“Đường đua” bán lẻ dược phẩm không dễ dàng với Thế Giới Di Động

    Thử nghiệm kế hoạch kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh với diện tích 20-30 m2, Thế Giới Di Động đang dần khởi động trở lại cuộc đua bán lẻ dược phẩm sau thời gian “im hơi”.
    Đầu năm 2018, Thế Giới Di Động cho biết đã sở hữu 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang (chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang). Giá trị chuyển nhượng ghi nhận trên báo cáo của Thế Giới Di Động cho thương vụ này là hơn 62 tỷ đồng.
    Sau khi Thế Giới Di Động đầu tư, Phúc An Khang đã tiến hành sửa sang cửa hàng và đổi tên thành An Khang.
    Thế Giới Di Động cũng ghi nhận kết quả kinh doanh của đơn vị quản lý chuỗi nhà thuốc An Khang vào báo cáo tài chính bán niên. Phần lỗ từ việc sở hữu 49% công ty bán lẻ dược phẩm này hơn 730 triệu đồng và giá trị đầu tư còn lại khoảng 61 tỷ đồng. Số liệu tài chính thể hiện trên báo cáo chênh lệch khá lớn so với tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT tại phiên họp thường niên trước đó vài tháng.
    Khi đó, ông Tài cho biết sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua tối thiểu 20% cổ phần chuỗi bán lẻ dược phẩm và tiếp tục nâng dần tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối. Điều này giúp rút ngắn quá trình phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu. Công ty cũng thông báo tuyển dụng dược sĩ phụ trách chuyên môn tại TP HCM với các yêu cầu như quan hệ tốt với Sở Y tế, chuyên gia đầu ngành… nhằm hỗ trợ thẩm định hồ sơ kinh doanh ngành dược và tư vấn chuyên môn cho các cửa hàng.
    Tuy nhiên, sau giai đoạn bứt phá ban đầu, Thế Giới Di Động chủ động giảm nhịp độ rót vốn vào dược phẩm để tập trung cho ngành hàng bán lẻ thực phẩm.
    Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động sau đó đã thông báo về việc hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động sẽ tạm đóng vai trò là cổ đông lớn.
    Chủ tịch Thế Giới Di Động vẫn cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là thị trường “khủng”. Vì thế, chiến lược hiện tại của Thế Giới Di Động là “giữ một chân” trong ngành này để chờ cơ hội liên doanh, liên kết, nhất là sẽ chú trọng mở rộng sang mảng thực phẩm chức năng, vitamin… “Đây mới là thị trường ‘khủng’. Khi người dân ý thức chú trọng sức khỏe cao hơn, thị trường này sẽ bùng nổ. Khi đó, chúng tôi sẽ vào cuộc, và vào cuộc rất nhanh.” ông khẳng định.
    Thực tế, kể từ thời điểm rót vốn, kết quả kinh doanh của nhà thuốc này không mấy khả quan và liên tục thua lỗ. Báo cáo quý 2/2020 của Thế Giới Di Động ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang là 2,56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
    Gần đây, ông Nguyễn Đức Tài nhắc lại câu chuyện đầu tư vào dược phẩm có nhiều rủi ro pháp lý nên chưa sẵn sàng. Dù vậy, chuỗi nhà thuốc này vẫn duy trì 22 cửa hàng tại TP. HCM với lưu lượng khách khoảng 4.400 lượt mỗi ngày.
    Đại diện Thế Giới Di Động cho biết, công ty hiện đang triển khai thử nghiệm kế hoạch kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh. Với diện tích 20-30 m2, nhà thuốc An Khang có thể tận dụng lượng khách hàng ổn định từ chuỗi bán lẻ thực phẩm.
    Những động thái này cho thấy, Thế Giới Di Động dường như đang quay trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm. Theo tính toán, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỷ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các nhà thuốc.
    Hãng nghiên cứu IMS Health dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm vào năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015 – 2017.
    Còn theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoáng Rồng Việt (VDSC), cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ; thị trường bán lẻ dược phẩm rất phân mảnh. Do đó, đây là cơ hội cho các chuỗi thuốc như An Khang vươn lên.
    Tất nhiên, không riêng An Khang của Thế Giới Di Động nhìn ra cơ hội này, mà cả Long Châu của FPT Retail, hay Pharmacity cũng đều đang ra sức chiếm lĩnh thị phần. Hệ thống Pharmacity vừa qua cán mốc 400 cửa hàng, còn Long Châu là 162 cửa hàng.

    Theo DĐDN