Đồng bằng còn có kinh tế biển xanh

Một góc rừng Cà Mau – nơi đang phát triển kinh tế bền vững thông qua mô hình nuôi tôm – trồng và khai thác rừng.
Kinh tế biển xanh – hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 5, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), có sáu lĩnh vực then chốt, gồm: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái…
Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông gần 3,5 triệu km2. Diện tích trồng rong biển tự nhiên có thể lên đến 900.000 ha, tương đương với sản lượng 600.000 – 700.000 tấn khô/năm. Ngay trong cách định giá trị, các cơ quan chức năng cũng chỉ nghĩ tới rong khô.
Ao ước rong mơ
Rong mơ là điều ước của nhóm sáng lập Seri Choice về sự sống gắn với dòng hải tảo ở quê hương mình, nguồn lợi dễ tổn thương ấy cũng đầy ắp ưu tư.
Đồng sáng lập Seri Choice: Đỗ Thị Tú Trinh (25 tuổi), Nguyễn Nhất Duy (28 tuổi), quê ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) và Hồ Thị Ngọc Thanh (31 tuổi) ở xã Bình Long (Bình Sơn) có chung ý tưởng khai thác rong mơ làm nước uống dinh dưỡng để cung cấp ra thị trường. Người ta nói ở Quảng Ngãi, không chỉ có rong mơ mà xu xoa cũng là món tráng miệng thanh mát – là vị thuốc trị bệnh bướu cổ.
Việt Nam có tới 99 loài rong biển trong tổng số 800 loài được xác định có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng tự nhiên 80 – 100 tỷ tấn. Hai loài rong biển có trữ lượng và nguồn lợi tự nhiên lớn là rong mơ và rong câu; 7 loài rong kinh tế (rong nho, rong câu chỉ vàng, rong câu thắt, rong câu cước, rong sụn, rong bắp sú, rong sụn gai). Loại rong này ở thị trường Nhật Bản bán với giá 60 USD mỗi ký rong tươi.
Rong mơ là một quần thể giống tấm thảm kết từ những “sợi “- có khi  dài tới 5 mét, trải rộng trên mặt biển. Vào khoảng tháng 5-6 dương lịch là mùa thu hoạch, người dân đi bộ thu hoạch rong mơ ven bờ lúc triều xuống. Thói quen, cứ bứt cả gốc, cuộn lại mang về phơi khô, không để ý tới những tổn thương khi lột lớp da sinh học do tự nhiên cấy lên những rặn san hô. Ai nấy phải dang nắng cả ngày, có khi nóng 40 độ C, cực lắm nhưng cũng chỉ là bán rong thô.
Hình ảnh đó khiến nhóm startup này cấy ước mơ lên một dự án tảo biển, đặt mục tiêu vừa nâng giá trị rong mơ vừa mua càng nhiều càng tốt lượng rong đang mắc kẹt trong sinh kế rong thô của cộng đồng. “Sợ nếu khai thác quá nhiều, cạnh tranh xô bồ sẽ ảnh hưởng tới biển”, Tú Trinh nói. Nỗi sợ của Tú Trinh hàm chứa sự xung đột – vì muốn làm ra nhiều sản phẩm để người đời biết đến, thị trường rộng mở thì phải khai thác nhiều hơn – sợ khai thác quá mức thì không bảo tồn được nữa. Còn cạnh tranh xô bồ – làm sao tránh khỏi?
“Làm sao nguyên liệu đầu vào là sản phẩm tốt và sản phẩm đầu ra giúp cho người tiêu dùng có thêm sức khỏe. Quay về nguyên liệu thì mình khai thác nguyên liệu sao cho nó hợp lý,  với ý thức bảo tồn, thu hoạch đúng cách chứ không phải khai thác triệt để, không thể bứt cả gốc như xưa nữa, không thể thấy thương nhân Trung Quốc nâng giá mua là tháng 2-3 rủ nhau thu hoạch khi rong còn rất non”, Tú Trinh nói: “Ở Nha Trang cũng có rong mơ, các thầy động viên và chia sẻ thông tin nghiên cứu, cách bảo vệ nguồn lợi hải tảo để vừa khai thác vừa bảo tồn các loại rong biển, làm cho nó sinh sôi nảy nở nhiều hơn”.
Điều ước của Tú Trinh là làm sao người dân làm đúng kỹ thuật thu hái là rong mơ bớt rủi ro. Và, bất ngờ điểu ước ấy thành sự thật khi Seri Choice cho mọi người thấy giá trị rong mơ trong nước uống dinh dưỡng, rồi đây sẽ tiến sâu vào mỹ phẩm, công nghiệp dược phẩm…. Chỉ chỉnh sửa chừng ấy thôi, một công ty ở Nha Trang liên hệ đặt hàng 100 tấn để chiết xuất Fucoidan, với điều kiện phải tách được phao có chứa Fucoidan nhiều.
Nhưng đó cũng là thử thách vì giá thành tăng cao và ngay thời điểm ấy không thể mở lối thoát hiểm cho những người đang mắc kẹt trong đống rong thô. Seri Choice đưa ra giải pháp mua rong tươi về xử lý theo quy trình, đóng gói sạch sẽ, chấm dứt cảnh dang nắng 40 độ C cả ngày; thêm máy móc để tăng năng suất… May mắn là còn được Đại học Bách khoa Đà Nẵng hỗ trợ công nghệ, được tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền địa phương hỗ trợ. Seri Choice cũng đã ứng dụng thành công cách ủ rong biển, xử lý mùi tanh mà không cần hóa chất nhờ sự giúp sức của các nhà khoa học.
Bước thứ hai, “Nếu có 10 tỷ thì Trinh sẽ đầu tư nhà xưởng, dây chuyền tiệt trùng và cả nhóm sẽ hiện thực hóa các ý tưởng với rong mơ, rong chân vịt, xu xoa…  Nhưng Seri Choice không có tiền”, cô gái hiền lành nói.
Là một trong ba dự án được trao suất tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại do Công ty Mỹ thuật Trà Quế trao tặng tại cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022, ngày 16/10/2022; Seri Choice có thêm sự đồng cảm.
Biến động ven bờ…
Kiến trúc sư Phạm Xuân Thành trở về quê sau khi ra trường hai năm, chợt nhận ra con đường cần lựa chọn lại khi nhìn những những cánh rừng ngập mặn và nguồn thủy hải sản tự nhiên đang phục hồi dưới tác rừng. Công ty TNHH Con Tôm ra đời từ đó.
Con Tôm Rừng là cách Thành khẳng định nguồn gốc tự nhiên tại rừng ngập mặn Cà Mau, thức ăn là rong, tảo và các sinh vật phù du chung sống trong những rặng đước, rừng bần, sú, vẹt… không lời “ khủng” như nuôi tôm công nghiệp nhưng an toàn hơn rất nhiều. Chịu khó livestream, tương tác trên mạng, gặp gỡ, giao lưu… Du khách thích trải nghiệm đã về đây, thương hiệu Con Tôm Rừng, chẳng mấy chốc theo chân khách lữ hành- trải nghiệm, lan tỏa tới Sài Gòn – Hà Nội.
Nếu ở Quảng Ngãi, Tú Trinh có thể tìm thấy những kết quả nghiên cứu về biển, nhận ra việc cần làm và có sự chia sẻ từ các nhà nghiên cứu… Các startup ở ĐBSCL không có nhiều may mắn như vậy. Họ ít có cơ hội tiếp cận những kết quả nghiên cứu, khảo sát, chia sẻ kiến thức về biển- trừ một số nghiên cứu về tảo biển của GSTS Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó, hầu như chỉ có những nghiên cứu ven bờ, nhưng quả thật cũng không có nhiều dù vùng biển chủ quyền Việt Nam ở ĐBSCL có tới 360.000km2.
Ngay khi những vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, vận tải biển, năng lượng gió, sóng triều, năng lượng ánh sáng…được kỳ vọng sẽ có những kỳ diệu thì cũng rất ít nghiên cứu chỉ ra việc cần làm để đóng góp, chuẩn bị đón nhận những điều kỳ diệu này.
Vành đai ven biển tiếp giáp ĐBSCL lâu nay quen lời ru giàu nguồn lợi thủy sản dồi dào, có tính đa dạng sinh học rất cao… Tại Cà Mau có khoảng 255km bờ biển từ đông sang tây. Cư dân địa phương lo sinh kế, nhưng ngư trường rộng lớn đang nghèo đi và biển đang bị ám ảnh chất vi nhựa. Còn một vùng đất ngập mặn ven biển đa dạng, thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú.
Chất lượng thủy sản ở đây đặc sắc hơn các vùng khác nhờ những khoáng chất được lưu giữ trong những cánh rừng, nhưng rừng đã thay đổi thế nào và sạt lở, sụp lún sẽ đi tới đâu – đang là ẩn số!
Hoàng Lan