Bùi Tiến Tuấn và tập sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam

    Họa sỹ Bùi Tiến Tuấn
    Ngôn ngữ mở lối cho suy tư, vậy hội họa mở ra cho chúng ta những điều gì?
    Tôi gọi vẻ đẹp của “Nguyệt sáng gương trong” chính là vẻ đẹp thanh tân của phụ nữ. “Chữ trinh còn một chút này”, dù nàng Kiều có bôn ba khắp chốn, nàng vẫn giữ vẻ đẹp thanh tân trong hồn mình ở nơi mà nàng đã dấu kín. Ở góc nhìn của một người phụ nữ ngoài tứ tuần, tôi thấy viên ngọc quý ấy đã tỏa sáng trong từng bức họa của Bùi Tiến Tuấn. Cũng chính nhờ anh đã giúp cho tôi hồn tôi như mở ra để tìm thấy lại vẻ đẹp của mình, trong khoảnh khắc, với một nụ cười thanh tân lặng thầm trỗi dậy.
    Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn gọi những nàng lụa là của anh là “những cô nàng thành thị”. Nếu ta nhìn vào thành thị ngày nay, sẽ thấy không còn “thành đô lãng mạn tóc bay” ngày xưa mà là thời của công nghệ đang chiếm lĩnh cùng với vẻ thướt tha dần biến mất thay cho vẻ đẹp của các “super woman” trên màn ảnh cũng như ngoài đời. Nhưng “cô nàng thành thị” của Bùi Tiến Tuấn trải dài trên lụa, lả lơi có phần nhiều hơn, bởi cá tính hơn mà lại làm cho ta thấy nàng dịu dàng hơn cả, thật lạ lùng vì sự đối nghịch này. Và thế giới chẳng luôn đã tồn tại bởi những nghịch lý để khiến ta tò mò đó sao?
    Chỉ cần vài nét họa mà phải nín thở để phác (vì vẽ trên lụa không sửa được, nếu hư phải bỏ nguyên tấm lụa mà thay tấm khác), họa sĩ đã cho ta một “trong ngọc trắng ngà” khác của những “người con gái thành thị” ấy vẫn còn đang giữ. Những đường cong trên lụa, những sợi tơ hoa, những ngón tay thon… trong tranh Bùi Tiến Tuấn làm gợi nhớ vẻ đẹp xuân thì của các nàng thơ đột nhiên hiện lên từ ký ức mà mỗi mùa xuân tôi lại nhẩm hát trên đường: “Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng kiều Ôi, tình yêu!… Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên hai vai ai…” (Ca khúc “Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn – Từ Linh)
    Về mặt hội họa, Bùi Tiến Tuấn đã đánh dấu một cá tính rất riêng trong lịch sử tranh lụa Việt Nam, như nhận định của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng xác đáng: “Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật như Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ – mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Giờ nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài, chốn phồn hoa đô thị hào nhoáng và cám dỗ”.
    Đúng vậy, nếu xét về nghệ thuật, Nàng, với vẻ đẹp “nguyệt sáng gương trong” sẽ cám dỗ người khác ở sự khám phá bất tận thì ở trong những xúc cảm chân thật nhất của bản năng con người, nàng thật sự là một cám dỗ khiến ta run rẩy vì… xúc động. Nhưng, cũng giống như “bức họa Maya khỏa thân”, dục tính trong nghệ thuật là nâng cao giá trị cảm xúc, giúp con người hướng tới vẻ đẹp thánh thiện, khiến cho họ nâng niu và trân trọng, chứ không phải là xúc phạm bằng những ý nghĩ thô thiển, thúc đẩy dục vọng từ những ẩn ức bị dồn nén.
    Không dám lạm bàn về nghệ thuật, nhưng cũng chia sẻ đôi lời về những bức họa đã đem lại niềm xúc động sâu xa mà đã từ lâu rồi, ngay chính những người phụ nữ cũng đã quên rằng có lúc mình đã từng đẹp như vậy.
    Ra mắt sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam và cuộc trưng bày tranh khỏa thân trong sách “Nguyệt sáng gương trong” của Bùi Tiến Tuấn. Đây là trưng bày cá nhân lần thứ 11 của Bùi Tiến Tuấn, bắt đầu vào lúc 18g ngày 23.05 đến 06.06.2021 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM). Triển lãm vào cửa tự do. Giữ an toàn với Covid-19.
    Tịnh Thủy (Theo TGHN)
    Bản tin hội nhập, ngày 20/5 – 26/5/2021