Trịnh Quang: Vấn vương chi cánh Phượng hồng xa xôi!

Nếu tình cờ bạn bắt gặp cặp kính trắng đang cố làm dịu đôi mắt tinh anh mà vẫn rất trữ tình trong một quán cà phê bình dân, rất có thể bạn đang gặp Trịnh Quang đấy.

Tôi gặp anh trong một quán cà phê như vậy trong một chiều lất phất mưa, chợt thấy Sài Gòn chơi vơi quá.

Quê nhà mưa cũng thế này,
Lất pha lất phất mà say đất trời

Và chúng tôi nói chuyện thơ.

Thơ anh là nỗi nhớ quê, nhớ ngoại, nhớ nội, nhớ một thủa ấu thơ. Đó là lời răn dạy của cha “Con đừng có bỏ người ta”, của mẹ vợ “Con tôi tôi biết”,… Đôi khi chỉ là cái “hạnh phúc giản đơn” khi được đồng vợ đồng chồng, hay là sự láu lỉnh của ông chồng phải đi ăn nhậu (vì công việc) nói vẫn tiếc một bữa cơm chiều với vợ… Có những bài ghi lại những năm tháng lớn lên của con trẻ, từ lớp mầm đến lớp chồi, lớp lá, đó là sự quan tâm, trông ngóng mà bậc làm cha làm mẹ ai cũng từng trải qua.

Thơ anh là một chút bồng bềnh Hồ Tây, chút say cái thơ mộng của mùa thu Hà Nội, cái thích thú khi đi lên Đà Lạt trên những cung đường uốn lượn đẹp như tranh vẽ, chút bâng khâng khi nhớ về một mùa sấu rụng hay một lần ghé qua Huế mộng mơ. Thơ anh còn thấp thoáng đâu đó những cảnh đời như “Cụ già bên đường”, “Bóng nhỏ bên lề” hay chút lười bất chợt của “Ngày đi năm hết”.

Ta còn gặp cái đẹp mơn mởn của một cô gái xuân thì, cái rạo rực của một cô gái sắp lấy chồng, cái ngơ ngác của một cô gái đã có tuổi, xinh đẹp mà chưa tìm được bến đỗ, cái buồn buồn của một người đàn bà đứt gánh giữa chừng, tuổi xuân còn dài mà cứ mãi cô đơn, cái lo lắng mong mỏi của một người đàn bà đã một lần lỡ bước chuẩn bị đi bước nữa, …

Và còn những lúc buồn vu vơ, những chiều lang thang café, những thoáng hương xưa hay mơ mộng mãi chỉ là mộng ước.

“Có khi nào” mình sẽ gặp được người như mơ ước từ lâu.

Những bài thơ ngắn, ghi lại những cảm xúc buồn vui, mơ mộng của tuổi trẻ đang yêu và muốn được yêu. Những vui buồn hết sức đời thường, không quá lung linh, nhưng cũng không u tối.

“Đường về em bước
buồn trong mắt trong”…

​Nguyễn Sơn (TP HCM, 7/7/2017)


Đưa Bà ra đồng

Tôi đưa Bà tôi ra đồng
Một ngày nhẹ gió, mênh mông nắng vàng
Trên cao, mây trắng bay ngang
Đường làng, khăn trắng đỏ vàng tiễn đưa.
Một trăm lẻ sáu mùa mưa
Một trăm lẻ sáu xuân vừa đi qua
Bà về với đất quê nhà
Đồng xanh thơm ngát cỏ hoa bốn mùa.
Trăm năm mưa nắng, ai mua
Vui buồn cơm áo có đùa ai đâu
Trăm năm, trải mấy bể dâu
Nhẹ tênh, một tiếng kinh cầu buông trôi.
Một ngày như mọi ngày thôi
Tôi về đưa tiễn bà tôi ra đồng.

Hà Nội Thu

Đã bao mùa lá rụng
Em giờ không như xưa
Mùa thu giăng nỗi nhớ
Chút tình là đong đưa
Sương hồ Tây mờ ảo
Hương hoa sữa la đà
Cây bàng nghiêng, lá rụng
Tiếng chuông chiều ngân nga
Hà Nội, thu quyễn rũ
Kiêu sa vẫn là em
Ngàn năm thương nhớ thế
Rong rêu cũng say mèm.

Thôi mà

Ờ thì, chẳng nhớ, chẳng vương
Cứ là bất chợt bên đường ta qua
Thôi mà, bỏ áo em ra
Thôi mà đừng hát câu ca cũ mèm
Ờ thì, vẫn thắm vẫn duyên
Ai xui con mắt ngó nghiêng, phải mòn
Cớ sao cứ gái một con
Kìa bao tóc thả, môi son, má hồng
Bây giờ sáo đã qua sông
Vấn vương chi cánh Phượng hồng xa xôi
Cứ là chút kỷ niệm thôi
Như là con gió đến rồi bay đi
Gặp nhau thêm nữa làm gì
Thôi mà, khó quá bỏ đi, thôi mà.

Tí tách đời

Thời gian không dừng lại
Vạn vật cũng đổi dời
Chỉ nụ cười mười sáu
Là ngốc dại mãi thôi
Chiều nay mưa ồn ã
Gặp người bạn ngày xưa
Chợt nhớ ra ngày ấy
Hai đứa đều thích mưa
Tối về lên face book
Thấy người ta, từng đôi
Trao nhau lời mật ngọt
Nhớ một thủa xa xôi
Ra đứng trước gương soi
Ngẫm đời, sao nhạt nhẽo
Cảm xúc thật, hiếm hoi
Ngập toàn chuyện cơm áo
Lâu rồi không ngơ ngẩn
Chẳng mộng mơ nọ này
Nhưng đôi khi vẫn viết
Tí tách đời, cũng may
Và nụ cười vẫn ngốc
Không mệt lắm, đời này.

Lạc dòng

Lạc dòng
Hai chiếc lá rơi
Đẩy đưa gió xếp một nơi
Vô tình
Ước gì
Mình của chúng mình
Cho vô tình
Hóa hữu tình
Bên nhau.

Mùa sấu rụng

Lá vàng ngập lối em qua
Thoảng hương sấu
Thoáng ngày xa
Ngọt ngào
Một vùng thương nhớ xôn xao
Lại một mùa sấu
Rụng vào mênh mông.


Trịnh Quang (Trịnh Hồng Quang) làm thơ do ảnh hưởng từ cha, là một cựu chiến binh, cũng là một nhà thơ. Khi cha mất năm 2000, sau khi được dự một đêm thơ của cha do câu lạc bộ tiếng thơ Gia Định tổ chức, chợt có cảm xúc và bắt đầu làm thơ. Người làm thơ sinh năm 1962, nguyên là học trò trường Chu Văn An (HN), Lê Hồng Phong (TP.HCM), rồi Đại học Kinh tế TP.HCM này cho biết, việc làm thơ chỉ là bất chợt theo cảm hứng. Các bài thơ chủ yếu viết về gia đình và những câu chuyện, con người, những cảnh đời trong cuộc sống thường ngày.