World Cup 2022 – tín hiệu lạc quan mới trong trận tuyến chống Covid

Ảnh: FIFA
Tiêu điểm:

World Cup 2022 – tín hiệu lạc quan mới trong trận tuyến chống Covid

Các sân vận động World Cup 2022 chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngân sách cho cơ sở hạ tầng mà Qatar đang triển khai. Hệ thống tàu điện ngầm, sân bay được mở rộng và cả một thành phố mới. Tổng chi phí cho tất cả các dự án này khoảng 300 tỷ USD – theo Bloomberg Intelligence.
“Qatar 2022 sẽ là động lực thúc đẩy và đẩy nhanh nhiều sáng kiến mà chính phủ Qatar đã cam kết và đã lên kế hoạch, từ phát triển đô thị cho đến đa dạng hóa nền kinh tế”, theo lời ông Hassan Al Thawadi, Tổng thư ký Ủy ban chuyển giao và di sản – cơ quan đang giám sát các công trình phục vụ World Cup 2022 của quốc gia Trung Đông này.
Khoản chi khổng lồ nói trên tương đương 11% GDP của Qatar trong năm 2019. Ông Al Thawadi nói rằng con số trên được đưa ra dựa trên một nghiên cứu chiến lược và các dự báo chi tiết sẽ được đưa ra sau khi giải đấu chính thức diễn ra vào tháng 11 – tháng 12/2022. Và Qatar tin rằng họ sẽ thu được lợi nhuận đến 20 tỷ USD.
Trong năm tới, người dân Qatar và du khách quốc tế khi đã tiêm vaccine có thể đến các sân vận động ở Qatar mà không phải quá lo lắng về giãn cách hay nguy cơ nhiễm virus. Giải bóng đá vô địch thế giới vào cuối năm 2022 đang được chờ đợi như là một hồi kèn thắng trận của thế giới trước đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở nhiều nước – đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ – có thể sẽ có chuyển biến trước cuối năm 2022 khi vaccine về đến các nước nghèo.
Nhưng các kết quả này chỉ được xem là bàn thắng tạm thời dẫn trước trong khi trận chiến chống dịch vẫn đang tiếp diễn và chưa kết thúc với thắng lợi hoàn toàn. Các sự kiện thể thao toàn cầu như Tokyo Olympic 2020 bị đình hoãn và dời đến tháng 7/2021 do ảnh hưởng của Covid-19. Mức báo động 3 vẫn được duy trì tại thủ đô Tokyo và vùng phụ cận – đúng một tháng trước lễ khai mạc.
Giải bóng đá châu Âu Euro 2020 đang diễn ra với tình hình kiểm soát dịch tốt ở nhiều nước châu Âu, trừ Anh. Ngoài yếu tố bị nhiều nước phương Tây tẩy chay, Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh vẫn có thể bị các ổ dịch mới đe dọa.
Tokyo Olympic 2020 lỗ lớn ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ các doanh nghiệp tài trợ lớn nhỏ khác nhau khi bị dời đúng một năm. Tiền vé hoàn toàn là số không, các hợp đồng tài trợ bị bỏ dở dang hay hủy, các ngành liên quan đến du lịch thất thu trầm trọng. Đây là lần đầu tiên các đoàn thể thao Olympic  tranh tài mà không có có khán giả đến xem; và số lượng vận động viên và đoàn tháp tùng được giới hạn ở con số 9.000 – 10.000 người.
Giải bóng đá Euro 2020 cũng bị dời nhưng tình hình tài chính khả quan hơn khi châu Âu đã khống chế được dịch trước mùa hè và sự xuất hiện của nhiều nhà tài trợ lớn từ Trung Quốc. Riêng Thế vận hội mùa đông 2022 vẫn còn là các bài toán kinh tế chưa có lời giải.
Tại các sự kiện thể thao lớn, vận động viên, huấn luyện viên và cổ động viên dù đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đã có một huấn luyện viên của đoàn Uganda được xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 20/6 khi nhập cảnh Nhật Bản để tham gia Tokyo Olympic 2020.
Con số lợi nhuận dự báo 20 tỷ USD của World Cup 2022 là tín hiệu lạc quan lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong tình hình dịch vẫn chưa khống chế hoàn toàn. Bên cạnh đó là những điểm sáng về sự hồi phục phần nào của hàng không và du lịch. Ông Al Thawadi nói rằng ngành xây dựng và du lịch được dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Nhật Bản không cho phép người hâm mộ quốc tế tới theo dõi Tokyo Olympic sẽ diễn ra trong tháng tới. Trung Quốc chỉ cho phép nhập cảnh đối với khách đã tiêm vaccine do họ sản xuất. Chính sách nhập cảnh này có thể khiến sự kiện thể thao mùa đông sẽ bị đóng băng, vắng lặng.
Trong chuỗi diễn biến đó, Qatar đang cố gắng bứt phá ở nhiều mặt trong một sự kiện quan trọng của toàn cầu sau đại dịch. Sự kiện thể thao toàn cầu được trông đợi nhất trong năm 2022 có thể thu hút 1,5 triệu người đến Qatar.
“Chúng tôi sẽ tổ chức một giải đấu an toàn và lạc quan rằng đây sẽ là sự kiện thể thao lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát mà tất cả những ai muốn đều có thể tham dự”, ông Al Thawadi khẳng định.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,2 – 56,8 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra. Chênh lệch hai đầu trong ngày đầu tuần vẫn giữ nguyên như trong tuần trước ở mức 600.000 đồng. Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã giảm khoảng 400 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,7%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.772,9 USD/ounce, tăng 10,3 USD, tương đương 0,58% so với chốt phiên trước.
2/ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, so với cùng kỳ, xuất khẩu các nhóm sản phẩm hải sản của Việt Nam đều tăng. Theo đó, trong hải sản xuất khẩu, các mặt hàng nhuyễn thể tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm mực, bạch tuộc đạt 216 triệu USD, tăng 13%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 48 triệu USD tăng 44%. Trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản 5 tháng năm 2021, các sản phẩm cá biển chiếm 75%, cá ngừ chiếm 22%, cá các loại khác chiếm 53%. Được biết, trong khối thị trường CPTPP, Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường đơn lẻ nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng giá trị xuất khẩu hải sản khác của Việt Nam, đạt 298 triệu USD. Cũng theo Vasep, xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang Mỹ đã đạt hơn 113 triệu USD trong 3 tháng qua.
3/ Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 4,91 triệu tấn sắt thép, trị giá 3,557 tỷ USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 113,3% về trị giá so với cùng kỳ. EU, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Mexico là 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng sắt thép của Việt Nam với tốc độ tăng cao đột biến. Cụ thể, lượng xuất khẩu sắt thép Trung Quốc: 1,1 triệu tấn, tăng gấp 2 lần; sang EU là 713.000 tấn, tăng gấp 5 lần; Mexico: 293.000, tăng 2,5 lần. Trong khi đó, xuất khẩu sang Malaysia chỉ tăng nhẹ 12,8% đạt 322.000 tấn; xuất khẩu sang Campuchia giảm 1,5% đạt 584.000 tấn. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng này cũng chung đà tăng mạnh, với hơn 6 triệu tấn, trị giá 4,64 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 37,9% về trị giá so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 5/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 980.000 tấn, với trị giá là 833 triệu USD, giảm 4% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với tháng trước. Ảnh: Pháp Luật
4/ Sau Pháp, thì lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được Công ty LTP Import Export BV nhập khẩu chính ngạch sang Hà Lan với tem truy xuất nguồn gốc, được bán với giá 18 Euro/khoảng 500.000 đồng/kg. Trước đó hai ngày, sản phẩm mẫu đã được gửi đến tất cả các siêu thị Á Châu tại Hà Lan để thử và nhận được sự hưởng ứng mạnh của các chủ siêu thị. Ngay lập tức các đơn hàng vài trăm ký đến 1 tấn của mỗi siêu thị từ Hà Lan, Pháp, Đức, Na Uy đã tiếp thêm sức mạnh cho nhà nhập khẩu tiếp tục đưa quả vải tươi chính vụ của Hải Dương, Bắc Giang sang Hà Lan trong 1, 2 tuần tới bằng đường hàng không. Được biết, đây là lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Hà Lan, và từ nước này phân phối cho các nước EU lân cận.
5/ Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và chi phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt, giá phân bón tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến hết năm. Theo đó, tại Việt Nam, trong quý I/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh tăng theo quy luật thị trường thế giới. ục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng 5 lần so với năm 2020. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và phân đạm ure hầu hết được vận chuyển bằng container. Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020.
6/ Theo báo cáo quý 1/2021 thì Vietnam Airlines lỗ ròng 5.000 tỷ và đang chậm tiến độ trả khoảng trên 6.000 tỷ cho các chủ nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng vay nợ của Vietnam Airlines phải thanh toán cho các ngân hàng khoảng 15.800 tỷ đồng. Vietcombank đang được biết đến là chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng cộng 7.500 tỷ đồng với hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 4.800 tỷ đồng nợ dài hạn, chiếm 50% tổng số nợ. Tiếp đến là hai ngân hàng có lượng vốn nhà nước lớn: BIDV và Vietinbank, với tổng số tiền vay lần lượt là 2.645 tỷ đồng và 1.379 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng tư nhân như Techcombank, MB, Eximbank cũng là chủ nợ của Vietnam Airlines với số tiền khoảng 800-900 tỷ đồng. Hiện tại, chưa biết số tiền trên đã được giãn nợ hay chưa nhưng nếu không thể thanh toán thì có nguy cơ Hãng sẽ phải hầu tòa và nhận quyết định phá sản.
7/ Bitcoin có lúc đã giảm xuống dưới 33.500 USD khi Trung Quốc mạnh tay dẹp mỏ đào tiền số. Theo Coinmarketcap, đây là mức thấp nhất của Bitcoin trong một tuần gần đây. Tuy nhiên, giá đồng tiền số này đã sau đó phục hồi lên trên 34.500 USD. Một trong những yếu tố khiến thị trường đi xuống là lo ngại Trung Quốc siết chặt hoạt động của các mỏ khai thác. Thành phố Nhã An, phía tây nam Tứ Xuyên đã hứa với chính quyền tỉnh sẽ giải quyết triệt để tất cả hoạt động khai thác Bitcoin và Ether trong vòng một năm. Theo Global Times, việc Tứ Xuyên dẹp nhiều mỏ đảo đã khiến công suất khai thác Bitcoin ở Trung Quốc giảm hơn 90%. Các chính quyền khác tại Trung Quốc như Thanh Hải, Tân Cương cũng mạnh tay đóng cửa các mỏ đào.
8/ Ban giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD cho Indonesia nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, tăng cường sự chuẩn bị cho hệ thống y tế và hỗ trợ chương trình tiêm chủng miễn phí. Khoản vay này sẽ giúp Indonesia phân phối vaccine một cách hiệu quả và an toàn, tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống y tế và năng lực ứng phó trong và sau đại dịch. Được biết, ngoài việc hỗ trợ chương trình tiêm chủng miễn phí tiếp cận tất cả những người trưởng thành, khoản tài trợ này sẽ giúp hệ thống y tế của Indonesia trở nên linh hoạt hơn và củng cố hệ thống kiểm soát thông qua xét nghiệm và truy vết các ca mắc Covid-19 mới, trong đó có việc áp dụng giám sát gen đối với các biến thể mới của virus SAR-CoV-2.
WB phê duyệt khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD cho Indonesia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
9/ Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Malaysia đã ra mắt liên kết thanh toán qua mã QR xuyên biên giới nhằm cho phép người tiêu dùng và người bán hàng ở cả hai nước có thể thực hiện và nhận thanh toán qua mã QR ngay lập tức. Động thái này là bước đi đầu tiên trong việc liên kết hệ thống thanh toán bán lẻ theo thời gian thực RPP/DuitNow của Malaysia và PromptPay của Thái Lan. Người dùng tại Thái Lan hiện có thể sử dụng các ứng dụng thanh toán di động để quét mã QR DuitNow để thực hiện thanh toán cho người bán ở Malaysia. Đến giai đoạn hai, dự kiến vào quý 4/2021, đến lượt người dùng tại Malaysia có thể thanh toán cho người bán tại Thái Lan. Giai đoạn cuối cùng sẽ cho phép cả hai bên thực hiện chuyển tiền theo thời gian thực và thời gian dự kiến là vào quý 4/2022.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Những người hùng cũ tiếp tục giải cứu khoai lang tím