Thay đổi cách ứng xử và chính sách để thúc đẩy liên kết vùng

Năm nào lũ thấp thì năm kế tiếp sẽ là năm khô hạn vì không có nước để trữ. Ảnh Đỗ Phu
TS Lê Anh Tuấn
Năm nay lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp hơn nhiều năm, người dân bản địa gọi là năm lũ thấp hay lũ nghèo, khác với khái niệm “lũ đẹp” là lũ vừa đủ lớn, vừa có nước chan hòa khắp nơi, vừa có nhiều cá và sãn vật mùa lũ, vừa có phù sa mà không gây ra những thiệt hại đáng kể. Năm 2016, lũ thấp, khô hạn lịch sử lúc đó còn do El Nino. Năm 2020 cũng có El Nino. Lũ thấp có rất nhiều nguyên nhân. Trong khoảng hơn 10 năm nay, mức nước từ thượng nguồn về đồng bằng giảm đi rất rõ.
Năm 2024 sắp tới, xấp xỉ cứ 4 năm sẽ gặp hiện tượng El Nino quay trở lại. Năm nào lũ thấp thì năm kế tiếp sẽ là năm khô hạn vì không có nước để trữ. Ngày xưa, nước thấp nhưng còn có chỗ trữ, bây giờ khó kiếm đất để trữ thì nước khó giữ mà xài cho những tháng mùa khô. Chúng ta không thể đổ hết cho thiên nhiên được, có phần của thiên nhiên nhưng một phần cũng do con người đã sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Một số nước ở thượng nguồn tìm cách giữ nước lại do trên kia cũng khô hạn và có nhu cầu phát điện, các chủ đầu tư giữ nước đầy hồ chứa để ưu tiên cho phát điện chứ không phải ưu tiên nước cho nông dân hạ nguồn canh tác. Khi lũ thấp, cá ít, phù sa ít đồng nghĩa nguồn lợi của nông dân từ đánh bắt cá cũng ít. Ngày xưa có một số nghề mùa lũ cho người nghèo, ví dụ móc đất bán cho người đắp nền nhà, còn bây giờ đất không có mà móc nữa rồi. Cá nhiều thì chim cò nhiều, ngược lại chim cò ít, rắn rùa cũng hiếm thấy… Du khách đến các khu bảo tồn chỉ lòng vòng dòm ngó, nhậu chơi rồi về, chứ đâu biết làm gì nữa.
Dù lũ thấp nhưng lượng nước về ĐBSCL vẫn nhiều hơn các nơi khác trong nước. ĐBSCL ngày xưa nhận 550 tỷ m3 nước/năm nhưng giờ chỉ còn khoảng 400 tỷ m3 hơn. Mình tìm cách giữ lại nước bằng cách nào?
Ở những vùng đê bao 3 vụ, nên ngưng mở rộng tăng vụ; chỗ nào trở lại 2 vụ được thì trở lại, chừa 1 vụ để trữ nước. Mình hay khoác hào quang cho người trồng lúa là đảm bảo an ninh lương thực thế giới, nhưng hào quang đó ảo lắm. Không ai bắt mình chạy đua xuất khẩu. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường lúa gạo của Việt Nam đến năm 2030, trong giai đoạn 2023 – 2025, giảm lượng xuất khẩu gạo thô giá thấp, thay vì chạy đua nâng sản lượng – tập trung nâng cao giá trị nông sản khác như trái cây, thủy sản và cả thương hiệu gạo.
Vùng ven biển phải tìm cách nạo vét, duy trì những khu đất ngập nước- tìm cách trữ nước- giảm canh tác lúa ở vùng mặn do sản xuất lúa cần rất nhiều nước. Vùng nào phù hợp với thủy sản thì nên canh tác thủy sản. Những tháng cuối năm 2023 sẽ có những trận mưa rất lớn, nên tận dụng để trữ nước. Đồng bằng có đặc điểm đầu mùa mưa ít nhưng cuối mùa mưa lớn. Các tỉnh nên nắm quy luật này và tìm cách trữ nước. Dân gian có câu “ông tha, bà không tha/đánh nhau một trận mùng Ba tháng Mười”, cứ mùng Ba tháng Mười hoặc cận những ngày ấy thì sẽ có những trận mưa to, nước nhiều.
Thị trường lúa gạo tăng, lúa có giá – muốn làm lúa trở lại nhưng cần xem kỹ thị trường lúa gạo tăng có bền vững không- không khéo tăng diện tích lên rồi giá lúa lại tụt, người lãnh đủ là nông dân mình. Thực tế thì thu nhập người nông dân trồng lúa vẫn chưa có gì bền vững. Mối liên kết giữa Doanh nghiệp và nông dân vẫn xảy ra nạn “bẻ kèo”. Giá có thể tốt hơn giữa nông dân và người mua lúa, nhưng chưa chắc đã tốt với nông dân khi doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, xăng dầu, dịch vụ… tăng giá đồng loạt.
Nói liên kết vùng nhưng có một số bất cập, ví dụ các tỉnh ven biển nói với các tỉnh ở phía trên giảm làm lúa 3 vụ và chừa 1 vụ để trữ nước, mùa khô đưa xuống dưới này, phù sa giữ lại trên đó. Liệu thực tế có cơ chế để hai bên thỏa thuận như vậy không? Các tỉnh ở trên sẽ hỏi lại là ngưng một vụ – nông dân thất thu – biểu họ làm gì? Thực ta, mạnh ai nấy làm. Tỉnh này không thể chia sẻ cho tỉnh kia, không thể dùng tiền ở tỉnh này để đầu tư công trình phục vụ hệ thống nước ở tỉnh khác vì Luật ngân sách không cho phép.
Đã có thời gian ngăn mặn ngọt hóa vùng ven biển để trồng lúa, dân muốn dẫn nước mặn vô nuôi tôm nước lợ, giờ muốn sửa cũng khó. Trong giai đoạn chuyển đổi ở vùng mặn vẫn còn một số nông dân trồng lúa (Bạc Liêu, Sóc Trăng), giữa nông dân trồng lúa và nông dân nuôi tôm có sự xung đột trong cộng đồng, có thể dẫn tới sứt mẻ tình nghĩa xóm làng. Đã qua một thời gian dài nghịch nhau về nguồn nước rồi, bây giờ thay vì nói chuyện cũ thì nên tìm cách thích ứng.
Nhiều người hỏi tôi về tranh cãi Cái Lớn – Cái Bé, ngăn mặn giữ ngọt. Bộ NN & PTNT nói tìm cách vận hành làm sao hài hòa. Nhưng khó ở chỗ bên trong nuôi tôm, trồng lúa như da beo rồi, khó hài hòa lợi ích cách bên. Nghị quyết 120/NQ-CP được hiểu là nghị quyết  là “thuận thiên” – nghĩa là khai thác tài nguyên dựa trên lợi thế sẵn có, gồm tận dụng ưu thế nguồn nước ngọt, nước lợ, nước mặn,  dựa vào tự nhiên để phát triển sinh kế. Vùng bán đảo Cà Mau có đặc điểm là nhiễm mặn từ trong đất chứ không phải cứ đưa nước ngọt về là có thể canh tác lúa hiệu quả như vùng ngọt được. Tốt hơn là chúng ta chuyển đổi sản xuất nông nghiệp – thủy sản phù hợp,  nông dân nên đa dạng hóa canh tác để hạn chế rủi ro, thất thu canh tác cái này thì còn nguồn thu khác bù lại. Không nên nghĩ chỉ có lúa mới sống được vì chúng ta có thể nuôi tôm và nhiều thứ khác nếu biết cách tổ chức thích ứng. Bối cảnh thị trường và công nghệ đã thay đổi, cho phép chúng ta thực hiện những bước đi ít rủi ro hơn.
Trong liên kết, bên cạnh chuyện tự thân vận động của từng nông dân, trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, nếu vi phạm hợp đồng thì có khi cũng cần xem xét xử lý tại tòa kinh tế nếu không thực hiện đúng cam kết. Trong liên kết vùng, cách ứng xử giữa các địa phương cũng đòi hỏi thay đổ từ chính sách.
Vùng ĐBSCL có thể phát triển nhiều sản phẩm từ nguồn nguyên liệu bản địa, tới đây còn có thể trở thành vùng xuất khẩu năng lượng. Chúng ta có nắng, gió, thủy triều… rất nhiều nhưng chỉ còn thiếu chính sách để tạo ra nguồn năng lượng lớn hơn, không chỉ giải quyết vấn đề nội vùng mà còn mở rộng kết nối liên vùng.
Việc phát triển các cống ngăn mặn dọc theo cửa sông, thì khả năng nước mặn bị thủy triều đẩy sâu hơn vào nội địa vì năng lượng triều ít bị tiêu hao. Hồi xưa, ông bà tính đào kênh ở đồng bằng vùng Sóc Trăng, Hậu Giang có các điểm giao nhau thành Ngã Bãy, Ngã Sáu, Ngã Năm, nước mặn theo dòng thủy triều làm khuếch tán nhanh năng lượng. Hiện nay, bài toán năng lượng tự nhiên chưa được tính đến. Giải quyết ngăn mặn ở cửa sông Trà Vinh, Sóc Trăng thì Cần Thơ, Vĩnh Long có thể sẽ bị nhiễm mặn trong tương lai. Năng lượng thủy triều ở đồng bằng có ý nghĩa rất lớn. Nước tự chảy dân đi lại theo triều, giúp đồng ruộng được tưới tiêu, nay phải dùng máy bơm mới tưới tiêu được.
Nhiều người nói kinh nghiệm Hà Lan, nhưng không cần hiểu là Hà Lan lấn biển bằng đê biển, rồi bơm rút nước biển để tổ chức sản xuất, chống ngập để bảo vệ thành phố, khu dân cư. Họ phải tính chi phí vận hành đê biển cũng tốn kém, mệt mỏi chứ đâu phải làm đê bao chống xâm nhập mặn rồi thôi.
Giờ đây, cần phải hài hòa giữa các giải pháp công trình và phi công trình, nếu chưa chắc chắn thì chỉ đầu tư nhỏ, vừa phải để lấy kinh nghiệm, phải cân nhắc mọi quyết định, tránh những hối tiếc khó sửa chữa.

TS Lê Anh Tuấn