Phuket tiến dần đến “miễn dịch cộng đồng”, mở cửa từ ngày 1/7

Tiêu điểm:

Phuket tiến dần đến “miễn dịch cộng đồng”, mở cửa từ ngày 1/7

Hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Thái Lan đang tiến gần tới mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” với hơn 50% số dân hơn 460.000 người đang cư ngụ ở Phuket đã được tiêm chủng.
Phuket đang mong muốn mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài từ ngày 1/7 tới, đặc biệt đối với khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 từ châu Âu và Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, Phuket cần hơn 930.000 liều vaccine.  Thống đốc Phuket Narong Woonciew cho biết tỉnh đã lập sáu địa điểm bên ngoài các bệnh viện. Hiện còn 80.000 người chưa đăng nhập vào hệ thống để đặt lịch tiêm chủng và đang được yêu cầu thực hiện ngay để đẩy nhanh tiến độ. Theo chiến lược chủ động tiếp cận, các trưởng thôn, bản được yêu cầu đến tận nhà để mời người dân đi tiêm chủng.
Chương trình tiêm chủng ở Phuket bắt đầu từ hồi đầu tháng 4/2021. Chính quyền hòn đảo sẽ sử dụng đến 400.000 liều vaccine trong đợt tiêm cuối tháng 5 và suốt tháng 6, trong đó bao gồm khoảng 56.000 lao động nhập cư đã đăng ký. Thống đốc Narong nói lao động nhập cư và những người đến từ tỉnh thành khác cũng sẽ được tiêm miễn phí, song họ phải chứng minh đã làm việc và ở lại tỉnh một thời gian để tránh những người từ các tỉnh thành khác quá sốt ruột mà kéo đến Phuket.
Phuket sẽ là địa phương đầu tiên ở Thái Lan mở cửa với thế giới bên ngoài sau nhiều nỗ lực bất thành thông qua các mô hình khác nhau. Đầu tiên là mô hình “chiếc lồng vàng” chỉ chú trọng đến khách giàu có từ châu Âu và Trung Quốc và mô hình đã thất bại vì giá quá mắc và khách bị giam ở khách sạn sang trọng trong 14 ngày. Tiếp đến là tour đánh golf với việc cách ly khách chơi golf tại các khu đánh golf sang trọng, với thí điểm là đón khách từ Hàn Quốc. Nhưng rồi, tour đánh golf cũng thất bại trong việc lôi kéo khách khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc.
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Phuket cũng đang tăng cường xét nghiệm Covid-19 để kiểm tra lần cuối về khả năng sẵn sàng mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ tháng 7 tới.
Tỷ lệ tiêm chủng cao ở châu Âu và Mỹ khiến hàng không và du lịch đang chuyển sang trạng thái “rã đông” để dần hồi phục. Người dân từ hai nơi này đang tìm kiếm một mùa hè thoải mái bên ngoài biên giới quốc gia của họ.
Trong khi đó, châu Á lại đang theo dõi nhất cử nhất động của hòn đảo bởi đây là hình mẫu cho mở cửa và tiến tới hồi phục ngành du lịch và hàng không của nước này. Câu chuyện mở cửa của Phuket được cả châu Á quan tâm khi các mô hình bong bóng du lịch của Singapore với Hong Kong và Đài Loan cứ dời đi dời lại nhiều lần bởi dịch Covid trỗi dậy. Hàn Quốc và Nhật Bản thì đang chật vật chống chọi với tình trạng lây nhiễm chưa thể kiểm soát.
Thống đốc Narong nói rằng vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua cho đến ngày hội “grand opening”. Phuket trước hết cần đạt tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày ở mức một con số, lý tưởng là không có ca lây mới trong cộng đồng trong nhiều ngày.
Giám đốc Sở Y tế Phuket Koosak Kookiatkul cho biết số ca lây nhiễm Covid-19 ở hòn đảo đã giảm xuống mức đếm trên đầy ngón tay trong hơn 10 ngày qua. Ngành y tế đang đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm trong cộng đồng.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Thái Lan đã thêm hơn 3.700 ca và 34 người tử vong trong ngày 28/5. Đợt dịch thứ 4 này xuất phát từ tình trạng bùng phát dịch từ các nhà tù chật chội ở Thái Lan với số ca nhiễm chiếm tỷ lệ 15% trong hơn 100.000 ca nhiễm từ hôm 21/3 vừa rồi. Ngành hành pháp và tư pháp nước này đang tính đến chuyện cho tù nhân mãn hạn tù sớm và theo dõi sát trong thời gian họ tại ngoại
Chiều 28/5, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Thái Lan cũng phê chuẩn vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc. Đây là loại vaccine thứ năm được phê duyệt tại đây.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 56,14 – 56,54 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 140.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn ở mức 400 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.894,2 USD/ounce, giảm nhẹ 4,6 USD/ounce, tương đương 0,24% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Theo cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, lô vải hàng chục tấn của tỉnh xuất sang Nhật Bản đã bán gần hết chỉ trong 1 ngày, với giá khoảng 340.000 đồng/kg. Hiện tại, giá bình quân vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang là 20.000 – 27.000 đồng/kg, có nơi bán 35.000 đồng/kg. Như vậy, giá vải thiều sang Nhật Bản đã được bày bán với giá gấp 10 lần. Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với doanh nghiệp nước này tạo kênh bán vải Bắc Giang thông qua hình thức online. Dự kiến năm nay, tỉnh Bắc Giang xuất trên 1.000 tấn vải sang Nhật. Năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 30 mã vùng trồng, tương đương 219,45 ha vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng xuất khẩu ước khoảng 1.800 tấn. Toàn bộ diện tích vải này được chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Vải thiều Bắc Giang bán tại Nhật với giá niêm yết 1.650 yên/kg (tương đương khoảng 340 ngàn đồng Việt Nam)
3/ Để ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu heo sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan kể từ ngày 30/6/2021. Đối với những lô heo sống đã được doanh nghiệp hai nước ký hợp đồng mua bán và sẽ vận chuyển về Việt Nam đến hết ngày 29/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu vào Việt Nam và sẽ chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Thú y Việt Nam, ngày 19/5, trong quá trình thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lô heo sống 980 con nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện lô lợn bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.
4/ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký Thỏa ước tín dụng trị giá 100 triệu USD nhằm mục tiêu hỗ trợ các khoản đầu tư xanh, phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, AFD cũng sẽ triển khai các hoạt động Hỗ trợ kỹ thuật (TA) cho BIDV hướng tới mô hình ngân hàng xanh, thông qua phát triển danh mục các dự án xanh, tăng cường năng lực, kinh nghiệm về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Được biết, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện cơ cấu năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng phù hợp với các mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thuộc khuôn khổ Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
5/ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang xem xét khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi plolyester kéo dãn toàn phần có xuất xứ từ Việt Nam và Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, trị giá xuất khẩu mặt hàng sợi polyester flat yarn từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỹ có xu hướng tăng rất nhanh qua từng năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt khoảng 1,69 triệu USD, năm 2019 đạt khoảng 4,65 triệu USD trước khi tăng mạnh vào năm 2020 với kim ngạch đạt khoảng 11 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục nhận những tin không vui khi nhiều thị trường tiếp tục đưa hàng hóa Việt Nam vào tầm ngắm điều tra khởi kiện chống bán phá giá hoặc chính thức khởi kiện như: Mỹ vừa khởi kiện mật ong nhập từ Việt Nam, Philippines cũng khởi xướng điều tra một số sản phẩm xi măng nhập khẩu từ Việt Nam…
6/ Trong tuyên bố mới nhất, các nhà vận hành cơ chế COVAX này, gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh Gavi, cho biết họ cần thêm 2 tỷ USD trước ngày 2/6 để nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022. Theo tuyên bố này, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới chung tay hỗ trợ, thì các mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm 2022 sẽ vẫn có thể đạt được. COVAX đã cung cấp 70 triệu liều vaccine cho 126 nước, song đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 190 triệu liều vào cuối tháng 6/2021 do số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung.
7/ Việc các gia đình siêu giàu khắp châu Á đang kéo đến trú ẩn tại Singapore trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến siêu xe đắt hàng, giá nhà hạng sang cho đến gậy đánh golf cũng tăng. Các phi vụ mua bán nhanh chóng là dấu hiệu mới nhất cho thấy tiền đang đổ đến Singapore. Khi Covid-19 tấn công Đông Nam Á và bất ổn chính trị đe dọa Hong Kong, thành phố này đã trở thành bến đỗ an toàn cho một số tài phiệt giàu có nhất khu vực và gia đình của họ. Singapore từ lâu đã trở thành điểm thu hút những người Trung Quốc, Indonesia và Malaysia giàu có. Họ thường đến mua sắm, chơi baccarat tại sòng bạc hoặc khám sức khỏe tại các phòng khám đẳng cấp thế giới. Đại dịch đã thay đổi tất cả, khiến nhiều ông trùm và gia đình của họ phải ở lại hàng tháng trời, trong một số trường hợp chủ động đến cư trú để vượt qua cơn bão.
8/ Theo khảo sát của Microsoft với 1.000 người lao động tại Singapore, gần một nửa số nhân viên cảm thấy mệt mỏi vì khối lượng công việc trực tuyến tăng lên trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, khoảng 58% trong số đó đang trong tình trạng làm việc quá tải. Được biết, chỉ số của Singapore cao hơn mức trung bình so với 31 quốc gia khác. Theo số liệu thu thập được, thời gian nhân viên tại quốc gia này dành cho các cuộc họp online đã tăng 2,5 lần. Số lượng tin nhắn sau giờ hành chính cũng tăng 42%. khối lượng công việc quá nhiều, kiệt sức, mất liên kết giữa nhà quản lý và nhân viên là những nguyên nhân dẫn đến gần 49% người được hỏi muốn rời bỏ công ty trong năm nay. Con số này cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu khoảng 8%. Microsoft nhấn mạnh chống kiệt sức với công việc trực tuyến phải là điều ưu tiên với các công ty.
Những ông bố, bà mẹ cảm thấy mệt mỏi vì vừa chăm con, vừa làm việc. Ảnh: Forbes.
9/ Theo chi phí vừa được cập nhật trên Drewry World Container Index (DWCI), chỉ số theo dõi 8 tuyến vận tải biển chính) vừa qua, chi phí vận chuyển một container từ châu Á sang châu Âu lần đầu tiên vượt mức 10.000 USD cho thấy những tổn thất của các nhà xuất và nhập khẩu phải chịu trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị kéo căng. Ở Mỹ và các nước khác, năm nay, nhiều chủ hàng đã phải trả hơn 10.000 USD mỗi container, trong đó có khoản phụ phí khổng lồ cho hãng tàu để hàng được giao đúng giờ và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. Cước vận chuyển container tăng vọt vì nhu cầu đang vượt xa nguồn cung container 20 feet và 40 feet. Đồng thời, tình trạng này cũng bị tác động thêm sau sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 khi người tiêu dùng, các doanh nghiệp đang tăng mua hàng trở lại.
Ricky Hồ- – Lê Hiếu/BSA
Bùi Tiến Tuấn và tập sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam