Thủ tướng: Loại khỏi bộ máy cán bộ không chịu cải cách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục, cần hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng"

Trước phản ánh của một thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về việc có cán bộ cục, vụ nói rằng “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”, Thủ tướng đề nghị loại cán bộ không chịu cải cách ra khỏi bộ máy hành chính.

Chiều 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt một số kết quả, đã làm được một số việc cho người dân bớt khổ, doanh nghiệp bớt phiền hà vì nhiều thủ tục hành chính. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nhận được sự hoan nghênh từ nhiều phía, về ứng xử người dân, về một số hình thức đang tiến hành như công khai hóa, minh bạch hóa, một cửa, một cửa liên thông, triển khai trung tâm hành chính công, xúc tiến đầu tư ở nhiều địa phương… Số lượng thủ tục hành chính, chi phí thủ tục giảm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục.

Thủ tướng mong muốn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia với 18 thành viên là các trí thức, doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp… tập trung đề xuất tốt hơn nữa cho Chính phủ, Văn phòng Chính phủ để làm sao những tiếng nói phản ánh từ đời sống thực tiễn được giải quyết kịp thời hơn.

Vẫn còn cán bộ thờ ơ với cải cách

Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân nói: “Anh em doanh nghiệp có suy nghĩ là Chính phủ, các bộ, ngành, hay lãnh đạo các tỉnh đẩy vấn đề này rất tốt, còn các sở, ngành, quận, huyện thì ở mức trung bình.  Còn người thực hiện, chuyên viên trực tiếp thực hiện vẫn còn một số chưa triển khai tốt”. Ông Quân cho rằng, cần chỉ ra các cụ thể các trường hợp làm kém và xử lý nghiêm như chuyển công tác hay sa thải.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh việc “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm” trong cải cách thủ tục hành chính. Ông kể lại trường hợp trả lời thắc mắc doanh nghiệp của một số cơ quan không khác gì không trả lời, theo kiểu “điều đó theo quy định của luật này, nghị định này, thông tư thế này, đề nghị doanh nghiệp vận dụng”.

Nhất trí việc cải cách quan trọng nằm ở yếu tố con người, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, điểm nghẽn nằm ở các cấp, cán bộ thực hiện trực tiếp, như đối với xây dựng thể chế là nằm ở cục, vụ. “Có nhiều thủ tục rất vô lý, kiến nghị nhiều năm, qua nhiều hội thảo nhưng có cục, vụ nói thế này, “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Trước phản ánh này, Thủ tướng đề nghị nêu cụ thể tên cán bộ và sẽ yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính.

Cải cách thủ tục hành chính phục vụ tăng trưởng

Hoan nghênh các ý kiến, phản ánh, Thủ tướng cho rằng, chính các doanh nghiệp, những người trong cuộc, mới phát hiện ra các vấn đề, vướng mắc và “phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước”.

“Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảm thủ tục ở bộ này, ngành kia”, Thủ tướng bày tỏ.

Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phục vụ cho tăng trưởng, một nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. “Người ta nói là trong chuyện tăng trưởng chậm có nguyên nhân thủ tục, trước hết là thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, các thủ tục có liên quan khác vẫn còn chậm trễ so với một số nước”, Thủ tướng nói.

“Đừng có về phòng riêng làm thủ tục”

Nhất trí với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng cho rằng, có yếu tố rất quan trọng là hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cục, vụ, sở, phòng, huyện, xã phải chuyển biến đồng bộ với chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là khâu yếu cần khắc phục.

“Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện mà các đồng chí phát hiện ra hôm nay”, Thủ tướng nói. “Cho nên, cục trưởng, vụ trưởng nào nói “anh cứ cải cách đi” còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước”.

Thủ tướng cho rằng, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển, thứ ba là phẩm chất của cán bộ. Và thứ tư, là thủ tục đỡ rườm rà, phức tạp.

Đối với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu phải tham mưu cho Thủ tướng quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, đặc biệt, phải kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, hoặc biến tướng các loại giấy tờ mới, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera, “đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục”, Thủ tướng nêu rõ. Cần hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng đề nghị VPCP thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương. “Họ kiến nghị nhiều mà chúng ta không xử lý thì sẽ mất niềm tin”, Thủ tướng lưu ý. “Mọi kiến nghị đều phải xem xét, giải quyết”.

Theo Chinhphu.vn