Tư duy: Hệ điều hành của con người

Robots có giỏi cách mấy thì hiện tại cũng chỉ có thể làm được những công việc được lập trình trước

(Vietnamtimes) – Các nhà tâm lý học nhiều năm qua nghiên cứu tại sao con người phát triển khác nhau và những yếu tố nào giúp con người có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Những nghiên cứu này đưa đến kết luận tư duy là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến phát triển khả năng của con người và con người có thể thay đổi được tư duy của mình.

Để tìm phương pháp thay đổi tư duy các nhà tâm lý học cần phải phân loại nó. Có hai cách phân loại tư duy với mục đích phát triển tiềm năng tôi cho là hiệu quả nhất. Đó là phân loại tư duy khan hiếm với tư duy dư thừa và phân loại tư duy cố định với tư duy mở. Bài này tôi tập trung vào phân loại tư duy khan hiếm với tư duy dư thừa.

Bạn có thể dễ dàng phân loại người có tư duy khan hiếm với người có tư duy dư thừa qua nhận định và ứng xử của họ trước các sự kiện xảy ra trong cuộc sống.

Tư duy khan hiếm <=> Tư duy dư thừa

  • Anh thắng – tôi thua <=> Win-Win: Chúng ta đều thắng
  • Ích kỷ với kiến thức, quan hệ và tình thương <=> Vui vẻ chia sẻ kiến thức, quan hệ, và tình thương
  • Hay nghi ngờ – khó xây dựng quan hệ <=> Dễ dàng xây dựng tin tưởng
  • Bi quan vào tương lai <=> Lạc quan vào tương lai
  • Suy nghĩ nhỏ và né tránh rủi ro <=> Suy nghĩ lớn và chào đón rủi ro
  • Chờ đợi tin xấu <=> Chờ đợi hiệu quả cao
  • Quản lý vi mô và độc đoán <=> Phân quyền, hỗ trợ và đồng hành
  • Ta biết tất cả <=> Sẵn sàng lắng nghe và học hỏi điều mới
  • Đố kỵ với thành công của người khác <=> Vui vẻ và chia sẻ khi người khác thành công
  • Sợ thay đổi <=> Sẵn sàng chào đón thay đổi
  • Đổ thừa người khác khi thất bại <=> Sẵn sàng nhận trách nhiệm cho thất bại
  • Sợ tranh đua nhưng nếu thi đua thì muốn thắng <=> Chào đón tranh đua và tập trung vào thể hiện hết khả năng
  • Khó chia sẻ thắng lợi, quyền lực, vật chất <=> Sẵn sàng chia sẻ thành công và quyền lực

Người có tư duy khan hiếm không phải xấu và kém thành công hơn người có tư duy dư thừa. Sự khác biệt chính ở hai tư duy này là ở chất lượng cuộc sống của người có tư duy dư thừa đa phần tốt hơn. Họ thường có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và ít căng thẳng hơn.

Một nhân vật có tư duy khan hiếm nổi tiếng đó là Lance Angstrong, nhà vô địch đua xe đạp thế giới Tour De France bảy lần. Cũng vì tư duy khan hiếm ông ta cảm thấy áp lực phải thắng quá lớn và đưa đến quyết định sử dụng chất cấm tăng lực và hậu quả là bị tước tất cả bảy huy chương vàng, thân bại danh liệt. Điều thật đáng tiếc đó là khoa học sau này chứng minh chất cấm ông ta dùng thật sự không có hiệu quả! Điều đó có nghĩa ông ta có dư khả năng thắng mà không cần phải dùng thuốc tăng lực.

Một thí dụ khác đó là bạn có thể so sánh Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có tư duy khan hiếm với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người có tư duy dư thừa.

Để có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, và trọn vẹn bạn muốn xây dựng cho mình một tư duy dư thừa. Stephen Covey qua ‘Seven Habits of Highly Effective People’ hướng dẫn khá rõ ràng cách phát triển tư duy dư thừa. Tôi sẽ tóm tắt phương pháp này trong một bài viết khác. Với tư duy khan hiếm đôi lúc chỉ cần thay đổi cách nhìn sự việc một tí thì cuộc sống sẽ thay đổi tích cực hơn.

Tuy nhiên trong vài trường hợp tư duy khan hiếm thật sự cần thiết như với thời gian và tiền bạc. Một ngày chỉ có 24 giờ do đó nếu cần phải hoàn tất đúng thời hạn thì tư duy khan hiếm giúp bạn biết ưu tiên cho công việc nào và gạt bỏ những việc kém quan trọng. Cũng như với tiền bạc, tư duy khan hiếm giúp bạn biết dùng tiền hiệu quả và chỉ xài khi cần thiết. Và cuối cùng, chúng ta chỉ có một đời người, tư duy khan hiếm giúp chúng ta chọn một lối sống ý nghĩa nhất.

Với phân loại tư duy này thì con người đa phần nên xây dựng cho mình một tư duy dư thừa tuy nhiên trong một số khía cạnh lại cần phát triển tư duy khan hiếm. Điều này cho thấy cách phân loại này không mấy hiệu quả. Bài viết sau sẽ cho thấy cách phân loại tư duy cố định với tư duy mở tốt hơn và giúp chúng ta có hướng phát triển rõ ràng hơn.


Sự khác biệt giữa con người và robots trong thời đại công nghệ 4.0

Có lẽ bạn đã từng được nghe nói về những thử thách cho con người trong thời đại công nghệ 4.0 khi robots với trí tuệ nhân tạo có khả năng giải quyết những bài toán phức tạp như chơi cờ hay chơi trò rubik nhanh hơn con người và có thể làm những công việc tỉ mỉ, chi tiết, nhanh hơn và hoàn thiện hơn con người.

Chúng ta đang đứng trước một kỷ nguyên mà vạn vật thông minh từ điện thoại thông minh, xe hơi thông minh, nhà thông minh, thành phố thông minh, quốc gia thông minh. Trong thế giới thông minh này, có rất nhiều công việc của con người sẽ được thay thế bởi robots hoặc máy tự động. Vậy một câu hỏi được đặt ra: Con người chúng ta sẽ làm gì nhỉ?

Có người nói rằng, con người có cảm xúc (vui, buồn, thương, ghét…) còn robots không thể có được. Xin thưa các bạn, các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cũng đang đẩy mạnh phát triển cảm xúc nhân tạo. Robots có thể dùng những cảm biến được trang bị để nhận dạng được cảm xúc của bạn và có thể biểu hiện những cảm xúc, hành động cũng như lời nói tương ứng chính xác hơn con người vì không có tính chủ quan. Tương lai không xa lắm, con người sẽ có những ô-shin và cả bạn tình là những robots.

Bạn nghĩ con người sẽ ra sao và sẽ làm những công việc gì trong thế giới thông minh như thế? Con người đang sáng tạo ra những sản phẩm đang dần thay thế con người – Vậy không lẽ con người đang tự hủy diệt chính mình?

Stephen Hawking, nhà khoa học được mệnh danh Einstein của thời nay, Elon Musk, Giám Đốc của Tesla và Space X cũng được cho là Steve Jobs của thời nay, và kể cả Bill Gates cả ba đều lên tiếng quan ngại về tương lai của con người trong thế giới của trí tuệ nhân tạo. Nhưng bạn có thể an tâm phần nào là robots có giỏi cách mấy thì hiện tại cũng chỉ có thể làm được những công việc được lập trình trước. Có nghĩa là trí tuệ nhân tạo được điều khiển bởi những quy trình được định nghĩa rõ ràng và có giới hạn. Vậy con người chỉ hơn trí tuệ nhân tạo ở những suy nghĩ không có giới hạn. Đó chính là trí tưởng tượng của bạn.

Con người muốn hơn trí tuệ nhân tạo thì cần phải tháo bỏ tất cả những rào cản trong trí tưởng tượng của mình và từ đó mới phát huy được tư duy sáng tạo. Và đây là điều tiên quyết.

Cũng xin nói thêm là các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cũng đang cố gắng tìm cách vượt rào cản để robots có khả năng tưởng tượng, một quy trình suy nghĩ ngẫu nhiên không có giới hạn. Tuy nhiên, theo tôi, để trí tuệ nhân tạo có khả năng tưởng tượng cũng như có những quyết định hành động “điên rồ và nguy hiểm” thì vẫn còn lâu. Tôi hy vọng các bạn trẻ hãy mạnh dạn “nghĩ khác, làm khác”, phá bỏ mọi rào cản trong trí tưởng tượng và cùng nhau đi qua dòng chảy lịch sử của sự phát triển bắt đầu bằng phát huy tư duy sáng tạo.

GS Trương Nguyện Thành