Đi làm ở Hoa Kỳ với bằng cấp Việt, được không?

Các công ty Hoa Kỳ rất thực dụng. Nếu bạn làm tốt hơn người khác, họ sẵn sàng nhận bạn vào làm. Ảnh TL (minh họa)

Không phải ai cũng đến Hoa Kỳ đi học rồi tham gia vào thị trường lao động với bằng cấp Hoa Kỳ. Vậy nếu bạn đến Hoa Kỳ với bằng cấp nước ngoài (Việt Nam chẳng hạn), bạn có thể kiếm được việc làm đúng chuyên môn hay không? Hay thậm chí bạn có thể tìm việc làm ở Hoa Kỳ từ nước ngoài hay không?

Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin liệt kê vài thông tin nền:

Không có đạo luật nào cấm hành nghề ở Hoa Kỳ với bằng cấp nước ngoài.

Một số ngành nghề ở Hoa Kỳ, ngoài bằng cấp, bạn cần phải có chứng chỉ hành nghề. Ví dụ như Y, Dược, Luật, Xây dựng, … Do đó, bạn phải thi những chứng chỉ này giống như những người tốt nghiệp ở Hoa Kỳ.

Các công ty Hoa Kỳ rất thực dụng. Nếu bạn làm tốt hơn người khác, họ sẵn sàng nhận bạn vào làm.

Luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ việc làm cho người bản xứ nên số lượng người nước ngoài đi làm ở Hoa Kỳ bị giới hạn. Ngoài ra nếu các công ty muốn tuyển người nước ngoài, họ phải chứng minh là họ không tuyển được người bản xứ cho công việc đó và họ không được trả lương cho người nước ngoài thấp hơn mức lương thông dụng (prevailing wage).

Điều này để tránh tình trạng sử dụng lao động nước ngoài với chi phí thấp làm ảnh hưởng đến người lao động Hoa Kỳ. Điều này chỉ áp dụng cho người nước ngoài. Nếu bạn đến Hoa Kỳ theo dạng định cư, bạn không cần quan tâm đến vấn đề này.

Mỗi năm Hoa Kỳ cấp khoảng 85.000 visas cho người nước ngoài đi làm (H1 visa) theo quota, chưa tính những trường hợp không cần quota như giáo sư đại học chẳng hạn. Trong đó 20.000 visas đầu tiên được ưu tiên cho những người có bằng Master trở lên ở Hoa Kỳ. Ngoài những người có bằng cấp ở Hoa Kỳ, một phần không nhỏ là những người nước ngoài với bằng cấp nước ngoài, nhiều nhất là các kỹ sư đến từ Ấn Độ.

Ngoài ra Hoa Kỳ còn cấp J1 visas cho các thực tập sinh và học giả trao đổi đến làm ngắn hạn.

Tuy không có số liệu chính thức, nhưng tôi nhận thấy số lượng người Việt tốt nghiệp ở Việt Nam đến Hoa Kỳ làm đang tăng lên những năm gần đây nhưng với số lượng còn khá khiêm tốn so với Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Hàn. Một số đến định cư và làm đúng chuyên môn học ở Việt Nam, một số được tuyển từ Việt Nam để qua đây làm. Sau đây là những mẫu chuyện tôi biết:

Một hôm ngồi ăn với nhóm bạn học chung Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Sài Gòn ở Fremont, California. Ngồi tính ra cũng có khoảng chục bạn hồi xưa học chung với tôi đang làm kỹ sư xây dựng trên đất Hoa Kỳ với tấm bằng Xây dựng của Bách khoa. Các bạn này đến Hoa Kỳ bằng những con đường khác nhau nhưng có điểm chung là thi các chứng chỉ hành nghề rồi hành nghề ở Hoa Kỳ cũng như các kỹ sư tốt nghiệp ở Hoa Kỳ.

Một số bạn tôi biết được tuyển từ Việt Nam qua làm cho các công ty công nghệ cao ở Silicon Valley và các công ty dầu khí với visa H1.

Một số bạn đến Hoa Kỳ thi CPA, CFA rồi làm accounting và finance.

Một số bạn tốt nghiệp ở Việt Nam rồi qua Hoa Kỳ làm thực tập với J1 visa rồi tìm được việc làm chính thức với visa H1.

Nếu bạn tốt nghiệp dược ở Việt Nam thì bạn có thể thi Foreign Pharmacy Graduate Examination Committee (hay FPGEC) Certification rồi hành nghề ở Hoa Kỳ.

Một số người tốt nghiệp Y ở Việt Nam qua Hoa Kỳ thi National Board Exams, làm residency, rồi thi State Law exam, sau đó hành nghề Y ở Hoa Kỳ cũng như các bác sỹ tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Học Y ở Hoa Kỳ tốn 10 năm và nợ trung bình $300K. Học Y ở Việt Nam tốn 6 năm.

Tính ra quá hời phải không? Còn đây là credentials của cô bác sỹ primary care (làm ở Kaiser Permanente) của mình: Medical Education – University of Yangon Institute of Medicine, Yangon, Myanmar; Residency – University of Nevada School of Medicine Las Vegas, Las Vegas, NV; Board certification – Internal Medicine, American Board of Internal Medicine.
Đương nhiên được đi học, tốt nghiệp ở Hoa Kỳ rồi tìm việc ở Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hơn.

Nhưng nếu bạn tốt nghiệp ở Việt Nam hay một nước khác, bạn cũng có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn nếu bạn thực sự làm được việc và cố gắng hòa nhập cũng như thi các chứng chỉ hành nghề.


Du học Mỹ: tìm học bổng dễ hơn bạn tưởng

Có lẽ Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều nguồn tài chính cho sinh viên sau đại học nhất trên thế giới. Có thể nói đa số sinh viên PhD và phần lớn sinh viên Master ở Hoa Kỳ nhận được nguồn tài chính cách này hay cách khác: scholarship, fellowship, và graduate student academic appointments. Trong 3 cách này, cách cuối cùng là nhiều nhất (rất nhiều) và là chủ đề của bài viết này.

Phần lớn các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ đều có chương trình Graduate student appointment với nhiều tên gọi khác nhau: Academic appointment, Graduate assistantship, Research assistantship, Teaching assistantship, … Nguyên tắc chung của các chương trình này là bạn làm việc cho trường khoảng 20 giờ/tuần được nhận lương (stipend) và được miễn học phí. Phần lớn các chương trình đào tạo PhD sẽ offer cho bạn chương trình này khi bạn được nhận vào học. Còn các chương trình Master thì rắc rối hơn, có thể bạn phải nộp hồ sơ đi học và hồ sơ đi làm riêng. Stipend của những chương trình này thường sẽ đủ sống, cộng với được miễn học phí nên bạn không phải lo gì thêm. Công việc của các chương trình này thường sẽ hỗ trợ cho việc học của bạn như là làm nghiên cứu và đi dạy cho sinh viên đại học. Hơn nữa sinh viên ở Hoa Kỳ phần lớn đều đi làm part time từ khi bắt đầu vào đại học nên bạn không phải lo là thiếu thời gian để học.

Tình huống xấu nhất là bạn chỉ được nhận vào học mà không được nhận vào làm (thường chỉ xảy ra với master). Bạn có thể đóng học phí một học kỳ. Khi qua đây học, bạn kiếm việc sau. Mình chưa thấy ai không kiếm được việc trong một học kỳ cả. Bạn cứ đi đến các phòng lab, các văn phòng khoa để nói chuyện và kiếm việc làm. Có thể bạn phải làm volunteer một vài tháng nhưng nếu bạn được việc, họ sẽ nhận bạn làm chính thức, trả stipend cho bạn và bạn được miễn học phí cho những học kỳ sau. Có thể những người nhận bạn vào làm không biết những chính sách này mà bạn phải tìm hiểu ở graduate schools và nói cho họ biết những thủ tục cần thiết.

Những keywords để bạn tìm kiếm các chương trình này: graduate financial aid, tuition waiver, fee remission, academic appointment, graduate assistantship, research assistantship, teaching assistantship, graduate funding … một số nơi còn gọi là graduate fellowship.

TS Hồ Đắc Nguyên Ngã (ngahodac.com)