Singapore tăng gấp đôi trạm đầu mối cáp biển, củng cố vị trí hàng đầu về kết nối công nghệ

Singapore hiện là điểm kết nối của 25 tuyến cáp quang biển đang hoạt động và 14 dự án đang được triển khai. Ảnh: NTT

Singapore sẽ tăng gấp đôi số trạm đầu mối hay điểm cập bờ (landing destination) của các tuyến cáp ngầm dưới biển trong vòng 10 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa đường truyền dữ liệu của các hãng công nghệ và viễn thông. Đây cũng là kế hoạch duy trì vị thế trung tâm mạng hàng đầu, kết nối các nền kinh tế ASEAN và thế giới.

Theo hãng nghiên cứu viễn thông Telegeography của Mỹ, quốc đảo này hiện là đầu mối của 25 tuyến cáp quang ngầm đang hoạt động và có 14 dự án cáp biển đang được triển khai. Con số này nhiều hơn các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Nhật Bản – mỗi nơi có khoảng 20 – 22 tuyến cáp quang quốc tế.

Là một phần trong kế hoạch tổng thể mới về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Singapore tuyên bố sẽ cung cấp thêm không gian và số lượng trạm đến “để các nhà khai thác có thể mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa mạng lưới cáp ngầm”. Singapore đang xem xét các nơi xây dựng thích hợp, hiện có ba địa điểm mới đã được xác định.

Phát biểu tại lễ công bố kế hoạch chi tiết hôm 5-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Josephine Teo nói: “Công suất bổ sung khi hoạt động sẽ tăng cường kết nối kỹ thuật số cho tất cả chúng ta, bao gồm cả các nước láng giềng ở Đông Nam Á”.

Mục tiêu mới của Singapore được đưa ra khi các nhà khai thác cáp đầu tư hàng tỷ đô la vào việc đa dạng hóa các tuyến đường nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng của khu vực. Cáp ngầm dưới biển là cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số, xử lý gần như tất cả lưu lượng dữ liệu quốc tế.

Các chính phủ cũng đã đầu tư nhiều hơn vào các tuyến cáp biển. Tại cuộc họp G7 tại Hiroshima hồi tháng 5, các nhà lãnh đạo Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đã công bố một thỏa thuận mới nhằm tăng cường hệ thống cáp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dù có diện tích đất hạn chế, nhưng Singapore đang là một trong những điểm đến quan trọng nhất của thế giới, một phần là do vị trí địa lý của nước này. Đây là điểm kết nối các tuyến cáp ở khu vực châu Á và trạm chuyển tiếp các tuyến cáp từ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Vào năm tới, Meta và Google dự kiến sẽ hoàn thành dự án cáp có tên Echo. Đây sẽ là dự án đầu tiên kết nối trực tiếp Mỹ với Singapore. Cũng trong năm 2024 sắp tới, Meta, Keppel Corp. của Singapore và Telekomunikasi Indonesia International (Telin) đặt mục tiêu hoàn thành một tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương khác, mang tên Bifrost.

Tuy nhiên, khi nhiều nhà khai thác tìm cách kết nối với Singapore, nhiều người đã lo ngại về khả năng triển khai dự án bị hạn chế và thời gian cấp phép quá lâu. “Một số nhà đầu tư có thể rút lui”, một hãng cung cấp dịch vụ cáp nói với Nikkei Asia.

Nhà nghiên cứu Marvin Tan thuộc Telegeography lưu ý rằng khả năng cung cấp trạm đến hay điểm đến tăng lên sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Singapore hy vọng công suất bổ sung có thể đạt ít nhất 10 tỷ SGD (7,4 tỷ USD) trong các khoản đầu tư cáp tổng thể.

Tuy nhiên, ông Tan nhấn mạnh rằng “chính phủ cần lưu ý một danh sách dài các yếu tố quan trọng” để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài việc cung cấp nguồn điện đáng tin cậy, đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thúc đẩy và khuyến khích các quan hệ đối tác, các quy định thuận lợi là chìa khóa để khuyến khích các nhà khai thác đầu tư cho các tuyến cáp mới.

Bên cạnh đó, ông Tan nói thêm, cần có các chính sách minh bạch liên quan đến hoạt động của các trạm đến, cấp phép thuận lợi và các nguyên tắc bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu rõ ràng.

Số lượng trung tâm dữ liệu ở ASEAN tính đến cuối năm 2022. Nguồn: Singapore Computer Society

Theo hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, bất chấp diện tích đất hạn chế, Singapore được xếp hạng trong số những địa điểm đặt trung tâm dữ liệu đáng mơ ước nhất, đồng hạng với Silicon Valley ở vị trí thứ hai trên toàn cầu và đứng đầu ở châu Á. Các công ty công nghệ lớn như Google và Amazon đã phải tăng năng lực khi mức độ sử dụng dữ liệu ở châu Á tiếp tục tăng.

Năm 2019, Singapore tạm dừng cấp phép các dự án trung tâm dữ liệu mới. Các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã được hưởng lợi khi các nhà đầu tư mở thêm nhiều cơ sở tại ba nước này trong bốn năm qua.

Singapore hiện chiếm 60% tổng công suất trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á.

Giá điện và tiền thuê đất đỏ là thách thức lớn với Singapore. Ở môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao quanh năm, các cơ sở dữ liệu “ngốn” nhiều năng lượng hơn để làm mát các máy chủ. Với hơn 70 cơ sở, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ hơn 7% tổng điện năng của thành phố.

Ricky Hồ / BSA