Thị trường 24/7: VinFast lấn sân sang thị trường Thái Lan; Người Hàn chi hơn 20 tỷ USD cho giáo dục tư nhân

Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 60.000 tỷ đồng tín phiếu: Ngày 14/3, NHNN công bố đã tiếp tục phát hành thành công gần 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với mức lãi suất 1m4%/năm.

Đây là phiên thứ 4 liên tiếp phát hành thành công kể từ khi NHNN mở lại hoạt động tín phiếu sau 4 tháng tạm dừng. Tổng cộng 4 phiên vừa qua (tính từ 11/3 đến 14/3), NHNN đã hút ròng gần 60.000 tỷ đồng.

Sau động thái của NHNN, lãi suất trên thị trường liên NH đã bật tăng trở lại. Ngày 11/3, lãi suất liên NH xuống mức rất thấp. Kỳ hạn qua đêm chỉ 0,76%/năm, 1 tuần là 1,29%/năm, 2 tuần là 1,33%/năm, 1 tháng là 1,45%/năm, 3 tháng là 2,82%/năm, 6 tháng 4,3%/năm. Đến ngày 13/3, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm đã bật lên mức 1,47%/năm. Kỳ hạn 1 tuần tăng lên 1,68%/năm, 2 tuần lên 1,81%/năm, 1 tháng lên 2,01%/năm, 3 tháng là 3,06%/năm, 6 tháng 4,56%/năm.

VinFast lấn sân sang thị trường xe điện lớn nhất Đông Nam Á: Ngày 15/3, VinFast Auto công bố sẽ tham dự triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok lần thứ 45 (BIMS 2024) và chính thức ra mắt thương hiệu tại Thái Lan.

Tại BIMS 2024, lần đầu tiên VinFast giới thiệu dải sản phẩm ô tô điện hoàn chỉnh tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm mini-SUV VF 3, VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9 thuộc phân khúc từ A-SUV đến E-SUV và VF Wild, mẫu bán tải điện ý tưởng gây ấn tượng mạnh trên thế giới.

Trong đó, các mẫu VF 5, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9 đều là phiên bản tay lái nghịch, phù hợp với thị trường Thái Lan. Sau triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia (IIMS) 2024, đây là lần thứ hai VinFast giới thiệu các mẫu xe điện tay lái nghịch.

VinFast tự tin sẽ khẳng định được uy tín và năng lực cạnh tranh tại thị trường Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất khu vực, được mệnh danh là “Detroit của châu Á”.

Việt kiều sẽ là các nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ cho bất động sản: Các chuyên gia từ Savills Việt Nam vừa đưa ra phân tích về dòng vốn từ người Việt ở nước ngoài “rót” vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Cụ thể, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đánh giá trong Luật Đất đai 2024, cụ thể là Khoản 3 và khoản 6 điều 4 Luật Đất đai 2024 về “Người sử dụng đất” (hiệu lực từ 1/1/2025) đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt định cư ở nước ngoài. Đây chính là điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý.

Theo ông, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt kiều, tạo tiềm năng lớn cho thị trường bất động sản. Những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về. 

Hàn Quốc tạo ra “cơm thịt bò” có khả năng cạnh tranh trên thị trường: Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc vừa công bố một bước tiến mới trong lĩnh vực thực phẩm nhân tạo, với sản phẩm được gọi là “cơm thịt bò”.

Đây được kỳ vọng là giải pháp thay thế bền vững cho thịt bò chăn nuôi, thân thiện với môi trường và có giá cả phải chăng.

Theo Giáo sư Jinkee Hong thuộc Đại học Yonsei, Seoul – chủ nhiệm nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Matter số ra tháng 3, “cơm thịt bò” là sản phẩm đầu tiên thuộc loại hình này.

Sản phẩm sử dụng bông lúa làm cơ sở để nuôi cấy các tế bào cơ và mỡ động vật. Nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học đã xử lý cây lúa bằng enzyme để tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của tế bào. Sau đó, họ đưa các tế bào bò vào nuôi cấy để tạo ra sản phẩm lai cuối cùng, có hình dạng giống như một hạt gạo màu hồng nhạt.

Giá cà phê tại thị trường nội địa tiếp tục tăng nhiệt: Giá cà phê thế giới tăng trở lại khiến cơn ‘sốt’ giá cà phê tại thị trường nội địa tiếp tục tăng nhiệt để hướng về mốc 100.000 đồng/kg.

Trong phiên giao dịch kết thúc sáng 15/3 (giờ Việt Nam), giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn giao tháng 5 tăng 17 USD lên 3.277 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng đến 24 USD lên 3.183 USD/tấn. Các kỳ hạn giao tháng 9 và 11 cùng tăng 23 USD/tấn. Có thể thấy trong phiên giao dịch này xu hướng tăng chiếm ưu thế và có thời điểm tăng tới 65 USD/tấn.

“Sắc xanh” trở lại trên 2 sàn giao dịch lớn tạo đà đẩy giá cà phê Tây nguyên tăng nhanh trong sáng 15/3. Một số doanh nghiệp thu mua cà phê tại Đắk Nông và Đắk Lắk cho biết giá tăng bình quân gần 1.000 đồng/kg, đạt mức 92.000 – 92.200 đồng/kg. Còn ở Gia Lai tăng khoảng 600 đồng lên 91.400 đồng/kg và Lâm Đồng trở lại mốc 91.000 đồng/kg.

Từ đầu tuần đến nay, thị trường cà phê thế giới tiếp tục giằng co với 2 phiên tăng và 2 phiên giảm xen kẽ nhau. Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường Tây nguyên vẫn duy trì từ 91.000 – 92.000 đồng/kg.

Bitcoin tuột mốc 70.000 USD: Thị trường tiền điện tử chìm trong sắc đỏ vào sáng 15/3 khi áp lực chốt lời tăng vọt, Bitcoin mất hơn 6% về dưới mốc 70.000 USD.

Áp lực bán tăng vọt sáng 15/3 khiến Bitcoin – tiền số lớn nhất thị trường – giảm từ vùng 73.400 USD xuống 68.000 USD, mất hơn 6%. Trong top 10 tiền điện tử vốn hóa cao nhất thị trường, duy nhất Solana (SOL) giữ được sắc xanh, phần còn lại giảm 5-7%.

Những đồng tiền số khác (altcoin) giảm mạnh hơn, đặc biệt ở mức vốn hóa trung bình. Mức giảm phổ biến trong khoảng 10-15% chỉ trong vài giờ.

Theo CoinMartketCap, vốn hóa thị trường tiền điện tử giảm gần 6% trong 24 giờ qua, xuống 2.600 tỷ USD. Trong đó, vốn hóa Bitcoin lùi về gần ngưỡng 1.300 tỷ USD.

Mead Johnson bị yêu cầu bồi thường 60 triệu USD: Một bồi thẩm đoàn ở Illinois đã ra phán quyết yêu cầu Mead Johnson, công ty con của Reckitt Benckiser, bồi thường 60 triệu USD cho mẹ của một em bé sinh non tử vong do bệnh đường ruột sau khi được cho uống sữa công thức Enfamil của công ty.

Theo phán quyết của bồi thẩm đoàn tại tòa án hạt St. Clair Mead, bang Illinois, Johnson đã cẩu thả và không cảnh báo về nguy cơ viêm ruột hoại tử (NEC) cho người dùng. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh non tháng và có tỷ lệ tử vong khoảng 15% – 40%.

Đây là phán quyết đầu tiên trong số hàng trăm vụ kiện cáo cho rằng các loại sữa công thức Enfamil và Similac của Abbott Laboratories gây ra bệnh NEC. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, có bằng chứng cho thấy sữa công thức làm tăng nguy cơ mắc NEC ở trẻ sinh non so với sữa mẹ. Mead Johnson tuyên bố sẽ kháng cáo lại phán quyết trên.

Người Hàn chi hơn 20 tỷ USD cho giáo dục tư nhân: Theo hãng thông tấn Yonhap, dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 14/3 cho thấy, chi tiêu cho giáo dục tư nhân đối với học sinh nước này trong năm 2023 ở mức cao kỷ lục, mặc dù số lượng học sinh giảm.

Theo cơ quan trên, năm ngoái, tổng chi phí cho các lớp học ngoài giờ tư thục dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là 27.100 tỷ won (20,6 tỷ USD) – mức cao kỷ lục, tăng 4,5% so với năm trước đó. Nếu tính cả số học sinh đã đăng ký tham gia các chương trình giáo dục tư nhân, chi tiêu mỗi tháng lên tới 553.000 won (419,59 USD), tăng 5,5% so với năm 2022.

Ở Hàn Quốc, việc học tại các trường đại học danh tiếng là chìa khóa thành công trong xã hội có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí cho giáo dục tư nhân được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh cực thấp ở nước này.