Bản tin thị trường – ngày 14/12/2020

ĐBSCL không cần mô hình tăng trưởng mới mà cần mô hình phát triển mới thích nghi và quản lý được các rủi ro từ môi trường, đồng thời có tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển của ĐBSCL.
Tiêu Điểm
Đồng thuận về ưu tiên chiến lược chung của toàn vùng
Việt Nam là nền kinh tế mở. Vì mở nên bất kỳ sự biến động nào của thế giới cũng có tác động tới Việt Nam. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL không thể không bàn tới vấn đề kinh tế thế giới hiện nay.Vùng ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức cho nên cần phải có chiến lược quản lý rủi ro.
Đầu tiên là cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 làm thay đổi giá trị, làm thay đổi phương thức sản xuất, quá trình sản xuất dịch chuyển về các chính quốc. Xu thế kinh tế Việt Nam đang chậm lại. Các dòng đầu tư cũng đang suy giảm. Lợi thế chi phí thấp của Việt Nam đang bị xói mòn. Tốc độ tăng lương vượt xa tốc độ tăng năng suất. Việt Nam đang nổ lực rất nhiều trong việc phát triển khối doanh nghiệp tư nhân nhưng có thể nói doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn về lượng, nhưng yếu về chất.
Xem thêm chi tiết tại link:
Đồng thuận về ưu tiên chiến lược chung của toàn vùng
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,75 – 55,25 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 500.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.835 USD/ounce, tăng 4,5 USD, tương đương 0,24% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, có 5 yếu tố cần theo dõi trong tuần này,  đây là các yếu tố nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến diễn biến giá vàng bao gồm số lượng các ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục, gói kích cầu tại Mỹ, Brexit, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các số liệu vĩ mô.
2/ Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ký kết thoả thuận cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong EVFTA. Thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã ký kết Thư trao để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định EVFTA.
3/ Aeon đang có kế hoạch phát triển mạnh vào Việt Nam, dự kiến khai trương 20 trung tâm thương mại, đầu tư hơn 2 tỷ USD đến năm 2025. Nếu tính cả Aeon Mall Hải Phòng được khai trương ngày 14/12, doanh nghiệp này đang có 6 trung tâm thương mại trên cả Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản này đã ký kết với tỉnh Thanh Hoá về việc đầu tư dự án Aeon Mall có giá trị 190 triệu USD. Ngoài ký kết với Aeon, tỉnh Thanh Hoá còn ký kết với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) và Cục Đầu tư nước ngoài về hợp tác kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Các dự án có vốn Nhật Bản, như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Xi măng Nghi Sơn đã có tác động lan tỏa lớn, thúc đẩy các doanh nghiệp vệ tinh của địa phương cùng phát triển.
4/ Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030.
Theo dự thảo, khu vực miền Bắc hiện có năm tỉnh có sân bay. Trong đó, sân bay Nội Bài sẽ được điều chỉnh nâng cấp lên 100 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, theo dự báo của đơn vị tư vấn, nhu cầu đi lại ở vùng thủ đô rất lớn. Qua nghiên cứu mô hình các nước thế giới – như cụm sân bay ở Bangkok và Tokyo – cho thấy cần xây dựng mới một sân bay cho vùng thủ đô Hà Nội.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay thứ hai cho vùng thủ đô Hà Nội, với quy mô hai đường băng, công suất đạt 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, sân bay này chưa được xây dựng trong giai đoạn 2020-2030 mà thực hiện sau năm 2040.
Về vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội, ban soạn thảo nói sẽ nghiên cứu sau năm 2040, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất xây mới sân bay Lai Châu và Nà Sản (Sơn La) trong thời gian tới. Đặc biệt, bổ sung quy hoạch sân bay Cao Bằng, quy mô một đường băng, với công suất 3 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Cục Hàng không cho biết khu vực miền Trung, và miền Nam vẫn giữ nguyên quy hoạch là 20 sân bay hiện hữu, không bổ sung quy hoạch sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn (Ninh Thuận) như đề xuất trước đó của hai địa phương này.
5/ Trong một văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, Gunkul Engineering Public cho biết đã đầu tư 47 triệu USD thông qua một công ty con của hãng mua lại một dự án điện mặt trời ở Tân Châu, Tây Ninh. Trước đó, Gunkul Engineering Plc đã mua lại nhà máy điện mặt trời Phong Điền II công suất 50 MW ở Thừa Thiên – Huế với giá 39,9 triệu USD. Nhà máy này sẽ bắt đầu phát điện thương mại từ ngày 15/12 giá bán điện FIT 7,09 cent cho mỗi kWh trong 20 năm.
6/ Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research cho biết, các nhà bán lẻ tại Mỹ đã đóng cửa 8.400 cửa hàng trong năm nay. Ascena Retail là nhà bán lẻ đóng cửa nhiều địa điểm nhất, với gần 1.200 cửa hàng. Làn sóng này, theo Coresight, sẽ còn gia tăng trong tháng 12 và thiết lập một kỷ lục mới trong năm nay, phá vỡ con số hơn 9.300 cửa hàng bị đóng cửa trong năm 2019. Kinh doanh cũng ảm đạm không kém đối với ngành nhà hàng tại Mỹ. Khoảng 17%, tương đương 110.000 nhà hàng, đã đóng cửa vĩnh viễn, với hàng ngàn nhà hàng khác cũng đang phải đối diễn với viễn cảnh này. Giữa năm nay, làn sóng đóng cửa cũng đã lan rộng sang cả những thương hiệu lớn, khi sự thay đổi của môi trường kinh doanh và diễn biến phức tạp của đại dịch đã đẩy nhiều công ty vào cảnh khó khăn.
7/ Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Paraguay, nước này đã xuất khẩu 6.41 triệu tấn đậu nành trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,82 triệu tấn. Theo đó, xuất khẩu sang Argentina, khách hàng lớn nhất của Paraguay đạt 4,89 triệu tấn trong cùng kỳ, tăng 49.2% so với năm 2019. Xuất khẩu đậu nành sang Brazil cũng tăng mạnh 592,2% so với năm ngoái, cho thấy nhu cầu nội địa của Brazil sau khi đã xuất khẩu một lượng lớn đậu tương của nước này sang Trung Quốc. Brazil đã nhập khẩu 715.700 tấn đậu tương từ Paraguay, cao hơn nhiều so với mức 103.400 tấn 11 tháng đầu năm 2019. Theo số liệu của hiệp hội sản xuất quốc gia Paraguay (UGP), sản lượng đậu tương niên vụ 2019/đã đạt 10.6 triệu tấn đậu, cao hơn 34% so với niên vụ 2018/19.
8/ Virgin Galactic, công ty du lịch không gian của tỷ phú người Anh Richard Branson thông báo tàu vũ trụ thương mại SpaceShipTwo của hãng buộc phải tạm ngừng chuyến bay thử nghiệm do sự cố kỹ thuật. Trong thông báo trên Twitter, Virgin Galactic cho biết trục trặc liên quan tới bộ phận đánh lửa của động cơ tên lửa đẩy trên tàu. Vì vậy, sau khi được một máy bay lớn đưa lên không trung từ căn cứ vũ trụ Mỹ tại bang New Mexico vào chiều 12/12 (giờ địa phương), tàu SpaceShipTwo mang theo hai phi công đã hạ cánh chỉ nửa giờ sau đó. Hãng hiện đang kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân sự cố, đồng thời cho biết sẽ sớm thực hiện chuyến bay thử khác. Theo Virgin Galactic, đến nay đã có 600 người đăng ký dịch vụ du lịch này với mức giá 250.000 USD/người.
9/ Vaccine Covid-19 của Pfizer được cấp phép tại châu Âu và Mỹ là cột mốc quan trọng với khoa học, kinh tế và nhân loại. Đồng thời, nó cũng đem đến nguồn tiền lớn cho các doanh nghiệp phát triển vaccine này. Các nhà phân tích tại Wall Street ước tính Pfizer và Moderna sẽ có doanh thu 32 tỷ USD từ vaccine Covid-19 chỉ trong năm tới. Trong đó, theo Morgan Stanley, riêng Pfizer có thể thu 19 tỷ USD nhờ vaccine Covid-19 năm 2021. Sự đột phá về vaccine đã không tạo ra sự bùng nổ về giá cổ phiếu Pfizer, chỉ tăng 12% năm nay, theo sát đà tăng chung 13,5% của chỉ số S&P 500. Nhưng cổ phiếu niêm yết tại thị trường Mỹ của BioNTech đã tăng gần 300%, đẩy mức vốn hóa của doanh nghiệp Đức lên gần 30 tỷ USD.
Các nhà phân tích tại Wall Street ước tính Pfizer và Moderna sẽ có doanh thu 32 tỷ USD từ vaccine Covid-19 chỉ trong năm tới – Ảnh: Nikkei
10/ Australia dự kiến sẽ thu được một khoản ngân sách 3 tỷ AUD từ giá quặng sắt lên mức cao nhất trong 7 năm, xuất phát từ tâm lý lo ngại các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc. Theo hãng tư vấn Deloitte Access Economics cho biết, yếu tố lo ngại về khả năng Trung Quốc trừng phạt đối với những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia đã góp phần đẩy giá quặng sắt tăng thêm 18 USD/tấn trong tháng 12 lên 160 USD/tấn, mức cao nhất trong 7 năm qua. Cụ thể, Australia đã mất tiền từ nhiều thứ, từ tôm hùm đến rượu vang. Nhưng về tổng thể, ngân sách chính phủ được hưởng lợi lớn nhờ tăng thu từ quặng sắt.
11/ Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc (SAMR) hôm nay thông báo đang xem xét thương vụ sáp nhập giữa DouYu International Holdings và Huya, có khả năng tạo ra nền tảng stream game hàng đầu Trung Quốc, tương tự như Twitch của Amazon tại Mỹ. Cơ quan này cũng phạt Alibaba 500.000 nhân dân tệ (76.500 USD) vì chưa xin phép khi tăng cổ phần trong chuỗi trung tâm thương mại Intime Retail Group lên 73,79% năm 2017. Cổ phiếu Alibaba và Tencent chiều nay đã giảm hơn 3% sau khi thông tin này được đưa ra. Vào tháng trước, giới chức Trung Quốc thông báo ý định siết kiểm soát các hãng công nghệ lớn nhất nước này bằng luật chống độc quyền mới. Theo đó, dự thảo quy định sẽ kiềm chế các hành vi phản cạnh tranh.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Đồng thuận về ưu tiên chiến lược chung của toàn vùng