8 thói quen có thể làm bạn già nhanh

Không ai tránh được tuổi già, nhưng một số lối sống lại có thể khiến tuổi già đến nhanh hơn bình thường. Y học chỉ ra những thói quen sau:

1. Uống nhiều rượu: Nghiên cứu mới nhất của đại học Oxford (Anh) công bố tháng 7/2022 cho thấy rượu làm tăng tốc độ lão hoá sinh học do làm tổn thương DNA. Các chuyên gia đã kiểm tra 250.000 người và nhận thấy những ai uống hơn 17 đơn vị rượu (170 ml rượu nguyên chất) mỗi tuần sẽ có telomere ngắn đi.

TS Anya Topiwala, nghiên cứu viên chính, nói: “Telomere ngắn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tuổi tác như ung thư, tim mạch, Alzheimer. Rõ ràng chúng ta không thay đổi được di truyền, nhưng có thể thay đổi được lối sống bằng cách giảm uống rượu, tăng tập luyện, ngưng hút thuốc nếu muốn giảm lão hoá nhanh hơn”.

2. Tiếp xúc ánh nắng: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ánh nắng mặt trời có thể gây lão hoá da. Một trong số này là nghiên cứu tại Pháp vào năm 2013, phát hiện việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) chịu trách nhiệm gây lão hoá 80% vùng mặt có thể nhìn thấy được.

3. Ngồi nhiều: Con người ngày càng thụ động, thích ngồi nhiều, ngoài ra càng lớn tuổi người ta càng khó xây dựng khối cơ rắn chắc như người trẻ. Các chuyên gia phát hiện từ năm 35 tuổi con người mất đi 1% khối cơ mỗi năm, dẫn đến dễ bị loãng xương, dễ bị chấn thương và té ngã.

Bác sĩ Noel Young, chuyên gia y học phòng ngừa của công ty Thriva (Anh), nói: “Bạn nên tăng cường hoạt động trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn đi bộ 4.000 – 6.000 bước mỗi ngày hoặc leo cầu thang. Tập luyện đều một số môn yêu thích như bơi lội, yoga hay chơi thể thao. Ngay cả những thay đổi đơn giản như đứng làm việc thay vì ngồi cũng có thể làm cho chân và cơ bắp bạn săn chắc”.

4. Hút thuốc: Khói thuốc lá ảnh hưởng đến sản xuất collagen, loại protein giữ da mạnh khoẻ và đàn hồi. Càng lớn tuổi, cơ thể chúng ta càng sản xuất ít collagen, khiến da chùng lại và nhăn nheo. Hút thuốc làm tăng nhanh quá trình này, gây lão hoá sớm.

Nghiên cứu công bố năm 2009 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ cho thấy 4 yếu tố có thể giúp ngăn ngừa gần như 80% các bệnh mạn tính thường gặp ở tuổi già, đó là: Không bao giờ hút thuốc; hoạt động hàng ngày; tuân thủ chế độ ăn lành mạnh giàu trái cây, thực vật và bánh mì nguyên cám và dùng ít thịt.

Một nghiên cứu tương tự vào năm 2008 của đại học Cambridge (Anh) cũng phát hiện việc kết hợp các lối sống lành mạnh có thể thêm vào tuổi thọ bạn 14 năm.

5. Chế độ ăn không tốt: Các thực phẩm giàu sợi xơ như thực vật, hạt, đậu và trái cây liên quan đến những telomere dài và giúp cải thiện tuổi thọ. Theo bác sĩ Young, những thực phẩm này chứa nhiều dinh dưỡng như vitamin C, E và beta-carotene cũng như các chất chống ôxy hoá khác. Sợi xơ cũng là thành phần quan trọng giúp điều hoà đường máu, giảm cholesterol máu và duy trì lợi khuẩn ruột. Trái với những thực phẩm này là thực phẩm làm sức khoẻ xấu đi cũng như làm ngắn telomere. Đó là thịt đỏ, thịt chế biến và các loại nước uống ngọt. “Cách tốt nhất là hạn chế chúng càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Young nói.

6. Bị stress nhiều: Stress mạn tính có liên quan đến các telomere ngắn. Bác sĩ Young đề nghị bạn nên nhận diện những yếu tố gây stress bằng cách ghi chép chúng, áp dụng những cách thức thư giãn như thở sâu, chánh niệm, thiền và tập yoga. Nếu bị lo lắng, trầm cảm, hay rối loạn stress sau chấn thương, bạn nên gặp bác sĩ để tìm cách trị liệu phù hợp.

7. Thiếu vitamin: Vitamin D là thành phần dinh dưỡng quan trọng giúp giảm ảnh hưởng của tuổi già. Tại những xứ có mùa đông, người ta được khuyên bổ sung vitamin D cũng như thực phẩm giàu chất này. Ánh nắng là nguồn vitamin D dồi dào trong mùa hè, nhưng bạn cần tiếp xúc nó đúng cách.

Theo một nghiên cứu ở Ý công bố trong năm nay, bổ sung omega-3 có thể làm tăng độ dài telomere. Các phức hợp kháng viêm cũng có hiệu quả tốt như giúp điều hoà huyết áp và nồng độ cholesterol, điều này có lợi cho sức khoẻ.

8. Thiếu ngủ: Telomere ngắn liên quan đến việc không ngủ đủ giấc. Thực tế thì những người thiếu ngủ cũng thường có những hành vi không lành mạnh như không tập luyện, dùng nhiều chất ngọt và béo, dẫn đến làm hại sức khoẻ.

Bác sĩ Young nói: “Điều quan trọng là có 7 – 9 tiếng ngủ chất lượng mỗi ngày. Tránh những thói quen gây hại cho giấc ngủ như dùng thức uống có caffeine sau bữa trưa, xem màn hình hay tập luyện trong vòng 1 – 2 giờ trước giấc ngủ. Nên bảo đảm môi trường ngủ đủ tối, yên tĩnh và mát mẻ”.