúa đạt năng suất bình quân từ 65,3 tạ đến 65,5 tạ/ha và cao hơn 12,6 tạ/ ha so với vụ Đông Xuân năm trước.
3/ Sau Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản tại các chợ cá, bến cảng ở Ninh Thuận tăng từ 10-15% nhưng vẫn hút hàng do sức tiêu thụ của người dân, khách du lịch tăng cao. Theo một số thương lái cho biết, một số mặt hàng hải sản tăng do lúc này là do nhu cầu mua hải sản để đổi món ăn của người dân tăng cao vì đa phần mọi người đã tiêu thụ nhiều những món thịt trong những ngày Tết vừa qua. Thêm vào đó, trung bình mỗi ngày họ cũng đã thu mua trên 400 kg cá biển các loại, hơn 300 kg mực tươi của ngư dân, sau đó bán cho người dân và đóng thùng đá lạnh xuất cho khách du lịch, nhiều hôm nguồn hàng không đủ cung cấp cho khách. Qua khảo sát tại các cảng cá Đông Hải, cảng cá Mỹ Tân hiện có rất nhiều tàu cá công suất lớn đang thả neo nằm bờ. Theo dự báo, giá cả sẽ giảm dần nhưng phải sau Rằm tháng Giêng mới ổn định.
4/ Theo Korea Times, nỗ lực của LG để bán lại mảng sản xuất điện thoại di động cho Vingroup thất bại khi công ty Việt đề nghị mức giá thấp hơn mong muốn của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc. LG đã đàm phán với Vingroup để bán các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của hãng tại Việt Nam và Brazil. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận gần đây bất thành do hai bên không thống nhất được mức giá. Do tình trạng thua lỗ ngày càng tăng những năm gần đây, nên LG đã quyết định bỏ mảng kinh doanh smartphone, bán để tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện xe điện. Sau thông báo của LG, Vingroup được nhắc đến là “nhà thầu phù hợp” để có thể đạt được một thỏa thuận, vì công ty niêm yết lớn nhất tại Việt Nam đang tìm cách mở rộng sang các ngành công nghệ cao. Theo nguồn tin của Korea Times cho biết, thì sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào giữa LG và Vingroup. Tập đoàn Hàn Quốc sẽ tìm kiếm một đối tác mới để bán lại.
5/ Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực làm việc thời vụ trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã chính thức thông báo tiếp tục cho phép người lao động nước ngoài làm việc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) hết hạn hợp đồng được phép chuyển sang làm lao động thời vụ tạm thời. Theo đó, lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc nếu hết hạn hợp đồng nhưng chưa thể xuất cảnh về nước do dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục ở lại làm việc thời vụ tạm thời từ 1 tháng đến tối đa 5 tháng. Đối tượng được phép chuyển đổi là người lao động nước ngoài làm việc theo Chương trình EPS (lao động E-9) đã hết hạn hợp đồng 3 năm hoặc 4 năm 10 tháng và được Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp giấy trì hoàn thời hạn xuất cảnh do dịch bệnh COVID-19 không thể về nước.
6/ Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã tuyển dụng thêm lao động để mở rộng sản suất, phát triển thị trường, có doanh nghiệp tuyển dụng nhằm bù vào số lao động bị thiếu hụt sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM dự kiến thị trường lao động sau Tết cần khoảng 30.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,8%; trong đó nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%.
7/ Australia đã phòng chống Covid-19 bằng một trong những chế độ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhưng thành công đó đang gây rắc rối cho nông dân của họ, vì không tuyển đủ lao động để thu hoạch và trồng trọt. Theo đó, đu đủ, dâu tây, dứa và các loại rau tại Australia đang tới mùa nhưng đành bỏ đi không ít vì khó tìm đủ người thu hoạch giữa mùa dịch. Khách du lịch bụi, những người thường chiếm đến 80% lực lượng nhân công thu hoạch nông sản tươi đã vắng bóng kể từ khi đại dịch nổ ra mà không có người thay thế. Trong khi đó, các lao động thời vụ từ các đảo Thái Bình Dương cũng không đến được, dù nhiều quốc gia được coi là không có Covid-19. Và sự thiếu hụt lao động đang làm tổn hại nền kinh tế. Nhiều người trồng ít cây hơn, có thể dẫn đến tăng giá lương thực. Liên minh sản xuất hàng tươi Australia dự đoán tình trạng thiếu lao động có thể làm tăng giá rau quả lên 60% và làm giảm giá trị của ngành làm vườn gần 5 tỷ USD.
8/ Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Argentina mới đây cho biết xuất khẩu lúa mạch của quốc gia Nam Mỹ này sang Trung Quốc có thể sẽ đạt mức kỷ lục gần 1 triệu tấn trong năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác nhằm thay thế đối tác truyền thống của nước này là Australia. Theo đó, các công ty xuất khẩu nông sản Argentina đã trình Chính phủ đề nghị cho phép bán ra thị trường nước ngoài, chủ yếu sang Trung Quốc, khoảng 1,1 triệu tấn lúa mạch làm thức ăn gia súc trong niên vụ 2020-2021, vụ thu hoạch vừa kết thúc cách đây vài tuần. Đây được coi là bước nhảy vọt so với mức xuất khẩu 300.000 tấn lúa mạch sang quốc gia châu Á này vào năm ngoái. Argentina dự kiến sẽ sản xuất khoảng 4,2 triệu tấn lúa mạch trong niên vụ 2021 -2022, tăng mạnh so với 3,8 triệu tấn thu được trong niên vụ 2020 -2021.
Vừa qua, các công ty xuất khẩu nông sản Argentina đã trình Chính phủ đề nghị cho phép bán ra thị trường nước ngoài. – Ảnh: Mercopress
9/ Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 19 phiếu thuận và 16 phiếu chống. Dự luật bao gồm chi phiếu kích thích kinh tế trị giá 1.400 USD, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ cho tiêm chủng và xét nghiệm, 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025. Tuy nhiên, dự luật cứu trợ của Tổng thống Biden được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức chính trị và các thủ tục liên quan tại Thượng viện sau khi được Hạ viện thông qua, trong đó đề xuất về mức lương tối thiểu 15 USD có thể khó được thông qua.
10/ Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Argentina mới đây cho biết xuất khẩu lúa mạch của quốc gia Nam Mỹ này sang Trung Quốc có thể sẽ đạt mức kỷ lục gần 1 triệu tấn trong năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác nhằm thay thế đối tác truyền thống của nước này là Australia. Theo đó, các công ty xuất khẩu nông sản Argentina đã trình Chính phủ đề nghị cho phép bán ra thị trường nước ngoài, chủ yếu sang Trung Quốc, khoảng 1,1 triệu tấn lúa mạch làm thức ăn gia súc trong niên vụ 2020-2021, vụ thu hoạch vừa kết thúc cách đây vài tuần. Đây được coi là bước nhảy vọt so với mức xuất khẩu 300.000 tấn lúa mạch sang quốc gia châu Á này vào năm ngoái. Argentina dự kiến sẽ sản xuất khoảng 4,2 triệu tấn lúa mạch trong niên vụ 2021 -2022, tăng mạnh so với 3,8 triệu tấn thu được trong niên vụ 2020 -2021.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Hãy sử dụng Thịt heo thảo mộc Sagri để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn