Bản tin thị trường ngày 30/7/2020

Ảnh: Kỹ sư Hồ Quang Cua và giống gạo ngon nhất thế giới ST25 - Photo: Trần Quỳnh BSA
Tiêu điểm:
Do thời gian đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 10 năm nên danh sách gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu không có giống gạo ST25.
Ngày 30-7, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định “Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch” lần cuối trước khi trình Chính phủ ban hành.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm sang EU muốn được hưởng ưu đãi hạn ngạch 30.000 tấn/năm miễn thuế phải được cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm do Cục Trồng trọt (thuộc Bộ NN-PTNT) cấp. Nhằm bảo đảm gạo thơm đúng giống và đúng xuất xứ trồng tại Việt Nam, hoạt động kiểm tra được tiến hành từ đồng ruộng thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và độ thuần của giống (% số cây) phải không nhỏ hơn 95%.
Riêng năm 2020, theo dự thảo, doanh nghiệp sẽ được áp dụng điều khoản chuyển tiếp, không phải thực hiện kiểm tra trên đồng ruộng đối với gạo thơm đã được sản xuất trước ngày Nghị định có hiệu lực để có thể tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
Theo công bố của EU về quản lý và phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo trong khuôn khổ EVFTA có hiệu lực từ 1-8, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo miễn thuế mỗi năm. Trong đó, hạn ngạch dành cho gạo thơm là 30.000 tấn/năm gồm các giống: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên chợ Đào.
1/ Sau thời gian dài xuống thấp, giá ốc hương thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tăng cao trở lại, đạt mức 185.000-190.000 đồng/kg đối với ốc loại 1, cao hơn khoảng 40.000-50.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2 và tháng 3. Nguyên nhân giúp giá ốc lên cao là do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong khi nguồn cung khan hiếm.
2/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi các thị trường hầu hết bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đã đạt 31,7 triệu USD, chiếm 4,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang gần 130 thị trường, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khả quan nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
3/ Giá mía thấp, người trồng thua lỗ, nhiều nhà máy đường trong khu vực đóng cửa khiến cho nông dân tỉnh Hậu Giang không còn gắn bó với giống cây trồng này. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ở niên vụ mía 2019-2020 này, nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ xuống giống được hơn 5.900 ha mía, giảm hơn 2.400 ha so với vụ mía trước.
4/ Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC tăng thêm 350 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, lên mức 56,65 – 57,90 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 56,65 – 57,92 triệu đồng/lượng (TP.HCM).
5/ Ngay sau khi TP. Đà Nẵng có công văn triển khai biện pháp phòng dịch, áp dụng từ ngày 26-7, thì các doanh nghiệp du lịch đồng loạt hoãn và hủy chương trình tour đi Đà Nẵng, nhiều khách đã hủy chương trình đã đăng ký trong tháng 7,8,9. Thậm chí, nhiều chương trình du lịch đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt… cũng bị hủy, tập trung đa số khách đoàn, trong khi khách lẻ vẫn đang cân nhắc tham gia.
6/ Phát hiện mỏ dầu khí mới trữ lượng lớn ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Kết quả khoan giếng 114-Ken Bau-1X năm 2019 và 114-Ken Bau-2X năm 2020 đã khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực cấu tạo Kèn Bầu nói riêng, khu vực lô 114 và các lô phụ cận.
7/ Trong báo cáo mới ra mắt hôm nay (30/7), Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi. WB cũng khuyến nghị 3 biện pháp bổ trợ nhau mà Việt Nam cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19.
Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài.
Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.
Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
8/ Goldman Sachs, Citigroup và Ngân hàng Mỹ dự đoán làn sóng giá vàng có thể còn tăng cao hơn nữa trong tình trạng lãi suất giảm và đồng USD hạ giá như hiện nay.
Cơn sốt giá vàng khuấy động thị trường gần đây làm cho các nhà đầu tư vàng hưởng quả đậm. Theo Bloomberg, ba vị tỷ phú sở hữu nhiều vàng nhất thế giới gồm Mohammed Al Amoudi người Ả Rập Saudi và hai ông trùm người Nga Alexander Nesis và Suleiman Kerimov là những người hưởng lợi nhiều nhất. Sau nhiều ngày giá vàng tăng vọt, chỉ riêng ba vị tỷ phú này đã thu về hơn 2,8 tỷ USD tài sản tăng thêm.
9/ Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore trong quý II/2020 đã tăng lên 2,9%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, so với mức 2,4% trong quý I/2020, trong bối cảnh tổng số việc làm (không tính lao động nước ngoài) giảm hơn 25%.
Theo số liệu của Bộ Nhân lực Singapore (MOM), riêng tháng 6/2020, có 79.600 công dân Singapore mất việc làm.
Cả ba lĩnh vực gồm chế tạo, dịch vụ và xây dựng đều chứng kiến số lượng việc làm sụt giảm mạnh trong quý II/2020, nhất là trong lĩnh vực bán buôn và trang thiết bị vận tải.
Tuy nhiên, theo đánh giá của MOM, tỷ lệ thất nghiệp nói trên vẫn thấp hơn so với các mức đỉnh điểm trước đó trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS).
10/ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) nói thiệt hại cho ngành du lịch toàn cầu do Covid-19 đã lớn gấp 3 lần thiệt hại do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009.
Các quốc gia đóng cửa biên giới, ban hành lệnh hạn chế/cấm đi lại để đối phó với đại dịch gần như làm đóng băng ngành du lịch trên toàn cầu. Theo báo cáo UNWTO World Tourism Barometer phiên bản cập nhật nhất, số lượng khách du lịch quốc tế giảm 98% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 1-5.2020, lượng du khách đã giảm hơn 50% so với năm ngoái. Điều này khiến ngành du lịch trên toàn cầu đánh mất khoảng 300 triệu khách du lịch và 320 tỷ USD – nhiều hơn gấp ba lần tổn thất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.
Tổng thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili cho biết: “Dữ liệu mới nhất này (báo cáo Barometer) cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch ngay khi thấy an toàn. Tổn thất to lớn trong ngành du lịch đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người, trong đó có cả công dân ở các nước đang phát triển.
Lê Hiếu – Ricky Hồ/ BSA tổng hợp