Cha mẹ nên giúp con bị bệnh tự kỷ cải thiện khả năng tương tác

Boy exercises putting fingers with therapist

Một nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí y học The Lancet cho thấy: cha mẹ có con tự kỷ có thể hợp tác với con ngay từ khi còn nhỏ để giảm độ nghiêm trọng của bệnh này, đồng thời cải thiện khả năng tương tác của con.

Phát hiện trên là kết quả của chương trình Thử nghiệm sự giao tiếp của trẻ bị tự kỷ trước tuổi đi học, được thiết kế để làm việc với các bậc cha mẹ, giúp họ cải thiện sự tương tác giữa họ với con ở nhà, theo GS Jonathan Green thuộc khoa tâm lý trẻ con và trẻ vị thành niên Đại học Manchester (Anh).

Ông tin chương trình tạo ra một không gian trị liệu 24 giờ/7 ngày và ngay tại nhà. Trong cuộc thử nghiệm, trẻ mang các triệu chứng tự kỷ được chia thành 2 nhóm. Ở nhóm thứ nhất, trẻ và cha mẹ của trẻ cùng nhận sự chăm sóc – chữa trị đúng tiêu chuẩn (nhóm chuẩn). Ở nhóm thứ hai, cha mẹ làm việc với nhà trị liệu (nhóm thử) để hiểu rõ làm thế nào có thể tương tác trực tiếp hiệu quả với con, nắm bắt các cử chỉ muốn tương tác của con.

Mỗi tháng, cha mẹ ở nhóm thử có 2 buổi học với nhà trị liệu, học trong 6 tháng, kết hợp bài tập về nhà tương tác với trẻ 30 phút/ngày. Sáu tháng kế tiếp, số buổi học giảm còn 1 buổi/tháng, nhưng giữ nguyên thời lượng “bài tập về nhà”.

“Trong các buổi học, cha mẹ xem video thu hình họ đang tương tác với con để biết con đã cải thiện đến mức nào, tương tác bằng cách nào với mình. Mục tiêu là giúp người lớn tự học và tự nhận biết”, GS Green nói. Qua đó, cha mẹ cũng thấy hành vi nào được con họ phản hồi và tự tin hơn khi tương tác với con, bà Catherine Aldred, nhà trị liệu ngôn ngữ Đại học Manchester cho biết. Mục tiêu là khiến đứa trẻ tương tác tích cực hơn.

Cuộc thử nghiệm cho thấy cha mẹ cải thiện được khả năng tương tác với con bị tự kỷ. Trẻ cũng có sự cải thiện khi tương tác với cha mẹ và các triệu chứng mạnh đã giảm nơi những đứa trẻ có cha mẹ tham gia cuộc huấn luyện.

Với những kết quả khá hứa hẹn, nhóm nghiên cứu hy vọng đưa chương trình Thử nghiệm đến được các trường, tổ chức các buổi học, huấn luyện để “cha mẹ và nhà trường đối thoại với nhau tốt hơn” và “để trẻ hoạt động đúng theo thế giới hàng ngày của các em”, GS Green nói. Nhóm cũng hy vọng biết thêm lý do vì sao sự can thiệp của cha mẹ lại có hiệu quả đến vậy.

Nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý: sự can thiệp của cha mẹ nên tiến hành ngay sau khi trẻ từ 2 đến 5 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, có thể không hiệu quả với trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Đối với cha mẹ có con bị tự kỷ, chỉ cần con bớt một chút bệnh cũng rất có ý nghĩa với họ.

Toàn thế giới hiện có hàng triệu gia đình vấp phải những thử thách của bệnh tự kỷ. Một số bậc cha mẹ khó hoặc không thể tương tác với con, không thể hiểu con nhận biết thế giới xung quanh thế nào. Chứng bệnh tâm lý này cũng có thể tác động xấu đến khả năng thể hiện cảm xúc, khả năng tương tác với xã hội của đứa trẻ và thường muốn thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại liên tục.

Cứ 68 trẻ ở Mỹ và 100 em ở Anh thì có 1 em mắc phải bệnh tự kỷ với nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Chưa thể biết đầy đủ nguyên nhân gây bệnh và hiện chưa có cách trị liệu nào. Các nghiên cứu và những cách chữa trị trước đây đều là trẻ làm việc trực tiếp với nhà trị liệu.

Có 3 cấp độ nghiêm trọng của chứng tự kỷ gồm nhẹ, trung bình và nặng. Nặng có nghĩa trẻ không để ý tới người xung quanh, có thể gạt tay cha mẹ và không biết cha mẹ khi họ xưng tên. Triệu chứng trung bình là trông đứa trẻ nhỏ hơn tuổi thật của mình, thường to tiếng đòi này nọ. Các triệu chứng nhẹ thì dễ phát hiện hơn.

Ngọc Bích (theo CNN)