Con cá Việt Nam và sức ép của đường bơi hội nhập

Đại sứ Israel: Ở Israel, nông dân chỉ lo sản xuất, nhà nước lập ra ở mỗi huyện, tỉnh và cấp quốc gia, các định chế “Nghiên cứu & phát triển” để giải đáp các câu hỏi cụ thể của nông dân. Ảnh minh họa

(Vietnamtimes) – Cuộc thảo luận về chủ đề: Phát triển tài nguyên bản địa – CON CÁ – tại Mekong Connect 2017 đã đề cập nhiều vấn đề và tình hình hết sức sát sườn.

Phải nói rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay đứng trước nhiều bất lợi. Năm 2017 là năm mà đường bơi của con cá bị nhiều sức ép và xáo trộn nhất, nếu xem xét tình hình ở cả 2 thị trường chính: Hoa Kỳ và châu Âu.

Khó nhất vẫn là thị trường Hoa Kỳ

Ngày 5/2/2017, báo chí châu Âu đưa tin: Đừng ăn cá Việt Nam, sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bạn vì nó không đủ chất dinh dưỡng và nguy hiểm cho sức khỏe. Trong khí đó, Khoa Luật, Đại học Georgetown, Washington, nêu lo ngại vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và một hội nghị ở Thượng viện Mỹ ngày 10/5/2017, cảnh báo nhập hải sản từ Việt Nam có thể có nguy cơ nhiễm độc sau sự cố cá chết ở miền Trung 2016.,

Thực tế ở Hoa Kỳ thì tình hình còn khó khăn hơn. Sau tất cả các hoạt động tác động lên xuất khẩu thủy sản VN bằng luật chống bán phá giá, đạo luật nông trại Farm Bill, sắp tới Hoa Kỳ sẽ sử dụng “chiến lược kiểm tra lại tạm thời”. Cách làm sẽ là: Tất cả các lô hàng nhập khẩu sản phẩm cá/cá da trơn Siluriformes vào Hoa Kỳ sẽ phải được kiểm tra lại, bắt đầu từ ngày 2 tháng 8.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra quyết định “xem xét hệ thống tương đương” bằng cách đánh giá liệu các hệ thống quản lý thực phẩm nước ngoài có đạt được mức độ bảo vệ thích hợp do hệ thống trong nước HK cung cấp hay không, nghĩa là có sử dụng các biện pháp vệ sinh tương đương cung cấp cùng mức độ bảo vệ chống lại các mối nguy về thực phẩm như đã đạt được ở trong nước. Cách đánh giá gồm 3 vòng: (1) kiểm tra tài liệu, (2) kiểm tra tại chỗ và (3) kiểm tra lại sản phẩm tại thời điểm nhập khẩu.

Đánh giá tài liệu là đánh giá về luật pháp, các quy định của quốc gia và các thông tin bằng văn bản khác. Nó tập trung vào sáu lĩnh vực nguy cơ: các quy định an toàn thực phẩm, vệ sinh, phân tích nguy hiểm và các điểm kiểm soát trọng điểm nguy hiểm, dư lượng hóa chất, và các chương trình kiểm tra vi sinh vật. Nếu quá trình xem xét tài liệu cho thấy hệ thống của quốc gia đó là thỏa đáng, nhóm kỹ thuật của USDA sẽ đến thăm quốc gia để xem xét lại tại chỗ.

Khi đó, xem thêm: các cơ sở và trang thiết bị, phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo và hoạt động kiểm tra tại nhà máy. USDA đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ NN & PTNT bởi một nhóm từ Đại học Tiểu bang Michigan. Sau đó là đánh giá sản phẩm tại thời điểm nó được nhập vào Hoa Kỳ.

Ngoài ra, kể từ năm 2016, Hoa Kỳ thực hiện đầy đủ Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm, cho nông sản và thực phẩm nhập khẩu, và ngay cả cho nông sản thực phẩm của Hoa Kỳ. Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang chuyển đổi hệ thống an toàn thực phẩm của quốc gia thành một hệ thống dựa trên việc ngăn ngừa các căn bệnh do thực phẩm. FDA đã hoàn tất các quy tắc cơ bản sẽ thực hiện FSMA, bao gồm các quy tắc kiểm soát phòng ngừa đối với Thực phẩm cho Người và Thú, Quy tắc An toàn Sản xuất, và Quy tắc Kiểm soát Nhà cung cấp nước ngoài (FSVP).

Đào tạo công nghiệp thực phẩm sẽ là một thành phần quan trọng trong việc thực hiện thành công. Quy tắc an toàn sản xuất và các quy tắc kiểm soát phòng ngừa đều có các thành phần đào tạo.

Khó khăn nội tại của doanh nghiệp

Tại diễn đàn Mekong Connect 2017, cuộc thảo luận về “CON CÁ” đã phân tích các quy định “làm khó” cho thủy sản Việt Nam, và đã thử tỉm các giải pháp.

Một doanh nghiệp chế biến thủy sản nổi tiếng của tỉnh An Giang là công ty Mắm Bà Giáo Khỏe 55555 (đã xuất khẩu đi nhiều nước, sản phẩm đang được thị trường Nhật và Thái Lan mua nhiều là bột mắm sấy khô) đã trình bày về nhiều khó khăn nội tại.

Khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp không có đủ kiến thức thông tin chuyên ngành cũng như về thị trường. Để tìm hiểu về một hóa chất mới xem có phù hợp và có được phép sử dụng (theo các quy định về an toàn, của Việt Nam và nước nhập khẩu), doanh nghiệp thường không biết hỏi ai.

Hỏi lung tung thì lộ bí mật kinh doanh hay rất chậm nhận được câu trả lời. Muốn mua máy móc, thiết bị cũng không làm sao đủ thông tin phân tích thiệt hơn khi chọn lựa. Còn thông tin thị trường thì càng mù mịt nên xuất khẩu thường là khách được tiếp thị thì tìm đến (tiếp thị qua các hội chợ quốc tế) nhưng nhà cung ứng lúng túng khi thương thảo rất nhiều.

Thắc mắc của ông Hoàng thực ra đã có một câu trả lời gián tiếp mà Đại sứ Israel trình bày khá cặn kẻ:

Ở nước Israel, nông dân chỉ lo sản xuất, nhà nước lập ra ở mỗi huyện, tỉnh và cấp quốc gia, các định chế “Nghiên cứu & phát triển” để giải đáp các câu hỏi cụ thể của nông dân.

Việt Nam chúng ta , tình hình hoàn toàn khác

Như với cuộc cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ, cạnh tranh hiện nay, dù vẫn là cạnh tranh với nông dân đánh cá, nuôi cá nước họ, nhưng biểu hiện cụ thể là: cạnh tranh với các Hiệp hội nghề cá của Hoa Kỳ.

Họ được ngư dân trả tiền để thuê luật sư kiện Việt Nam liên miên. Và chúng ta đối phó như thế nào? Tuy VASEP của ta khá mạnh, Việt Nam vẫn chỉ mạnh ở cái khoản…mạnh ai nấy chạy. Thay vì liên kết chặt để chỉ một hay một số Hội (qui tụ người sản xuầt kinh doanh cá) đứng ra kiện lại hay đi hầu kiện trong thế được chuẩn bị tốt thì các nhà kinh doanh cá Việt Nam lại đi theo đường: “lobby” các hội nghề cá của Hoa Kỳ. Họ “nhận lời”, đưa tên của các công ty Việt Nam đó ra khỏi danh sách khiếu kiện. Và các doanh nghiệp khác thấy “chạy” kiểu đó thì nhanh và chắc ăn hơn là cùng kiện dưới hình thức Hiệp hội cả nước, bèn cũng “chạy lo” như vậy. Nhiều người lo thì tình hình chung càng khó.

Cái khó của thủy sản Việt Nam xuất khẩu là vậy. Khó từ chất lượng sản phẩm (đang bị kiểm tra ngặt nghèo bằng những cách thức hiện đại mà ta chưa quen tuân thủ, kiểm tra trên hệ thống và quy trình) cho đến sự thiếu, yếu thông tin, kiến thức của bản thân người sản xuất và còn phần quan trọng hơn là: tính liên kết, hợp tác khi ra đến thị trường thế giới.

Xem ra đường bơi của con cá Việt Nam ra thế giới còn lao đao nhiều. Giải pháp thấy rồi đó, nhưng đâu dễ làm?

Kim Hạnh
(Theo Thời Đại)