Singapore nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam và khu vực

Một cánh đồng điện gió ở Việt Nam. Singapore trước tiên sẽ nhập năng lượng sạch từ các trang trại điện gió ngoài khơi từ các tỉnh phía nam Việt Nam. Ảnh: AFP / Jiji

Các công ty Singapore công bố nhiều dự án nhập khẩu nguồn năng lượng sạch từ Việt Nam, Malaysia và Indonesia, gồm điện gió, điện mặt trời và hydro. Đây là các sáng kiến năng lượng xanh được quỹ đầu tư nhà nước Temasek hậu thuẫn.

Cơ quan giám sát thị trường năng lượng (EMA) hôm 24-10 đã cấp phép cho công ty Sembcorp Utilities nhập khẩu điện có hàm lượng carbon thấp từ Việt Nam. Sembcorp sẽ hợp tác với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) khai thác nguồn điện từ các nhà máy điện gió ngoài khơi ở các tỉnh phía nam. Điện sẽ được truyền tải qua một tuyến cáp ngầm mới xây dựng dài khoảng 1.000 km.

Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại (thứ hai) Tan See Leng nói: “Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên này. Chúng tôi hiện đang nghiên cứu khả năng tham gia nhiều dự án nhập khẩu điện hơn, có tính đến an ninh năng lượng và yếu tố chi phí”.

EMA cho biết Singapore đang tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch từ lưới điện khu vực để khắc phục hạn chế về đất đai. Cơ quan này nói lưới điện khu vực có thể đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế đồng thời đa dạng hóa các nguồn năng lượng ngoài nhiên liệu hóa thạch.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, đến năm 2035 Singapore có kế hoạch nhập khẩu 4 GW điện có hàm lượng carbon thấp, hoặc đủ năng lượng để cung cấp năng lượng cho 400 triệu bóng đèn phát sáng.

Việt Nam không phải là nguồn nhập khẩu năng lượng duy nhất của Singapore. Hòn đảo dự định xây thêm các tuyến cáp ngầm để mua điện sạch từ Campuchia và Indonesia. Tổng lượng điện tái tạo mà Singapore dự định nhập khẩu từ Việt Nam, Campuchia và Indonesia thông qua tuyến cáp ngầm sẽ vượt quá 7GW, vượt xa mục tiêu đã tuyên bố là 4GW.

Ngoài năng lượng sạch khác là từ Malaysia.

Hôm 24-10, Sembcorp cũng công bố đã ký hợp đồng thực hiện nghiên cứu khả thi với công ty tiện ích PT PLN của chính phủ Indonesia. Liên doanh này dự định hình thành cơ sở có khả năng sản xuất tới 100.000 tấn hydro xanh hàng năm ở Indonesia từ năng lượng tái tạo có nguồn gốc địa phương. Nguồn điện này sau đó sẽ được xuất khẩu qua đường ống ngầm tới Singapore. Dự án này đang được quảng cáo là dự án xuất khẩu hydro xanh đầu tiên của Indonesia sang nước láng giềng phía bắc.

CEO Wong Kim Yin của Sembcorp Industries, công ty mẹ của Sembcorp Utilities, cho biết: “Hydro và các dẫn xuất của nó vẫn là một trong những nguồn thay thế hứa hẹn nhất cho khí tự nhiên trong sản xuất điện, Chúng tôi nỗ lực hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hydro carbon thấp khả thi ở ASEAN nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng cho cả hai nước”.

City Energy, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Quỹ Cơ sở hạ tầng Keppel của Singapore, do Temasek hậu thuẫn, cũng tham gia vào một sáng kiến tương tự với Malaysia.

Nhà cung cấp giải pháp năng lượng sạch Gentari, hãng con của tập đoàn quốc doanh Petronas, tuyên bố đã ký hợp đồng với City Energy trong việc xây dựng đường ống từ Malaysia đến Singapore để xuất khẩu hydro sang Singapore.

Michele Azalbert, giám đốc hydro của Gentari, nói đây là bước chiến lược của Gentari nhằm đẩy nhanh việc sử dụng hydro sạch như một nguồn năng lượng khả thi, đáp ứng mục tiêu đạt mức phát thải bằng không (net zero) vào năm 2050 cho cả Malaysia và Singapore.

Singapore cũng có kế hoạch sử dụng nguồn năng lượng từ bên ngoài ASEAN. Trong số các kế hoạch này có dự án đặt tuyến cáp dưới biển dài hơn 4.000km để nhận điện từ trang trại điện mặt trời khổng lồ của một startup ở miền bắc nước Úc. Singapore cũng là nước đầu tiên hưởng ứng sáng kiến OSOWOG (Một Mặt trời, Một Thế giới, Một Lưới điện) do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất vào năm 2018. Singapore có vẻ mong muốn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối OSOWOG với APG (sáng kiến mạng lưới điện toàn ASEAN đưa ra năm 1997).

Ricky Hồ / BSA Media