Bali chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại vào tháng 6

Tiêu điểm:
Bali chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại vào tháng 6
Sớm nhất du khách có thể thăm viếng trở lại Bali vào tháng 6 này trong chương trình hành lang du lịch nhằm giúp Indonesia tái khởi động nền kinh tế.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno nói rằng chương trình hành lang du lịch sẽ được thực hiện với các nước thành công trong chiến dịch tiêm chủng, có thể khống chế tốt dịch bệnh và có các chương trình lợi ích song phương với Indonesia.
Ubud, Sanur và Nusa Dua là những điểm du lịch chính ở Bali nằm trong dự án thí điểm đón nhận du khách nước ngoài từ giữa tháng 6 hay tháng 7 tới. Bộ trưởng Uno nói các nơi này phải tuân theo các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt. Trong khi đó, khoảng 2 triệu dân Bali phải được tiêm chủng trước khi dự án thí điểm có thể bắt đầu.
Nhưng các đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa được mở. Chính phủ Indonesia chỉ cho phép một số chuyến bay thuê bao hạ cánh trong dự án thí điểm này. Chương trình sẽ được xem xét cứ sau mỗi hai tuần – theo lời Bộ trưởng Uno.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang cố gắng mở cửa trở lại ngành du lịch, đặc biệt là Thái Lan và Singapore. Sớm nhất là từ ngày 1/7 sắp tới, Thái Lan sẽ mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm chủng ở hai đảo Phuket và Koh Samui, hai tỉnh ven biển là Phangnga và Krabi. Nhưng nhiều người đã lo ngại về sự thành công của ý tưởng này. Bởi nếu du khách bị giới hạn ở các điểm đến này mà không được tự do thăm viếng các điểm khác thì số khách vẫn rất là hạn chế, giống như khách đã đến Thái Lan trong các chương trình thí điểm như “chiếc lồng mạ vàng” hay cách ly ở những khu đánh golf sang trọng.
Còn Singapore thì đưa ra ý tưởng “vòm hội nghị” được xây dựng trong Trung tâm triển lãm hội nghị Singapore Expo gần sân bay Changi. Khách đến dự hội nghị sẽ được đưa thẳng từ sân bay vào khu khách sạn bằng kính Connect@Changi xây trong khu triển lãm này. Khách sẽ tiến hành và thảo luận với đối tác địa phương trong phòng kính đối diện qua hệ thống loa trên vách tường kính. Tài liệu trao đổi giữa hai bên sẽ đưa qua hệ thống cửa đặc biệt và được chiếu xạ khử trùng.
Dự kiến, khu phức hợp mới Connect@Changi sẽ được sử dụng cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra vào tháng 8 tới.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,32 – 55,72 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 170.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.753,9 USD/ounce, tăng tới 22,6 USD/ounce, tương đương 1,31% so với chốt phiên trước. Giá vàng đã tăng vọt vào cuối phiên sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định lập trường nới lỏng tiền tệ.
2/ Trong hai năm qua, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines. Nhưng trong năm nay, nhiều khả năng vị trí này sẽ lại thuộc về Trung Quốc. Trong báo cáo tháng 2/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 10% so với năm 2020, và thấp hơn con số 2,6 triệu tấn trong dự báo trước đây. USDA cho rằng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cao đã một phần làm cho Philippines giảm nhập khẩu gạo. Trong khi đó, USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 2,8 triệu tấn gạo từ nước ngoài trong năm nay do sản lượng trong nước giảm. Như vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Philippines để trở lại vị trí thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2021.
Trong báo cáo tháng 2/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 10% so với năm 2020
3/ IHG, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Six Senses, InterContinental, sẽ tăng 50% số khách sạn ở Việt Nam trong hai năm tới. Theo Giám đốc điều hành IHG tại Đông Nam Á và Hàn Quốc, kế hoạch phát triển của tập đoàn tại Việt Nam được củng cố nhờ tốc độ phục hồi sau dịch của thị trường này, cũng như chiến lược toàn cầu của IHG. Tại Việt Nam, IHG hiện đang vận hành 13 dự án với 3.700 phòng, trong đó có hai thương hiệu hạng sang là Six Senses và InterContinental. Để sẵn sàng đón đầu lượng khách nội địa triển vọng sắp tới và sự phục hồi của ngành du lịch nói chung về dài hạn, IHG cho biết sẽ mang đến thị trường Việt Nam 3 thương hiệu mới là Regent, Voco Hotels và Hotel Indigo. HG công bố các kế hoạch này khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 28.700 lượt, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.
4/ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cấp mã giao dịch cho hai công ty của Việt Nam được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc gồm Công Ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Trước đó, đầu tháng 1/2021, Trung Quốc cũng cấp mã giao dịch cho hai công ty/nhà máy sữa Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương và nhà máy sữa Trường Thọ. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho tổng cộng bốn công ty/nhà máy của Việt Nam được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc. Việc liên tiếp có nhiều tên doanh nghiệp sữa Việt Nam trong danh sách được xuất khẩu sữa sang thị trường Trung Quốc đánh dấu kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sữa trong thời gian tới.
5/ Công ty cổ phần công nghệ Việt Nam VNG đã đầu tư 6 triệu USD vào Got It, một nền tảng địa phương với công dụng tặng quà kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B). Khoản đầu tư này sẽ giúp Got It tăng cường phát triển mảng trí tuệ nhân tạo và quà tặng tại Việt Nam. VNG cũng sẽ giúp Got It mở rộng dịch vụ tặng quà, kênh B2B và mạng lưới thương gia, đặc biệt là đối với người dùng nền tảng truyền thông Zalo và ZaloPay của VNG. VNG và Got It đã hợp tác từ tháng 10/2020 khi họ triển khai tính năng tặng quà trực tuyến trên Zalo. Được thành lập vào năm 2015, Got It tuyên bố đã có danh mục khách hàng gồm gần 500 công ty đa quốc gia trên khắp Việt Nam, đồng thời cung cấp các chương trình khách hàng thân thiết và phiếu thưởng cho hơn 160 thương hiệu, trải dài trên hơn 12.000 địa điểm trên toàn quốc.
6/ Bộ Tài chính đưa ra dự thảo lần 1 Thông tư Hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh để lấy ý kiến. Theo đó, bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực vào diện chịu thuế giá trị gia tăng và chịu thuế suất thuế thu nhập cá nhân. Đáng chú ý, dịch vụ may đo, giặt là, cắt tóc, làm đầu, gội đầu được đưa vào chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% và thuế suất thuế thu nhập cá nhân 2%. Tổng cộng, mức thuế đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này là 7%. Hơn thế nữa, kinh doanh dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet và game cũng bị đánh thuế tổng cộng 7%. Đặc biệt, dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình cũng được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân.
7/ Google công bố báo cáo cho biết đã chặn 99 triệu quảng cáo trên toàn thế giới liên quan đến đại dịch Covid-19 do vi phạm các chính sách vào năm 2020. Cũng theo thông báo, Google đã chặn hoặc xóa 3,1 tỷ quảng cáo trong năm 2020, trong đó hơn 850 triệu nội dung đã bị xử phạt vì lạm dụng mạng quảng cáo của tập đoàn này. Ngoài ra, Google cũng hạn chế 6,4 tỷ quảng cáo khác, giới hạn phạm vi tiếp cận hoặc yêu cầu các nhà quảng cáo đáp ứng một số yêu cầu. Báo cáo mới công bố cũng cung cấp chi tiết về lệnh cấm quảng cáo chính trị mà Google đã thiết lập xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ. Theo đó, Google đã chặn quảng cáo trên 3 tỷ lượt tìm kiếm đề cập đến cuộc bầu cử hoặc kết quả cuộc bầu cử.
Trong thời gian vừa qua, Google đã chặn quảng cáo trên 3 tỷ lượt tìm kiếm đề cập đến cuộc bầu cử hoặc kết quả cuộc bầu cử.
8/ Theo Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia (PUPR), ngân sách năm nay dành cho các dự án thâm dụng lao động đã được nâng lên 23.240 tỷ rupiah (1,61 tỷ USD) từ mức 12.180 tỷ rupiah. Trong tổng số 23.240 tỷ rupiah được phân bổ, 7.150 tỷ rupiah sẽ được giải ngân cho các chương trình tài nguyên nước thông qua 8 dự án, dự kiến sẽ thu hút 386.159 lao động. Khoảng 6.690 tỷ rupiah được chi cho 5 dự án xây dựng cầu đường, dự kiến thu hút 273.603 lao động. Khoản kinh phí lớn nhất sẽ được phân bổ cho lĩnh vực giao thông vận tải do PUPR và Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhằm tăng cường kết nối và hỗ trợ phát triển logistics. Trong khi đó, 5.290 tỷ rupiah sẽ được phân bổ cho lĩnh vực nhà ở với 8 dự án dự kiến thu hút 194.471 lao động. Khoảng 4.110 tỷ rupiah còn lại sẽ được phân bổ cho các dự án còn lại với tổng số lao động được sử dụng lên tới 378.460 người.
9/ Bộ Kinh tế Brazil cho biết chính phủ nước này đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với gần 1.500 hàng hóa cơ bản và thiết bị gia dụng xuống mức 0 – 16%. Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này, với mục đích cắt giảm chi phí nhập khẩu và điều hòa giá cả tiêu dùng trong nước. Theo đó, quyết định này sẽ giúp giảm chi phí máy móc và thiết bị, tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp, dịch vụ kinh doanh và sản xuất nông sản, qua đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này hiện ở mức 5,2%, cao nhất trong 4 năm qua, và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6% trong những tháng tới.
10/ Chuối tiếp tục là mặt hàng mang lại nguồn thu cao nhất trong tất cả các sản phẩm nông nghiệp của nước này. Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào, giá trị xuất khẩu chuối từ Lào sang các nước láng giềng, chủ yếu là Trung Quốc và Thái Lan, đã tăng lên khoảng 227,4 triệu USD trong năm 2020. Trước đó, Lào thu được khoảng 112 triệu USD trong năm 2018 và 197,8 triệu USD vào năm 2019 từ xuất khẩu chuối. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Lào đã tăng liên tục trong ba năm gần đây. Vào năm 2018, Lào kiếm được 600 triệu USD từ xuất khẩu nông sản. Con số này sau đó tăng lên 750,8 triệu USD vào năm 2019 và 943 triệu USD vào năm 2020. 80% nông sản xuất khẩu của nước này được bán cho Trung Quốc.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Tự động hóa đe dọa cỗ máy kiếm ngoại tệ lớn thứ hai của Philippines