Vòng bán kết Cuộc thi khởi nghiệp 2020 qua góc nhìn của vị giám khảo kỳ cựu Trần Anh Tuấn

Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn Người mở đường (The Pathfinder) là người gắn bó ở vị trí giám khảo suốt 6 năm của cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức. Trong 2 năm 2019 và 2020, cuộc thi này có sự phối hợp với Ban thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn
Vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thanh niên nông thôn 2020 đã đi được 2/3 chặng đường, gần 60 dự án khu vực miền Bắc và miền Trung – Tây Nguyên đã hoàn thành bài thi. Trong đó, BTC đã xác định được 18 dự án xuất sắc vào vòng chung kết. BSA ONLINE đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty tư vấn Người mở đường (The Pathfinder) – vị giám khảo gắn bó với cuộc thi này trong suốt 6 mùa vừa qua, về những mặt tích cực và hạn chế của các dự án tham gia cuộc thi năm nay.
BSA ONLINE: Thưa ông, 6 mùa thi liên tiếp ngồi ghế nóng, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, góp ý cho các dự án khởi nghiệp, ông có nhận xét như thế nào của các dự án ở cuộc thi năm nay?
Ông Trần Anh Tuấn: Tổng thể thì ở mùa thi năm nay có khá nhiều dự án thú vị, các chủ dự án đã biết tận dụng và nâng cao giá trị của tài nguyên bản địa, ứng dụng nguồn tài nguyên để sản xuất ra những sản phẩm hoặc hình thành những dịch vụ khá thực tế.
Có nhiều dự án rất hay, chủ dự án còn rất trẻ, họ đang ở lứa tuổi học sinh nhưng đã rất nhạy bén, như dự án đưa công nghệ nano carbon vào tơ tằm để tăng tính khả dụng của sản phẩm ở Lâm Đồng, dự án Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe ở Nghệ An. Hoặc như dự án Bún gấc ở Đắk Nông cũng tận dụng được tài nguyên bản địa là gấc để đưa vào sản phẩm khá thời thượng và thực tế.
Chúng ta cũng thấy nhiều mô hình mang tính xã hội cao. Dự án Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm, tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ – Như Xuân – Thanh Hóa của Nguyễn Lê Ngọc Linh (Thanh Hóa). Hay dự án “Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu – Nghệ An” của Nguyễn Văn Hạnh là những điển hình.
Những dự án này nhắm đến cộng đồng, vì những người nghèo, những người nông dân để giúp họ có điều kiện sống tốt hơn.
Nguyễn Lê Ngọc Linh trình bày dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thổ tại Hóa Quỳ – Như Xuân” (Thanh Hóa)
Những mặt tích cực thì đã thấy, vậy những hạn chế của các dự án ở cuộc thi năm nay so với các năm trước thì như thế nào?
Xét về góc độ kết quả cuộc thi lần này, chúng tôi lưu ý là các dự án nên tập trung nhiều vào tính khả thi hoặc ý tưởng thay vì chỉ tập trung mô tả sản phẩm thuần tuý. Hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp đều đam mê sản phẩm, tuy nhiên tính khả thi về thương mại và khả năng quy mô hoá liệu có phát triển bền vững hay không? Do đó, tôi khuyến cáo các dự án tập trung nhiều vào mô hình kinh doanh, tạo ra được động cơ, cách chúng ta tiếp thị, bán hàng để vừa tạo giá trị cho xã hội nhưng đồng thời tạo được nguồn tài chính bền vững cho mô hình kinh doanh của mình.
Hàm lượng công nghệ trong các dự án năm nay ra sao, thưa ông?
–  Có một số dự án đưa được yếu tố công nghệ vào chế biến sản phẩm rất tốt như dùng nano trong dự án Detox Corcumune – nước giải khát tinh bột nghệ, công nghệ nano trong sản xuất lụa tơ tằm, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo nông nghiệp, sản xuất cải xoăn sấy giòn…
Tuy nhiên, tư duy công nghệ phải bắt nguồn từ chuyện thị trường ở đâu, làm thế nào để chúng ta bán hàng được. Do đó, các bạn đừng quên công nghệ Marketing. Đây là công nghệ mà các dự án khởi nghiệp hiện nay đang còn nhiều hạn chế, cần phải cải thiện nhiều hơn để chứng minh được tính khả thi, khả năng thương mại hoá của mô hình kinh doanh.
Tôi nghĩ rằng, ở vòng chung kết sắp tới, hi vọng các dự án sẽ được BSA hỗ trợ tập huấn, huấn luyện về kỹ năng Marketing tốt hơn, để chúng ta tăng dần giá trị dự án cũng như biến dự án đó mang tính khả thi cao và giúp các bạn tồn tại và phát triển được.
Còn câu chuyện ĐMST trong các dự án khởi nghiệp như thế nào?
Hiện nay, chúng ta biết rằng có 10 yếu tố ĐMST khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các dự án chỉ tập trung ĐMST ở phần sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Lần này có một điểm khá hơn là các bạn bắt đầu mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, biết tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau để phục vụ khách hàng.
Chúng ta nên nhớ, còn nhiều yếu tố khác chúng ta có thể đổi mới. Chẳng hạn đối với các bạn đang kinh doanh về nông sản, nếu chúng ta hiểu về bản địa, hiểu về du lịch, chúng ta có thể tăng được chất lượng về dịch vụ thì chúng ta đổi mới ở phần dịch vụ.
Đặc biệt, ở phần trải nghiệm chúng ta cũng có thể đổi mới bằng cách thiết kế những hành trình khách hàng. Những bạn  kinh doanh dịch vụ chúng ta phải hiểu khái niệm về hành trình, đổi mới phần này. Các bạn cũng có thể đổi mới trong vấn đề về thương hiệu, nhưng chỉ tập trung ở phần thiết kế, còn muốn đi xa hơn, chúng ta cần có sự đổi mới về truyền thông thương hiệu, hoặc kể những câu chuyện về thương hiệu thì đây cũng là những điểm các bạn còn hạn chế.
Giám khảo kỳ cựu Trần Anh Tuấn
Các thành viên tham quan, tìm hiểu sản phẩm tại vòng bán kết vừa diễn ra tại Nghệ An
Xa hơn nữa thì các dự án khởi nghiệp cần lưu ý thêm điều gì?
– Muốn đi xa và phát triển bền vững, doanh nghiệp khởi nghiệp cần thiết kế được kênh tương tác thường xuyên để đổi mới. Các chủ dự án nói nhiều về online nhưng các bạn chưa hình dung, chứng minh được tính tương tác thường xuyên và làm thế nào để hút khách hàng, giữ chân khách hàng. Đây là những điểm chúng ta cần cải thiện thêm. Ngoài ra, các bạn cần cải thiện ở phần đổi mới về mạng lưới, có nghĩa là làm sao chúng ta liên kết thêm được đối tác, nhà phân phối, đại lý hoặc giữa các bạn với nhau để tăng tính kết nối, đồng thời giúp cho sản phẩm của chúng ta ra thị trường tốt hơn.
Một điểm cuối cùng là các bạn cần học thêm về cách đổi mới mô hình lợi nhuận, có nghĩa là làm thế nào chúng ta đa dạng hoá nguồn thu. Từ hệ sinh thái các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta kết hợp lại thành dịch vụ để bán thẻ thành viên chẳng hạn, chúng ta đi chợ giúp cho khách hàng… Chúng tôi muốn các bạn phải nghĩ ra hoặc học hỏi những cách tạo nguồn thu để từ đó có nguồn tài chính, nhiều lợi nhuận hơn, doanh số cao hơn, có được như vậy, mô hình của chúng ta mới bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Một số sản phẩm có ứng dụng công nghệ tại vòng bán kết
Sản phẩm của dự án “Mô hình kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon” (Lâm Đồng)
Sản phẩm của dự án “Mô hình kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm được bổ sung nano carbon” (Lâm Đồng)
Sản phẩm của dự án “Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu” (Nghệ An)
Sản phẩm của dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thổ tại Hóa Quỳ – Như Xuân” (Thanh Hóa)
Sản phẩm của dự án “Detox Curcumune – nước giải khát tinh bột nghệ” (Nghệ An)
Sản phẩm trà sinh thái ở Thái Nguyên
Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi và chế biến gà vi sinh ở Bắc Kạn
Ứng dụng công nghệ để sản xuất mỹ phẩm từ cỏ cây thiên nhiên ở Thái Nguyên
Anh Tuấn