Singapore thông qua luật mới về M&A, sở hữu 5% cổ phần phải thông báo chính phủ

Theo luật mới, các công ty mua các thực thể được chỉ định của Singapore sẽ phải thông báo cho cơ quan chức năng nếu trở thành cổ đông 5% và phải xin phép trước khi nắm giữ 12% trở lên. Ảnh: Nikkei Asia

Quốc hội Singapore đã thông qua dự luật cho phép Bộ Công thương nước này quyền lực to lớn hơn trong việc kiểm tra và ngăn chận việc mua bán và sáp nhập các công ty Singapore, nếu thương vụ có những nguy cơ với “an ninh quốc gia”.

Theo luật mới, người mua vào các thực thể được chỉ định ở Singapore sẽ phải thông báo cho cơ quan chức năng nếu trở thành cổ đông 5% và phải xin phép trước khi nắm giữ 12% trở lên.

Động thái này đánh dấu việc thắt chặt các quy định khi Singapore càng tăng cường giám sát sở hữu ngày càng tăng của nước ngoài ở các công ty địa phương. Các nhà phân tích nói rằng việc giám sát như vậy đang trở nên quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những bất ổn khác hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ Singapore cũng tin rằng luật mới sẽ đảm bảo các tác động tổng thể đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ được giảm thiểu và nền kinh tế Singapore vẫn tiếp tục sôi động.

Phát biểu tại Quốc hội hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Gan Kim Yong nói: “Không chỉ chúng ta đơn độc thực hiện điều này. Theo báo cáo năm 2023 của Liên hiệp quốc, ít nhất 37 quốc gia đã đưa ra khung pháp lý để sàng lọc các khoản đầu tư vì lý do an ninh quốc gia kể từ những năm 1990”. Vị bộ trưởng đề cập đến các nước như Anh, Úc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, tên của các công ty địa phương nằm trong Dự luật Đánh giá đầu tư quan trọng (SIRB), được đưa ra tranh luận trước Quốc hội Singapore vào tháng 11 năm ngoái, vẫn chưa được công bố.

Bộ trưởng Gan nói rằng danh sách “các thực thể được chỉ định” sẽ được công bố sau khi các điều khoản của dự luật có hiệu lực chính thức trong tương lai. Ông cũng nói thêm rằng những công ty trong danh sách đã nhận được thông báo của chính phủ.

Tuy nhiên, ông nói những thực thể được chỉ định đề cập ở trên chỉ là thuộc số ít “đếm trên tay”, ngoài các công ty thuộc diện quản lý hiện hành của chính phủ Singapore có liên quan các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, ngân hàng và tiện ích công.

“Tôi có thể đưa ra một ví dụ, nếu đó là công ty cung cấp chính các dịch vụ bảo mật ở Singapore, đặc biệt là khi có ít hoặc không có lựa chọn thay thế nào, thì thực thể (công ty) này sẽ là một thực thể quan trọng. Tôi khuyến khích các thành viên Quốc hội không nên suy đoán vào thời điểm này về thực thể cụ thể nào sẽ được chỉ định”, ông Gan phát biểu.

Với luật mới, bên mua các thực thể được chỉ định sẽ phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng bảy ngày sau khi trở thành cổ đông 5% và phải xin phép trước khi nắm giữ 12%, 25% hoặc 50% của một thực thể.

Trong khi đó, người bán sẽ phải xin phép Bộ trưởng Công thương khi không còn là người kiểm soát 50% hoặc 75%. Các giao dịch xảy ra mà không có sự chấp thuận cần thiết sẽ bị vô hiệu.

Các thực thể quan trọng cũng cần phải xin phê duyệt từ nhà chức trách các chức danh chủ chốt, bao gồm giám đốc điều hành, giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị. Bộ trưởng cũng có thể cách chức các quan chức chủ chốt vì lợi ích an ninh quốc gia.

Các nhà lập pháp hôm nay 10-1

đã đặt câu hỏi về cái gọi là rủi ro “an ninh quốc gia” bao gồm những gì và ông Gan trả lời bằng cách nói rằng chính phủ đang giữ định nghĩa linh hoạt vì sẽ cân nhắc “tiến triển theo thời gian”.

Chính trị gia đối lập Leong Mun Wai của Đảng Tiến bộ Singapore phản đối dự luật được thông qua tại Quốc hội do Đảng Hành động nhân dân cầm quyền của ông Gan thống trị. “Quốc hội được yêu cầu ủng hộ dự luật mà không biết đâu là lĩnh vực kinh tế và công ty có khả năng bị ảnh hưởng. Đảng Tiến bộ Singapore tin rằng chúng tôi không cần những quyền lực pháp lý sâu rộng như vậy theo đạo luật được đề xuất để kiểm soát các thực thể quan trọng của chúng ta”.

Theo Nikkei Asia, Straits Times