10 năm, con đường đi tới khởi nghiệp xanh

Bà Vũ Kim Anh - Phó giám đốc Trung tâm BSA, Chủ nhiệm Chương trình Khởi nghiệp xanh
Nhiều chuyện về khởi nghiệp để kể lắm, chắc chắn phải đến vài ngày mới hết. Và cho đến bây giờ, mình luôn nghĩ phải đếm lại xem có bao nhiêu tỉnh thành mình có những đứa con khởi nghiệp sẵn sàng dẫn mình đi chơi, thưởng thức đặc sản quê nhà. Có bao nhiêu địa phương mà khi đi đến đó mình không sợ bị lạc vì có người sẵn sàng đón về nhà ngủ nghỉ.
9 năm chuyển mình sang một ngã rẽ mới, đi hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tài nguyên bản địa ở khắp mọi miền đất nước. Không được đào tạo mà có khi còn ngược với cái được học và có bằng cấp nữa đó. Làm với tâm thế thích thì làm, mà làm thì phải tốt, làm mà không biết thì học, sai thì sửa, vậy sẽ hết ngu thôi. Vậy đó, giờ hành trình tôi chọn đi đã được 10 năm, trong đó mình đã có đúng 9 năm chẵn gắn bó.
Ở khúc sông có nhiều dòng chảy
Đúng là bản tính luôn ham vui, cũng luôn thích làm công việc xã hội. Mà cũng đúng thôi, tôi đi làm từ 1975 đến lúc hưu là đã có hơn 35 năm chuyên công tác xã hội rồi cho nên khi nghe gợi ý “nghỉ ở nhà chi, buồn lắm giờ tiếp tục đi làm hả, rồi làm chương trình khởi nghiệp nha”, thú thiệt lúc đó nghe hai chữ khởi nghiệp nông nghiệp cũng chẳng có ấn tượng gì, vì vốn dĩ mình chỉ là “nông dân cày đường nhựa”. Lúc nghe chỉ nghĩ việc này vui vui, chắc sẽ về nông thôn nhiều, sẽ biết được nhiều người, thích là nhích thôi.
Giờ đúng 9 năm rồi gắn với việc này, biết được nhiều người, gặp gỡ biết bao nhiêu bạn trẻ nhiều tâm huyết, tôi nghiệm lại câu nói của chị bạn có lẽ đúng. Mình đã chọn ở khúc sông có nhiều dòng chảy rồi mình thả trôi và vui buồn cùng nó.
Hành trình đâu phải chỉ mình mình đi mà lo, vì quanh mình còn có đồng đội luôn đồng hành, chia sẻ công việc với nhau; tạo nên một tập thể làm hết việc chứ không hết giờ. Thế là với các mục tiêu định hướng, hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ hoạt động theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế dành cho sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại; tập hợp những bạn trẻ quan tâm kinh doanh, những DN vừa và nhỏ, xây dựng thành DN khởi nghiệp kinh doanh thành công; tạo việc làm cho người lao động, những bạn trẻ khởi nghiệp làm giàu chính đáng bằng chính nguồn nông sản, tài nguyên bản địa, sản phẩm tại quê hương, cải thiện sinh kế, góp phần xây dựng kinh tế địa phương, nâng cao đời sống gia đình; tạo môi trường kết nối các bạn trẻ cùng nhau trao đổi định hướng khởi nghiệp, kinh nghiệm lập nghiệp, chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, sản xuất…
Vậy là xây dựng kế hoạch hoạt động, tìm đến những DN anh cả trong Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế để mời cùng đồng hành tham gia, góp ý và tổ chức chương trình giúp các bạn trẻ làm nông nghiệp. Có thể kể, như: Chú Phạm Phú Ngọc Trai, người sáng lập và Chủ tịch GIBC, nhiều năm liền là Chủ tịch CLB DN dẫn đầu LBC, người luôn động viên các thế hệ sau làm tốt, trao những giải thưởng phát triển nông nghiệp bền vững. Anh Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Giám đốc Vinamit, vừa hỗ trợ kinh phí, vừa dạy các bạn cách kinh doanh, làm sản phẩm sao tốt cho sức khỏe vì sự sống… Rồi những thầy cô, như: Cô Đàm Sao Mai – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thầy Phan Văn Minh, Nguyễn Phi Vân; Trần Anh Tuấn, Huỳnh Phước Nghĩa, Ngô Đình Dũng, Nguyễn Duy Long, Hoàng Sơn Công, Vũ Trung Hòa, Trần Trí Dũng, Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phan Bửu Toàn, Dương Đức Minh… Họ luôn dạy các bạn trẻ những điều cần thiết sao cho kinh doanh thành công, biết vững vàng khi thất bại, biết kết nối nguồn lực bản thân, cộng đồng, biết làm mới bản thân để phát triển bền vững…
Tôi nhớ có người bạn nói với mình là “cuộc đời như một con sông, có khúc thẳng, khúc quanh khúc quẹo. Chị cũng như con sông đó và chị đã thấy đoạn giao hòa giữa các dòng nước để được cùng trôi, được trải nghiệm sự hòa lẫn vào nhau của dòng nước và chị đã chọn ngã ba sông. Đó là khúc vui nhất của con sông để đứng và vì vậy chị luôn vui”!
Rồi đó là việc tìm, phát hiện và tập hợp những bạn trẻ yêu đặc sản quê nhà, họ muốn gắn bó và suy nghĩ làm sao phải thổi hồn vào tài nguyên bản địa đó, làm cho nó có sự sống.  Có thực mới vực được đạo, hướng các bạn đến việc kinh doanh, rồi hình thành những DN vừa và nhỏ, thành DN khởi nghiệp kinh doanh bằng chính nguồn nông sản, tài nguyên bản địa, sản phẩm tại quê hương, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống gia đình. Công việc ngày càng nhiều, nào là tạo môi trường kết nối các bạn trẻ cùng nhau trao đổi chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, sản xuất; bắt tay làm với những nội dung: Tổ chức các khóa huấn luyện – đào tạo, hội thảo, diễn đàn – giao lưu; tổ chức ngày hội khởi nghiệp; xúc tiến thị trường (trong và ngoài nước); thi dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện chương trình Ươm tạo DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng trưởng bền vững… Những chuyện mà khi còn đi làm thì trong đầu không hề biết tới.
Đếm sao hết những con số
Hành trình 10 năm nhìn lại chuyển mình từ nông nghiệp chung sang Nông nghiệp xanh, tôi đã cùng đồng đội tổ chức được 407 lớp huấn luyện (từ 1 đến 4 ngày) tại 205 lượt địa phương với gần 30.000 lượt học viên tham dự. Đã tổ chức được 46 diễn đàn – hội thảo tại 35 lượt địa phương có 8.658 lượt người tham dự. Mục đích để các DN kết nối, hợp tác với nhau, hỗ trợ và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm phát huy nguồn lực. Chương trình Khởi nghiệp xanh đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, Startup tour tới Study tour (từ 2 đến 7 ngày) học hỏi giao lưu với các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong ngoài nước. Chúng tôi cũng đã tổ chức 19 đợt trong nước với 780 lượt DN khởi nghiệp; 6 đợt đi học tập giao lưu nước ngoài với 181 lượt DN được tham quan. Tại các Startup tour đều có các chuyên gia đi cùng để hướng dẫn, chia sẻ thêm kinh nghiệm cho DN khởi nghiệp.
Suy nghĩ sống còn của DN là bán được sản phẩm, có con số thì DN mới sống được, vậy là làm luôn chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước ngay từ năm 2015. Vui nhất là lúc làm Phiên chợ Xanh -Tửtế,nơimàTrungtâmBSAlậprađểcóchỗchocác bạn đem sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm của các ông bà nông dân, làng nghề ra trình làng với dân thành phố và dân cả nước. Cá nhân tôi được giao làm chủ chợ, lụi hụi đến giờ đã 7 năm, đã làm được hơn 316 phiên chợ với 11.220 lượt DN khởi nghiệp tham gia.
Trong các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, từ năm 2015 nhóm DN khởi nghiệp đã được ưu ái có không gian khởi nghiệp riêng, 25 đợt với 600 lượt DN tham gia. Gan hơn là từ 2017 mỗi năm chúng tôi còn dám dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp đi giao lưu với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp ở nước ngoài, tham gia các kỳ hội chợ thương mại quốc tế. BSA đã tổ chức 11 đợt với 166 lượt DN tham gia các hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ, Sial Thượng Hải, Thaifex, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, v.v..
Cuộc thi từ ý tưởng đến dự án khởi nghiệp xanh
BSA tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp với những chủ đề đơn giản khởi đầu, như cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp nông nghiệp – từ tài nguyên bản địa, rồi Phát triển bền vững đến đổi mới sáng tạo, và đến năm thứ 10 – 2023 thì là Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh.
Tổ chức lần thứ nhất vào 2015, cho đến giờ đã 9 lần thi, liên tục, năm sau đông hơn năm trước, quy tụ được số lượng địa phương tham gia ngày càng nhiều. Có nhiều dự án tham gia cuộc thi là của các bạn trẻ thuộc các dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Hoa, H’Mông, Thái, Cờ Lao, Thổ, Ê Đê, Chăm, S’Tiêng, Mường… Đã có 1.170 dự án của 254 lượt tỉnh thành, với 1.598 lượt người tham gia các cuộc thi. Chương trình khởi nghiệp của Trung tâm BSA đã đoạt giải nhì khi tham gia cuộc thi giới thiệu Dự án khởi nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Mekong do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức vào tháng 5.2015 tại Việt Nam.
Hơn 100.000 cuốn sách trong bộ “Những cuốn sách đổi đời” của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, hàng ngàn sản phẩm của Công ty Vinamit, của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Lợi Lợi Dân, Công ty Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Công ty Qui Phúc, Công ty Gốm sứ Minh Long, Công ty May An Phước… luôn hỗ trợ, góp sức nhiệt tình để duy trì Chương trình Khởi nghiệp xanh. Các sản phẩm đã được trao, phát, tặng đến tận tay thanh niên, sinh viên trong cả nước.
Con số đã làm đủ nói lên được tinh thần hết lòng vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, vì nền nông nghiệp xanh của tất cả những doanh nông trẻ khắp mọi miền đất nước.
Những chiến binh xanh
Đi nhiều, làm nhiều và luôn nhớ những con người, những sự kiện lần đầu tiên làm như nhớ chàng trai nông dân đen nhẻm với cái tên Dương Angola ở Ninh Thuận, quán quân cuộc thi năm 2015. Dương sống là hy vọng và khát khao, được tự tay ươm mầm xanh của những cây giống nho xanh và theo dõi chúng lớn lên từng chút một.
Nhớ cô Bí thư đoàn xã Trạm Hành (TP. Đà Lạt) giải khuyến khích cuộc thi năm 2015, với trái hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản. Giờ cô đã là Phó chủ tịch xã, là người khơi niềm cảm hứng cho những người dân vùng Trạm Hành sống bằng trồng và treo hồng, tạo và kết nối thành những điểm tham quan du lịch, và cô ấy dùng một từ rất hay: “Xuất khẩu tại chỗ”.
Nhớ Nguyễn Văn Chung ở Hà Nội, chàng trai khuyết tật mất hai chân, nhưng luôn là nguồn cảm hứng mỗi khi ai nhắc đến. Chung luôn lạc quan, hay giúp đỡ mọi người, luôn có tinh thần cầu tiến, trong chuyên môn bơi lội giành nhiều huy chương. Anh cũng miệt mài nghiên cứu và làm ra những bánh xà phòng từ thảo dược, tốt cho sức khỏe.
Gần đây nhất trong các kỳ hội chợ tết, hội chợ quốc tế, tôi thấy các doanh nông trẻ đã “lớn” biết chừng nào! Họ tiếp khách trong nước thì tận tình chia sẻ, lắng nghe góp ý, tiếp khách trong môi trường quốc tế thì đĩnh đạc, lưu loát.
Nhớ cô giáo Ngô Song Đào ở Bến Tre, giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp năm 2017. Ngoài chuyện là giáo viên luyện “gà” đi thi cấp quốc gia, cô còn khởi nghiệp thêm nghề tay trái làm nhang sinh học và có cả bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.
Ở Đồng Tháp, là vùng đất luôn để lại ấn tượng với tôi. Tỉnh này thường có những chính sách, hỗ trợ và cả những bạn trẻ khởi nghiệp rất tốt từ tài nguyên bản địa của quê nhà, như Phạm Chí Công, thạc sĩ sinh học, giải ba cuộc thi khởi nghiệp năm 2016 với sản phẩm từ sen. Anh đã mở được đại lý phân phối sản phẩm tại Pháp và hiện đang làm Chủ tịch Hội ngành sen của quê nhà. Đoàn Ngọc Minh Thùy là cô gái mà tôi tin là duy nhất ở Việt Nam đang sở hữu bộ tinh dầu gia vị với hơn 150 loại. Các Thủy (Sandy Nguyễn) giải nhì cuộc thi khởi nghiệp năm 2018 với bánh chuối phồng Tư Bông Đồng Tháp, luôn bộc trực, thẳng thắn và thông minh, hết lòng chăm chút cho nhà xưởng của mình vì nơi đó có quê hương, gia đình và có miếng cơm manh áo của nhiều gia đình làng quê. Với Các Thủy, có lẽ cũng là DN trẻ có sản phẩm “chễm chệ” trên các kệ hàng tại các sân bay sớm nhất và bình yên nhất với thương hiệu của mình.
Với Nguyễn Ngọc Hương, giải nhất cuộc thi khởi nghiệp 2019, cô gái bé nhỏ có 2 núm đồng tiền, nhìn dịu dàng nhưng hết sức vũng vàng, mãnh liệt. Cô đã làm ra rất nhiều sản phẩm bột rau các loại, đạt tiêu chuẩn Ocop 4*, sẵn sàng kết nối giúp các DN cùng đi hội chợ, xuất khẩu sản phẩm ra nhiều thị trường quốc tế.
Nhớ những bạn trẻ ở vùng cao, vùng xa như Linh Phi, cô gái dân tộc Thổ, ở Thanh Hóa, giải đặc biệt về phát triển nông nghiệp bền vững năm 2020. Vừa xinh đẹp, mảnh mai, nhỏ bé nhưng luôn có tinh thần thép xây dựng nên một “cơ nghiệp” Vườn rừng Bản Thổ, bền bỉ phát triển trang trại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn môi trường xanh bền vững. Còn anh chàng mập mạp Dương Hữu Điện ở Bắc Sơn – Lạng Sơn, là người nổi tiếng với việc thi khởi nghiệp nhiều lần, nhưng chỉ để được nghe Ban giám khảo góp ý rồi lại về làm thôi. Ở cái vùng quê 100% dân tộc Tày, hiện nay có một chàng trai đã có học vấn trở về quê và tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo từ cây mắc mật. Năm 2022, sản phẩm khô heo mắc mật của anh từng là một trong những món hàng được ưa chuộng nhất trong giỏ quà Tết. Khi Điện đem sản phẩm về nhà và nói với ba và gia đình về kế hoạch làm thử các món, ai cũng cản trở vì trong quê, từ xưa đến nay, không ai lấy mắc mật làm gì khác ngoài việc dùng làm gia vị quay vịt, heo thôi. Tuy nhiên, Điện quyết tâm thử sức và tỏ ra tự tin”đúng là có học có khác Cô ạ”. Kết quả là sản phẩm của anh nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và được các đại lý ở nhiều địa phương săn đón.
Trong đó có những chiến binh mê mải với những sản phẩm từ mật hoa dừa như Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sokfarm, nông trại Hạnh Phúc ở Trà Vinh, giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2020. Nhiều sản phẩm của anh đạt OCOP 5*, và anh đã tiếp tục được chứng nhận hữu cơ quốc tế từ USDA, EU, JAS, và cũng là năm đầu tiên được cấp thêm chứng nhận CANADA ORGANIC. Hiện anh đang phát triển thêm sản phẩm Nước tương hoa dừa xuất khẩu đi nhiều nước.
Rồi Phạm Minh Tiến, giải nhì cuộc thi khởi nghiệp năm 2019 với những sản phẩm từ mật dừa nước trong vùng dự trữ sinh quyển thế giới ở Cần Giờ, TP.HCM. Nhiều sản phẩm của anh đạt Ocop 4* và anh đã phát triển thêm nhiều nhà phân phối tâm huyết với sản phẩm bản địa.
Gần đây nhất trong các kỳ Hội chợ Tết, Hội chợ quốc tế nông sản thực phẩm lớn nhất (Thaifex Anuga Asean 2023) được tổ chức định kỳ ở Thái Lan, tôi thấy được các doanh nông trẻ đã “lớn” biết chừng nào! Họ tiếp khách trong nước thì tận tình chia sẻ, lắng nghe góp ý, tiếp khách trong môi trường quốc tế thì đỉnh đạc, lưu loát, như Dương Văn Long của Gia vị Trí Kiên TP.HCM chuyên các sản phẩm nước xốt, Lê Minh Cương – ông chủ trẻ của Tương ớt Spice Thanh Hóa, Lương Việt Chương của Sen Đất Phú với nhóm bạn trẻ đã “phù thủy” làm cho bao bì sản phẩm hết sức tinh tế, đẹp mắt như nghệ thuật mà chất lượng thì khỏi chê!
Bà chủ Đoàn Hồng Thắm của Dược Trà Hegie ở Cần Thơ… Các bạn giới thiệu và kết nối khách hàng, nhà mua hàng một cách tự tin là sẽ thành công. Và đúng là thành công thật, vì sau khi về nước là có DN trẻ đã có đơn đặt hàng của nhà mua quốc tế khi được kết nối làm việc từ các kỳ hội chợ đó.
Chứng nhân lễ hội 60 ngày
Riêng trong Lễ hội đặc sản bản địa ở VinWonders Nha Trang, cái lễ hội mà cho đến giờ chắc chắn là Lễ hội có thời gian hoạt động dài nhất Việt Nam với 60 ngày ròng rã. Không chỉ dài về thời gian mà còn là một cuộc hành trình chuyển mình của những doanh nông trẻ. Ứng biến xử lý tình huống nhanh vô cùng để chuyển biến từ nản chí vì chưa định hình được đối tượng khách hàng không có nhu cầu mua sắm đến ngồi bàn kết hợp sản phẩm thành những combo bán chung. Đến chiều tối nào cũng vui, cũng nô nức kéo nhau đi bán dạo làm tăng những con số. Một lớp doanh nông trẻ đã biết thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Nhớ, chiến binh Vũ Minh Ngọc – Giấm Cô Tâm ở Nam Định, kiến trúc sư Phạm Xuân Thành làm nên thương hiệu Con tôm rừng Cà Mau, bà chủ Hồng Hà của Khánh Hà Food với những đơn hàng xuất khẩu bạc tỷ… đứng tỉ mỉ chiên chả giò, trộn bún… bán lẻ cho khách. Nhìn cô Dược sĩ Đoàn Hồng Thắm Cần Thơ đi kết nối tìm nhà cung cấp cho mình và cho cả DN bạn khác, rồi chăm chút hướng dẫn khách hàng làm từng chai dầu gió vì theo Thắm “tự chăm sóc bản thân mình là tốt nhất”. Nói thêm, Thắm chính là người sáng chế ra viên kẹo ngậm Eugica mà trong mùa dịch Covid 19 hút hàng. Mới đây cô đã phải vượt qua nỗi đau và khó khăn nhất khi cả kho hàng, máy móc bị thiêu rụi. Giờ cô ấy đang làm lại từ từ chậm mà chắc.
Ban đầu, tôi lặng lẽ đi theo xem các bạn tự vượt khó kéo nhau cùng vượt khó. Cảm xúc tôi rất khó tả. Thương đến muốn rớt nước mắt vì không nghĩ những ông chủ, bà chủ đi bán từng ly nước, gói bánh tìm từng đồng doanh thu!
Ban đầu, tôi lặng lẽ đi theo xem các bạn tự vượt khó kéo nhau cùng vượt khó. Cảm xúc tôi rất khó tả, vừa thương đến muốn rớt nước mắt vì không nghĩ những ông chủ, bà chủ đi bán từng ly nước, gói bánh tìm từng đồng doanh thu. Nhưng cũng chính các bạn đã động viên tôi rằng, “chuyến đi này đã mở ra một tương lai cho hình thức kinh doanh mới mà chủ doanh nghiệp cần phải rèn luyện và tụi con sẽ chiến thắng”. Đúng vậy sau 2 tháng, rồi giờ thêm 2 tháng nữa để các bạn tiếp tục trải nghiệm những cách làm mới để thích ứng với mọi loại nhu cầu của khách hàng và để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ biết được nhiều bạn trẻ của đồng bào dân tộc ít người trên mọi miền đất nước đến như vậy. Có những dân tộc tôi cũng chỉ mới nghe lần đầu như Sán Chỉ, Cờ Lao, Churu, K’ho, Thổ… Những cô gái, chàng trai người dân tộc thiểu số ngày đêm đau đáu với ước mơ khôi phục văn hóa quê nhà như Má A Nủ làm tinh dầu và ước mơ khôi phục văn hóa Mông tại quê nhà Sa Pa. Nghệ nhân làng nghề truyền thống Sầm Thị Tình, cô gái người Thái với khung cửi nhỏ đã cần mẫn đi khắp mọi miền đất nước để giới thiệu và dạy cho mọi người biết cách dệt vải có hoa văn của người Thái, biết nhuộm màu tự nhiên. Đến nhà Tình nhìn những giấy chứng nhận là nghệ nhân của Làng nghề dệt Hoa Tiến truyền thống ở Nghệ An mới thấy nể hơn. Người mẹ trẻ dáng nhỏ nhắn mà địu con đi khắp mọi miền đất nước chỉ để thực hiện ước mơ. Đặng Thị Hằng, cô gái người Dao xinh đẹp ở vùng Bắc Sơn – Lạng Sơn, đã đem những bộ đồ dân tộc với các hoa văn rất đẹp về chốn đô hội. Ngày ngày cần mẫn lội rừng, lội suối cùng với bà con vùng Bắc Sơn nhằm chuyển tải đặc sản núi rừng về cho dân TP. Hà Nội được trải nghiệm. Như Lưu Thị Hòa, cô gái người Cờ Lao lần đầu gặp đâu biết đó là Hoa khôi Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Hòa rất nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng “lỳ” và kiên nhẫn, xây dựng nhiều cửa hàng Về Bản để giới thiệu đặc sản quê hương. Sùng Y Xía ở Hòa Bình, Thào Sung ở Sa Pa, Lào Cai tổ chức dạy cho các chị phụ nữ ở quê nhà thêu, dệt, nhuộm, vẽ sáp ong cũng chỉ nhằm giúp chị em có thêm kinh tế phụ gia đình, lại còn giữ được nghề truyền thống quê nhà. Những Giàng A Dạy, La Văn Quý, Vừ Pát Ly ở Sơn La, Vi Thùy Dương, Lý Thị Quyên, Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Bắc Cạn; Lý Tà Giàng, Lý Tà Dèn, Hoàng Thị Hảo ở Hà Giang v.v… càng biết càng phục các bạn trẻ với những ước mơ và việc làm đáng cho mình phải học hỏi.
Nhớ những ngày cả nước đóng cửa, cách ly vì dịch Covid-19, thì các bạn doanh nông của tôi đã ùn ùn gửi sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, nâng cao sức đề kháng… về cho TP.HCM – nơi hứng chịu cơn đại dịch nặng nề nhất nước. Những gói lá thuốc ngâm chân, xông người của Lý Thị Quyên, cô gái dân tộc Dao ở Bắc Kạn. Những chai nước trầu không để súc miệng của cô giáo Thanh Thùy ở Thanh Hóa. Những thùng mật ong hoa bạc hà ở Mèo Vạc của cô gái Lưu Thị Hòa, người Cờ Lao ở Hà Giang… Đến những gói bột rau má của Nguyễn Ngọc Hương, TP.HCM đã ngày đêm sản xuất đóng gói theo quy cách tiện dụng. Rồi dầu gội đầu bồ kết An Nhiên, bột – bánh Chùm Ngây, Mật dừa nước, Trà nấm Linh Chi, Ca cao, cà phê… của các bạn trẻ như tiếp thêm sức mạnh cho những người đang căng mình chống dịch.
Đồng thời, tại một số địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, thì các bạn trẻ như Phạm Chí Công, Minh Thùy, Các Thủy, Nguyễn Thanh Việt… đã ngừng kinh doanh sản phẩm của chính đơn vị mình để cùng nhau thành lập nhóm, dùng các mạng xã hội tiêu thụ, bán nông sản cho bà con nông dân quê nhà. Hàng chục tấn hàng nông sản đã được tiêu thụ từ những bạn trẻ khởi nghiệp đầy nhiệt huyết. Riêng Võ Văn Phong Bến Tre, giải nhất cuộc thi khởi nghiệp 2018 với kinh nghiệm chuyên làm du lịch gắn với tài nguyên bản địa, trải nghiệm cuộc sống, đã có bước chuyển mình cực nhanh khi cả nước bị dịch Covid thì đã suy nghĩ ra các chương trình kết nối, hướng dẫn dân nuôi thủy sản, rồi đi giao bán tận nhà, vừa hết dịch thì tiếp tục phát triển các loại hình kinh doanh mới gắn với việc khôi phục các mô hình tham quan truyền thống, dân gian.
Nhiều chuyện về khởi nghiệp để kể lắm, chắc chắn phải đến vài ngày mới hết; và cho đến bây giờ mình luôn nghĩ phải đếm lại xem có bao nhiêu tỉnh thành mình có những đứa con khởi nghiệp sẵn sàng dẫn mình đi chơi, thưởng thức đặc sản quê nhà, giới thiệu sản phẩm mới; Có bao nhiêu địa phương mà khi đi đến đó mình không sợ bị lạc vì có người sẵn sàng đón về nhà ngủ nghỉ. Chắc là nhiều lắm như vậy, để trả lời cho lời nhắn nhủ, là chú ý khi tham gia vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì 95% DN khởi nghiệp là thất bại, không biết ở lĩnh vực nào chứ tôi thấy hành trình của mình cũng có khoảng hơn 70% các em thành công, chỉ có quy mô lớn nhỏ khác nhau mà thôi. Đó cũng chính là niềm vui của người đã lựa chọn khúc quanh vui nhất của con sông để vui sống, vậy hén.
Vũ Kim Anh – Phó giám đốc Trung tâm BSA, Chủ nhiệm Chương trình Khởi nghiệp xanh
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)