1. Giá lương thực tăng cao đè nặng người dân châu Âu
Tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các dữ liệu thống kê sơ bộ mới công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 vẫn được duy trì ở mức cao, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù áp lực từ chi phí năng lượng đã phần nào giảm bớt trong thời gian qua nhờ thời tiết mùa Đông ấm hơn thường lệ nhưng lạm phát vẫn chưa thể hạ nhiệt như kỳ vọng, khi giá lương thực thực phẩm liên tục tăng mạnh, gây sức ép lớn lên người tiêu dùng. Theo Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), giá lương thực và đồ uống trong tháng 2 tại Eurozone đã đạt mức tăng kỷ lục 15% – cao hơn đáng kể so với mức 14,1% của tháng 1. Đây là lần đầu tiên sau hai năm giá lương thực tăng cao hơn chi phí năng lượng.
Cá biệt, tại Hungary, người tiêu dùng đã phải chịu sức ép lớn khi giá lương thực trong tháng 1 tăng tới 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp đôi mức trung bình của châu Âu. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nền kinh tế lớn như Đức, Tây Ban Nha, Italy hay Pháp, khi tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao, với động lực chính đến từ giá lương thực. Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) đã phải lên tiếng cảnh báo, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài, đè nặng lên các hộ gia đình.
Giá thịt lợn hơi trong nước đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Xu hướng giảm kéo dài từ trước Tết Nguyên đán cho tới nay và chưa dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, giá thịt lợn hơi hôm nay (3/3) tại khu vực phía Bắc, dao động trong khoảng 48.000 – 49.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi ở mức khoảng 47.000 – 52.000 đồng/kg. Còn tại phía Nam, giá dao động trong khoảng 50.000 – 53.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thịt lợn giảm do nguồn cung tăng dồi dào. Ngoài ra, cũng theo các tiểu thương, sau Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ của người tiêu dùng yếu hơn cũng khiến giá thịt lợn duy trì giảm.
3. Thêm một công ty đưa sữa Đan Mạch gia nhập thị trường Việt
Ngày 6-3, Công ty cổ phần DanMilko Việt Nam đã cắt băng khánh thành trụ sở công ty tại địa chỉ 74 Nguyễn Đình Chiểu, chính thức gia nhập vào thị trường sữa Việt Nam. DanMilko sẽ mang về Việt Nam những sản phẩm dinh dưỡng được sản xuất tại Đan Mạch theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vô cùng khắt khe của chính phủ nước này với công thức đặc biệt do đội ngũ chuyên gia nghiên cứu phù hợp với thể trạng của người Việt. Trước mắt, công ty sẽ có 5 dòng sản phẩm cho trẻ từ sơ sinh tới người lớn tuổi và phụ nữ mang thai. Đây là những sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu siêu sạch và bền vững hàng đầu thế giới.
DanMilko Việt Nam là công ty con của DanMilko A/S Đan Mạch, được thành lập bởi doanh nhân Việt kiều Phan Kế Đạt cùng một số cổ đông có kinh nghiệm kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. DanMilko A/S Đan Mạch là thành viên của Phan Groups có trụ sở chính đặt tại tại Risskov, ngoại ô Aarhus, Đan Mạch cũng do doanh nhân Phan Kế Đạt sáng lập, sở hữu nhiều công ty con trong đó có DP Ventilation A/S là công ty lớn top 3 so với các công ty cùng ngành.
4. Vinamilk và Sojitz Nhật Bản khởi công tổ hợp chăn nuôi – chế biến thịt bò
Ngày 8/3, Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam Vilico (công ty thành viên của Vinamilk) hợp tác cùng Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản chính thức khởi công Tổ hợp Chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef với tổng quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng. Theo đó, dự án tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được triển khai trên tổng diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tổ hợp gồm 2 phân khu chính gồm Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Quy mô hợp tác về vốn đầu tư giữa Vinamilk – thông qua công ty thành viên là Vilico với tập đoàn Sojitz xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng cho cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.
Một điểm đáng chú ý về Vinabeef Tam Đảo là dự án được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình 4-trong-1 khép kín: Chăn nuôi – Sản xuất – Chế biến – Phân phối. Qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm nổi bật là thịt bò mát đảm bảo tươi, ngon, bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe đến người tiêu dùng Việt Nam. Với nhà máy có công suất sản xuất 10.000 tấn thịt/năm (tương đương 30.000 con/năm), sản phẩm thịt bò mát của Vinabeef được chế biến hoàn toàn sạch trên dây chuyền hiện đại, khép kín, tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo sự tươi ngon và dinh dưỡng cao nhất cho sản phẩm. Từ đây quá trình phân phối sẽ tiếp tục được kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng lạnh, có khả năng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của từng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
5. Thị trường men vi sinh Việt Nam thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc
Tính đến năm 2021, lượng nhập khẩu các sản phẩm men vi sinh của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 16% trong 5 năm. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước như Mỹ (31%), Singapore (22%) và Malaysia (5%), ba nước chiếm 58% tổng lượng nhập khẩu vào năm 2021.
Gần đây, các công ty Hàn Quốc đang tích cực triển khai các hoạt động tiếp thị các sản phẩm men vi sinh chẳng hạn như tung ra các sản phẩm nhắm đến nhiều lứa tuổi và giới tính cụ thể, dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc theo độ tuổi. Lượng nhập khẩu các sản phẩm men vi sinh từ Hàn Quốc năm 2021 đạt khoảng 41 triệu USD, đưa Hàn Quốc từ vị trí nhà cung cấp đứng thứ 8 năm 2017 lên vị trí thứ 4 năm 2021. Trong giai đoạn này, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc cho thấy sự xu hướng tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 23%.
Nhiều sản phẩm của các công ty Hàn Quốc được phân phối tại Việt Nam, bao gồm ‘Vitamin PLUS’ của Ildong Foodis, ‘Duolac Baby Probiotics’ của Cell Biotech và ‘Daily Probiotics’ của Mediogen. Các sản phẩm của Hàn Quốc, giống như các thương hiệu nhập khẩu khác, được định vị là “hàng cao cấp” với mức giá bán giá tương đối cao so với các sản phẩm của Việt Nam. Việc phân phối các sản phẩm men vi sinh tại Việt Nam phần lớn được chia thành kênh trực tiếp và kênh trực tuyến, tuy nhiên kênh bán hàng trực tiếp chiếm áp đảo với 86,9% tổng doanh số bán hàng. Trong đó, tỷ lệ mua sản phẩm men vi sinh qua nhà thuốc, tư vấn trực tiếp với dược sỹ là cao nhất với 53,9%.
6. Ajinomoto mang ngân hàng món ăn cân bằng dinh dưỡng đến bà mẹ và trẻ em tại Trà Vinh
Nhằm lan tỏa Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đến bà mẹ và người chăm sóc trẻ nhỏ toàn quốc, Ajinomoto Việt Nam liên tiếp tổ chức các hội nghị triển khai phần mềm tại các tỉnh thành. Hướng đến các nhóm đối tượng cần được đặc biệt đảm bảo dinh dưỡng, phần mềm là thành quả của quá trình nghiên cứu bài bản và kỹ lưỡng về thói quen ẩm thực, tiêu chuẩn dinh dưỡng, dữ liệu dinh dưỡng của các thực phẩm phổ biến. Dựa trên những dữ liệu khoa học, Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp với Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em – Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát triển thực đơn, tính toán dinh dưỡng, hướng dẫn chế biến, thực nghiệm thực đơn và hoàn thiện phần mềm. Phần mềm mang đến nhiều chức năng hữu ích cho người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi.
Phần mềm cho thấy nỗ lực đóng góp của Ajinomoto Việt Nam vào “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn năm 2021 – năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh phần mềm, đơn vị này còn phát triển thêm nhiều nội dung chăm sóc sức khỏe khác như công cụ theo dõi tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, công cụ kiểm tra chế độ dinh dưỡng hiện tại, cùng một số nội dung tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng khác.
7. Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia không độ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi các Bộ Ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Theo đó, Bộ đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với 1 số sản phẩm, dịch vụ được xem là không có lợi cho sức khỏe như bia không độ, nước ngọt có đường, game online… Tuy nhiên, việc áp thuế đối với các sản phẩm này đang được các bên liên quan đưa ra các ý kiến khác nhau. Một trong những sản phẩm được các bên quan tâm đó là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm là bia không độ. Theo đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, cần phải có sự tính toán cụ thể bởi đây đang là sản phẩm được khuyến khích sản xuất tại luật phòng chống tác hại rượu bia với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp cũng rất tích cực và đã đưa ra các sản phẩm mới tương tự bia nhưng không có cồn. Ngay cả các nước đạo hồi người ta cũng rất khuyến khích để sử dụng và những loại đó là người ta không đánh thuế hoặc đánh thuế tương tự như những loại nước giải khát không có cồn”. Đại diện Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, nhưng cần phải có sự thảo luận, phối hợp giữa bên liên quan để đưa ra mức thuế phù hợp với từng sản phẩm.
1. ‘Quốc gia hạnh phúc’ Bhutan đặt mục tiêu lớn về du lịch
Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, Bhutan cũng chịu chung tình cảnh như nhiều nước khác là số lượng du khách quốc tế giảm mạnh. Năm 2019, Bhutan đã đón được 315.599 lượt khách trong khi 3 tháng cuối năm 2022 (sau khi Bhutan mở cửa với du khách quốc tế), nước này chỉ đón được 16.520 lượt khách.
Theo trang Kuenselonline, Bộ Du lịch Bhutan (DOT) đã đưa ra một chiến lược quảng bá mới để thúc đẩy hình ảnh Bhutan ở nước ngoài. Các nội dung của chiến lược này bao gồm nâng cao nhận thức về Bhutan trên phương tiện truyền thông; kết nối với các đại lý du lịch quốc tế; tham gia các hội thảo, sự kiện của ngành du lịch và thương mại; triển khai các chiến dịch tiếp thị và quảng bá kỹ thuật số; thúc đẩy sự tham gia của ngành công nghiệp du lịch trong nước; nâng tầm ảnh hưởng tại các thị trường hiện tại và phát triển thị trường mới. Các quan chức của DOT nói rằng phương tiện truyền thông xã hội cũng là một phần trong chiến lược và họ đã mời một số người có ảnh hưởng lớn từ Thái Lan, Indonesia và Vương quốc Anh đến Bhutan.
Một khía cạnh lớn thứ hai của chiến lược này là kết nối với các đại lý du lịch quốc tế và các nhà điều hành tour du lịch. DOT cũng đang nỗ lực làm việc với ngành du lịch trong nước để hiểu thêm về mục tiêu, sự quan tâm của các công ty nội địa. Theo một quan chức du lịch Bhutan, họ đã gặp gỡ đại diện từ 40 khách sạn trên cả nước để xem cơ quan du lịch Bhutan có thể tìm ra cách nào giúp hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động quảng bá và gia tăng doanh thu, cũng như đưa ra đề xuất cho các khách sạn này.
1. Nơi người trẻ cùng trồng cây tạo không gian xanh giữa lòng thành phố
Có thể đưa thiên nhiên xanh tốt vào cuộc sống của cư dân thành phố sầm uất không? Đó là câu hỏi mà Lee Ga-Young – CEO của Gardening Seoul Club, đã nghĩ đến, khi cô thành lập một công ty khởi nghiệp về cảnh quan xanh. Sau khi ra mắt vào năm 2019, công ty của Lee đã cung cấp một loạt các dịch vụ xanh, bao gồm lập kế hoạch cảnh quan, thiết kế, xây dựng thương hiệu và tư vấn.
Với mục tiêu phát triển lối sống xanh, Seoul Gardening Club (Câu lạc bộ làm vườn Seoul) giới thiệu những cách độc đáo để kết hợp thực vật và thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như cùng nhau làm vườn. Với hai không gian làm vườn chung ở các quận Dongjak và Seongdong – nơi các thành viên có thể trồng cây và tạo ra một cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm làm vườn của họ với những người khác.
1. “Mùa covid” của giới kinh doanh di động tại Việt Nam
Thị trường di động tại Việt Nam đang chứng kiến mức suy giảm mạnh giai đoạn cuối 2022 đầu 2023. Theo thống kê của một hãng nghiên cứu thị trường lớn, doanh số bán lẻ di động tại Việt Nam trong 2 tháng đầu tiên của năm 2023 chỉ đạt dưới 2, 5 triệu chiếc, so với 3,5 triệu chiếc trong năm 2022 – mức giảm xấp xỉ 30%.
Trước tình hình ngày càng khó khăn của thị trường bán lẻ thiết bị di động, các nhà bán lẻ hầu như đã tạm dừng việc mở rộng các cửa hàng. Bên cạnh đó, các biện pháp cắt giảm chi phí được ưu tiên hàng đầu cho sự tồn tại của hệ thống tương tự giai đoạn giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 bùng nổ quý vào quý II, quý III/2021. Các doanh nghiệp hầu hết dừng việc tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công, người lao động tại các cửa hàng có doanh số yếu, cũng như ở các khung giờ vắng khách hàng. Ngoài ra, các khoản chi phí điện nước, văn phòng phẩm… cũng được tiết kiệm một cách tối đa để giảm các chi phí. Các nhà bán lẻ này cũng tính đến phương án làm việc với các chủ mặt bằng để có sự hỗ trợ về chi phí mặt bằng cho thuê trong thời gian thị trường sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay.
2. Nhiều chỉ dấu tích cực cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Theo trang vietnam-briefing.com, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến thị trường thương mại điện tử ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam dường như ở vị thế tốt và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong giai đoạn này. Theo ông Nirgunan Tiruchelvam, chuyên gia phân tích tại Aletheia Capital, trong khi thị trường thương mại điện tử ở các nền kinh tế phát triển đang gặp nhiều khó khăn thì các thị trường mới nổi đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam lại không rơi vào hoàn cảnh như vậy. Việt Nam đang có nhiều chỉ dấu tích cực trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Việt Nam vẫn có rất nhiều tiềm năng để thị trường tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Năm 2022, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt 14 tỷ USD và có thể đạt tới 32 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo e-Conomy SEA (nền kinh tế internet của Đông Nam Á) của Google năm 2022 dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử. AIA Insurance Inc, SBI Holdings và Alibaba chỉ là một số ít tên tuổi lớn rót tiền vào các thị trường thương mại điện tử Tiki, Lazada và Sendo của Việt Nam.
Nhắc đến dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3, hoa luôn là mặt hàng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn để làm món quà ý nghĩa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng hoa năm nay không như dự kiến, nhiều người nhận định khách hàng đang dần thắt chặt hầu bao hơn cho những khoản này. Đơn cử, anh Minh Nguyễn – đại diện chuỗi cửa hàng hoa Happy Flower ở TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ cho biết chỉ mới nhận được 50% tổng số đơn hàng so với năm ngoái. Theo anh Minh, các cửa hàng không chỉ ghi nhận sự sụt giảm về số lượng đơn đặt hàng, mà ngay cả giá trị trên từng đơn hàng cũng không bằng các năm trước.
Thực tế, bên cạnh xu hướng thắt chặt chi tiêu, các cửa hàng hoa cũng phải đối diện với áp lực cạnh tranh từ những sản phẩm có thể thay thế hoa tươi hoặc các sản phẩm kết hợp hoa tươi với trái cây, nến…, hay các loại bánh kem có hình dạng bó hoa.
1. Tái sử dụng quần áo để giảm rác thải ở New Zealand
Rác thải đang là một vấn nạn của thế giới. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, hai công ty thời trang Icebreaker (New Zealand) và Upparel (Australia) vừa bắt tay nhau để khởi động chương trình thu gom quần áo cũ để gia tăng vòng đời của quần áo, qua đó góp phần làm giảm số lượng rác thải tại New Zealand. Theo thỏa thuận, bắt đầu từ ngày 27/3 tới, Upparel sẽ đặt các thùng đựng quần áo cũ tại cửa hàng của Icebreak ở New Zealand để mọi người có thể bỏ vào đó quần áo không còn dùng đến. Quần áo từ các thùng này sau khi được phân loại thì có thể được tái sử dụng, tái chế hoặc có thể chuyển đổi mục đích sử dụng như làm đồ trang trí trong gia đình, gối tựa hoặc giường cho vật nuôi. Để khuyến khích hành động này, những người mang quần áo tặng cửa hàng sẽ nhận được một món quà nhỏ là thẻ quà tặng trị giá 10 NZD của cửa hàng.
Tại Australia, thương hiệu Upparel bán dịch vụ thu mua quần áo cũ với giá thấp nhất là 25 AUD/thùng nặng khoảng 10kg. Những người có nhiều quần áo không sử dụng đến có thể vào trang web của thương hiệu này để đăng ký mua gói dịch vụ phù hợp với trọng lượng quần áo cần bỏ đi. Sau đó người dùng sẽ đóng quần áo vào thùng và đặt lịch hẹn ngày công ty cử người đến nhận lại thùng hàng. Số quần áo cũ thu được sẽ được Upparel phân loại rồi sau đó những đồ đẹp sẽ được chuyển đến các tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người khó khăn và số còn lại có thể sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế. Trước khi hợp tác với Icebreaker, tại New Zealand, trong vòng 12 tháng kể từ ngày có cửa hàng đầu tiên, Upparel đã thu gom được 80 tấn quần áo.
1. Thoả thuận ngầm với Apple giúp Google vững ngôi vua tìm kiếm
Một số ứng dụng và dịch vụ của Google như Google Search, Google Maps, Gmail, YouTube đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, song ít ai biết rằng Google đã phải trả một cái giá khá đắt cho Apple để duy trì tính cạnh tranh, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Thực tế, Google đã phải trả cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm để duy trì công cụ tìm kiếm mặc định trên tất cả thiết bị mang thương hiệu Táo khuyết. Năm 2020, WSJ ước tính con số này rơi vào khoảng 8-12 tỷ USD. Đến năm 2021, Google phải trả cho đối tác gần 15 tỷ USD và sang đến năm 2022 là 18-20 tỷ USD, theo Forbes. Bằng một cách nào đó, thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD này đóng vai trò như một hiệp ước hòa bình giữa Apple và Google. Nếu Apple tiếp tục kiếm được nhiều tiền bản quyền hơn, họ có thể đẩy mạnh đầu tư vào R&D và đưa nhiều sản phẩm hãng đến tay người tiêu dùng.
Kể từ sau những thay đổi trong chính sách quyền riêng tư Apple hồi năm 2021, Google và Meta đã phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”. Các nhà tiếp thị lo ngại về rủi ro suy thoái, trong khi ứng dụng video ngắn TikTok của ByteDance nổi lên như một thế lực mới trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Nhiều dịch vụ truyền phát trực tuyến cũng bắt đầu chấp nhận quảng cáo. May mắn, Google không bị tác động lớn từ động thái này, phần vì thương vụ ngầm trị giá hàng tỷ USD, phần vì hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm vốn phụ thuộc vào hành vi khách hàng thay vì dữ liệu thu thập từ ứng dụng và trang web. Thị phần quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ của tập đoàn này tăng nhẹ lên 28,8% vào năm 2022, theo Insider Intelligence, song dự kiến sẽ giảm xuống 26,5% trong năm nay.
2. Giấc mơ ‘xưng bá’ của công nghệ Trung Quốc: nắm giữ 77% công nghệ mới có thể thay đổi thế giới
Sau khi theo dõi về các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng và công nghệ sinh học, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết tất cả 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới hiện đều có trụ sở tại Trung Quốc. Theo báo cáo, các nhà khoa học Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng công trình nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất ở 37 trong số 44 công nghệ được đánh giá như quốc phòng, không gian, robot, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến… Những công nghệ này được xem là có thể thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và sức mạnh quân sự trong các thập niên tới.
Dù Trung Quốc đang dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu các công nghệ quan trọng nhưng ASPI lưu ý rất khó để áp dụng thành công những đột phá trong nghiên cứu vào hoạt động sản xuất. Ví dụ, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu các công nghệ như động cơ phản lực, nhưng các kỹ sư của nước này đã vật lộn trong nhiều thập niên để sản xuất chúng. Nhưng trong một loạt công nghệ, Trung Quốc dẫn đầu đủ lớn về số lượng công trình nghiên cứu có tác động cao để có thể giúp nước này độc quyền trong các lĩnh vực như sinh học tổng hợp, công nghệ 5G và sản xuất vật liệu nano.
3. Các ‘thế lực’ smartphone Trung Quốc chuyển mình để mong hạ đo ván Apple, Samsung
Tại Mobile World Congress – triển lãm di động lớn nhất thế giới tại Barcelona vào tuần trước, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc gần như chiếm sóng hoàn toàn với những gian hàng ấn tượng cùng hàng loạt sản phẩm mới ra mắt. Oppo – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 4 thế giới – đã ra mắt chiếc smartphone màn hình gập mang tên Find N2 Flip với giá hơn 1.000 USD. Đối thủ của họ là Xiaomi cũng lập tức cho ra mắt mẫu Xiaomi 13 và 13 Pro với giá trên 1.000 USD. Honor – công ty tách ra từ gã khổng lồ viễn thông Huawei – sau đó cho ra mắt chiếc smartphone có thể gập lại trị giá 1.690 USD mang tên Magic Vs. Những mẫu điện thoại thông minh đắt tiền này thể hiện sự thay đổi trong chiến lược của các công ty Trung Quốc – vốn nổi tiếng trong các năm qua bằng việc cung các những chiếc smartphone giá rẻ với thông số kỹ thuật mạnh mẽ.
Sự thay đổi chiến thuật này diễn ra sau khi doanh số bán hàng trên thị trường điện thoại thông minh năm ngoái đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013. Tuy nhiên, thị phần điện thoại cao cấp (giá trên 800 USD) đã tăng từ 11% lên 18% vào năm 2022. Apple và Samsung gần như chiếm trọn phần thị trường này. Các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải thay đổi để tìm cách tăng tỷ suất lợi nhuận. Năm 2022, thị phần của điện thoại thông minh Trung Quốc như Realme, Oppo và Xiaomi giảm tại châu Âu trong khi Apple và Samsung vẫn tương đối ổn định. Các công ty Trung Quốc đang hy vọng có thể thay đổi điều đó khi nền kinh tế trong nước đã mở cửa trở lại.
Thực tế, các nhà sản xuất Trung Quốc, dù rất muốn, vẫn chưa “mở khóa” được phân khúc smartphone cao cấp. Huawei có thể xem là một ngoại lệ khi ghi nhận thành công nhất định ở phân khúc cao cấp, thậm chí có giai đoạn trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã “đè bẹp” hoạt động kinh doanh thiết bị di động của họ. Xiaomi, Oppo hay Honor sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn ở phân khúc smartphone cao cấp. Đầu tiên là yếu tố nhận diện thương hiệu, tiếp đến là yếu tố lợi nhuận bền vững khi các thương hiệu Trung Quốc chưa thể xây dựng mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ tầm vóc như Apple, vốn mang lại lợi nhuận cực lớn.
4. Ứng dụng khám bệnh từ xa ngày càng được chuộng ở Đông Nam Á
Tư vấn sức khỏe dựa trên ứng dụng được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á khác trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khu vực có gần 700 triệu dân này đang tăng cao nhưng lại thiếu bác sĩ trầm trọng. Cùng với đó, sự phổ cập của điện thoại thông minh cho phép người dân Đông Nam Á trải nghiệm sự tiện lợi của các dịch vụ theo yêu cầu từ các ứng dụng cũng giúp dịch vụ khám bệnh từ xa phổ biến hơn, tiêu biểu như Alodokter và Halodoc của Indonesia, Doctor Anywhere của Singapore hay KonsultaMD của Philippines.
Các công ty vận hành ứng dụng khám bệnh từ xa trong khu vực thậm chí đang tiến xa hơn nữa, như tham gia vào việc giao thuốc cho bệnh nhân và mở các cơ sở điều trị. Khám bệnh từ xa cũng đang giúp các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á mở rộng công suất phục vụ khi số lượng bác sĩ ở một số nước trong khu vực không theo kịp với đà tăng dân số.
5. Grab bắt tay với Tencent và Amazon để sớm có lãi
‘Siêu ứng dụng’ Grab đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Tencent với kỳ vọng tạo thêm doanh thu cần thiết để đạt được lợi nhuận vào cuối năm 2023 như đã tuyên bố với các nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn, theo Nikkei Asia.
Hồi tháng 12/2022, Grab đã thiết lập quan hệ đối tác với WeChat, qua đó cho phép người dùng đặt dịch vụ gọi xe trên khắp Đông Nam Á thông qua chương trình Grab Mini trên WeChat. Giờ đây, khách du lịch từ Trung Quốc đến sân bay Changi của Singapore có thể gọi xe bằng cách nhấn vào biểu tượng Grab được nhúng trong WeChat – ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc. Sau khi đến địa điểm mong muốn, khách du lịch có thể thanh toán cho tài xế thông qua ví điện tử của WeChat. Là nền tảng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, Grab hoạt động tại 480 thành phố trên 8 quốc gia. Sự hợp tác này cho phép WeChat có thể sử dụng tại tất cả các thị trường này.
Tháng 2/2023, Grab bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho khách hàng của Amazon Web Services (AWS), dịch vụ điện toán đám mây của Amazon. Thông qua dịch vụ GrabMaps, khách hàng AWS có thể tùy chỉnh dữ liệu bản đồ ở 8 quốc gia Đông Nam Á để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. GrabMaps sẽ nhận về doanh thu dựa trên tần suất sử dụng.
6. Amazon đầu tư lớn vào thị trường điện toán đám mây Malaysia
Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA), AWS có kế hoạch đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào năm 2037 để thiết lập một AWS khu vực. Quyết định này của AWS là minh chứng cho sự tin tưởng của AWS đối với nền kinh tế kỹ thuật số đầy hứa hẹn cũng như khả năng thúc đẩy tăng trưởng lâu dài của Malaysia.
Các khoản đầu tư và sáng kiến từ AWS sẽ cung cấp cho Malaysia những công nghệ tiên tiến, cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ phát triển. Malaysia có một trong những thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhất ở Đông Nam Á, trị giá 4,7 tỷ ringgit (1,06 tỷ USD) vào năm 2021 theo tổ chức phân tích thị trường Arizton. Con số này dự kiến sẽ tăng nhanh trong tương lai gần và lên 1,57 tỷ USD vào năm 2027./.
7. Sắp ra mắt mô hình điện toán đám mây hoàn toàn mới tại Việt Nam
Với xu thế phát triển hiện nay, cùng nhu cầu chuyển đổi số ở mọi ngành nghề, dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất cho xã hội số 4.0. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn 80% thị phần còn lại nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài như Amazon Web Services (33%), Google (21%), Microsoft (21%) – số liệu do Viện Chiến lược thông tin và truyền thông công bố.
Để góp phần tăng sức mạnh cho điện toán đám mây Việt Nam, ông Giáp Hùng Cường, Tổng giám đốc của VinaCIS Group đã sáng lập mô hình “Hợp tác xã Cloud”. Hợp tác xã là mô hình tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu và có tư cách pháp nhân và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Trong giai đoạn mới hình thành, các đơn vị đồng hành cùng Hợp tác xã Cloud, ngoài VinaCIS Group là đơn vị đã có hơn hai mươi năm uy tín và kinh nghiệm trên thị trường công nghệ thông tin, còn có những tên tuổi đáng chú ý như Viettel IDC, Amtec, VietFiber, Lenovo, Dell & ADG,…
Dự kiến, mô hình điện toán đám mây của Hợp tác xã Cloud sẽ được chính thức ra mắt vào ngày 17/03/2023 kỳ vọng sẽ là giải pháp cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô. Bước đầu, dự án mong muốn kêu gọi đầu tư 1.000 máy chủ và phát triển 1.000 đại lý, phục vụ 50.000 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ hạ tầng công nghệ viễn thông vận hành các phần mềm, nền tảng số phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
8. Samsung thu hơn 70 tỷ USD từ 4 nhà máy ở Việt Nam
Theo báo cáo tài chính đã qua kiểm toán năm 2022, Samsung đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 39%, đạt trên 43 tỷ USD. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, lợi nhuận của các cơ sở này chỉ khoảng 4,6 tỷ USD, tương đương hơn 10% lợi nhuận cả năm của tập đoàn.
Năm qua, Samsung Thái Nguyên (SEVT) tiếp tục là nhà máy có doanh thu cao nhất ở Việt Nam của ông lớn Hàn Quốc với gần 28 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Lợi nhuận đồng thời tăng 18% lên gần 2,1 tỷ USD. Đến nay, đây vẫn là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung, với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 7,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Samsung Display (SDV) tại Bắc Ninh từng gây chú ý khi vượt mặt SEVT trong quý IV/2022, nhưng tính chung doanh thu cả năm 2022 vẫn chỉ đạt chưa đầy 20 tỷ USD. Lợi nhuận đem về khoảng 1 tỷ USD. Nhà máy còn lại cũng ở Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) ghi nhận hơn 18,5 tỷ USD doanh thu và hơn 1,2 tỷ USD lợi nhuận. Còn với cơ sở ở TP.HCM – Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), tập đoàn thu về gần 5 tỷ USD doanh thu. Lãi giảm nhẹ, còn khoảng 300 triệu USD.
9. Đối tác của Apple đầu tư 280 triệu USD cho nhà máy mới ở Việt Nam
Một trong những đối tác sản xuất AirPods của Apple, công ty GoerTek có thể phải chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng chính trị leo thang. Theo Bloomberg, Phó chủ tịch GoerTek, ông Kazuyoshi Yoshinaga cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đang đầu tư thêm 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng cân nhắc thêm việc mở rộng sản xuất sang Ấn Độ. Theo Bloomberg, Apple có thể đang tìm cách biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất AirPods, iPad và MacBook. Hiện tại, khu phức hợp ở miền Bắc Việt Nam của công ty GoerTek và công ty Luxshare đang sản xuất các đơn đặt hàng AirPods từ Apple.
Việt Nam hiện là địa điểm sản xuất duy nhất của công ty GoerTek bên ngoài Trung Quốc. Ông Yoshinaga nói với Bloomberg rằng khu phức hợp mới rộng 62 ha ở Bắc Ninh sẽ sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu lớn của Mỹ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng một năm tới. Ông cho biết thêm công ty sẽ thực hiện cam kết đầu tư tổng cộng 1,06 tỷ USD tại Bắc Ninh và Nghệ An. Ngoài ra, GoerTek cũng có kế hoạch sản xuất kính thực tế ảo tại Việt Nam từ năm 2024, với hy vọng tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu trong 3 năm tới, chỉ tính riêng sản phẩm này. Ông Yoshinaga cho biết công ty đang yêu cầu các nhà cung cấp của mình tìm kiếm những nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam.
10. Weploy – startup cung ứng nhân sự thời vụ chính thức ra mắt thị trường Việt Nam
Những năm qua, nhân sự thời vụ Việt có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhưng khó có công việc ưng ý. Trong khi đó, doanh nghiệp lại luôn “khát” lao động song tuyển dụng mãi không đủ chỉ tiêu, mất nhiều thời gian tìm kiếm. Đặc biệt là trong những thời điểm doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân sự ồ ạt, có sự gia tăng đột biến vào các dịp lễ, tết. Trước thực tế đó, nền tảng số cung ứng nhân sự thời vụ hàng đầu của Úc – Weploy quyết định mở rộng thị trường tại Việt Nam nhằm giúp nguồn cung – cầu lao động tiệm cận nhau, gỡ bài toán khó cho cả doanh nghiệp và nhân sự thời vụ Việt.
Với lợi thế từ công nghệ số, Weploy sẽ giúp doanh nghiệp Việt xử lý các đợt tuyển dụng gia tăng đột biến theo thời vụ với hệ sinh thái ứng viên đa ngành nghề chỉ trong thời gian ngắn và đã được kiểm duyệt gắt gao về chất lượng. Khi tuyển dụng nhân sự thời vụ qua Weploy, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tìm được ứng cử viên sáng giá, chất lượng cao, giảm gánh nặng của việc tuyển dụng, quản lý nhân sự thời vụ.
11. Ông Phạm Nhật Vượng thành lập công ty cho thuê taxi điện vốn 3.000 tỷ đồng
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa quyết định thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện thoại cùng dịch vụ taxi VinFast. Theo Vingroup, GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô – xe máy điện để chở khách. Đồng thời, GSM vận tải cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện.
Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc vào năm 2023. Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.
Thứ Hai vừa qua, Indonesia vừa công bố chương trình trợ cấp dành cho ô tô, xe máy và xe buýt chạy điện, nhằm thúc đẩy việc phổ biến xe điện ở quốc gia này. Indonesia là một trong những nhà sản xuất nikel lớn nhất thế giới – một nguyên liệu thiết yếu để sản xuất nên các pin xe điện dung lượng lớn. Hiện tại đang có hàng chục dự án tinh chế quặng Nikel tại nước này – phần lớn do các công ty Trung Quốc đứng đằng sau vận hành – để cung cấp cho việc sản xuất pin xe điện ở các nơi khác. Đó là lý do chính phủ Indonesia muốn kích thích nhu cầu xe điện ở nước này lên mức đủ lớn để thu hút được các nhà đầu tư tới sản xuất pin Lithium cho xe điện tại chính nơi này. Quốc gia này đang mời gọi các thỏa thuận đầu tư từ những nhà sản xuất xe điện toàn cầu như Tesla và BYD, nhằm cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan – vốn có tiếng như một trung tâm sản xuất xe điện tại Đông Nam Á.
Bắt đầu có hiệu lực từ 20 tháng Ba năm nay, những người mua một chiếc xe máy điện sẽ được hỗ trợ 460 USD (hơn 10 triệu VNĐ). Số tiền tương tự cũng được áp dụng cho người dùng chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Các quan chức Indonesia cho biết chính phủ nước này đang dự kiến khoản trợ cấp sẽ được dành cho tổng cộng 250.000 xe máy điện trong năm nay. Ngoài ra cũng có các khoản trợ cấp khác dành cho người mua ô tô điện và xe buýt điện. Các quan chức Indonesia cho biết, chính phủ đang chuẩn bị khoản trợ cấp dành cho khoảng 35.900 ô tô điện cùng 138 xe buýt điện trong năm 2023, tuy nhiên họ không tiết lộ số tiền chính xác chủ xe được nhận khi mua các phương tiện chạy điện này.
Trung Quốc đã phát hiện một mỏ dầu lớn với trữ lượng dầu thô nhẹ 100 triệu tấn ở biển Bột Hải, trải dài dọc theo bờ biển phía Bắc của nước này. Đây là công bố của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Theo tuyên bố của CNOOC hôm 28/2, mỏ dầu Bozhong 26-6 nằm ở phía Nam biển Bột Hải, với độ sâu nước trung bình là 22 mét. Giếng khoan đã được triển khai và hoàn thành ở độ sâu 4.480 mét. Giếng này đã được thử nghiệm để sản xuất trung bình khoảng 2.040 thùng dầu thô và 11,45 triệu feet khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày.
Theo các chuyên gia trong ngành, các phát hiện dầu khí tự nhiên ở Biển Bột Hải sẽ thúc đẩy sản lượng hàng năm của CNOOC lên trên 80 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2025.
1. F88 huy động hơn 1100 tỷ đồng từ hai quỹ đầu tư
Công ty Cổ phần Đầu tư F88 ngày 2/3 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Theo ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88, nguồn vốn mới sẽ được đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài.
1. Sắp diễn ra triển lãm lớn nhất thế giới về ngành chăn nuôi ở Thái Lan
Thông tin từ Ban tổ chức Triển lãm Chăn nuôi Châu Á (VIV Asia 2023) cho biết, sự kiện sẽ diễn ra từ 8 – 10/3 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, với các lĩnh vực như sản xuất thức ăn đến chăn nuôi, thú y, giải pháp sức khỏe động vật, giết mổ và chế biến thịt, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa… VIV Asia 2023 dự kiến sẽ có hơn 1.200 công ty từ khắp các châu lục tham gia, đồng thời quy tụ đội ngũ các chuyên gia trong ngành từ hơn 120 quốc gia trên thế giới. Những tên tuổi trong ngành có mặt năm nay bao gồm các công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu và khu vực từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông.
Triển lãm Chăn nuôi Châu Á 2023 còn là nơi ra mắt các sản phẩm, xu hướng và công nghệ chăn nuôi, chế biến, giết mổ, sức khỏe động vật, nhân giống/ấp trứng, sản xuất, thức ăn chăn nuôi và chất phụ gia, dịch vụ công nghệ thông tin, thiết bị và dịch vụ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, hậu cần/điện lạnh, truyền thông/tư vấn và chế biến/kỹ thuật thực phẩm… Ngoài ra, VIV Asia 2023 còn có hơn 100 phiên thảo luận từ hơn 200 diễn giả cấp cao từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ kiến thức và chuyên môn trong ngành mang đến nhiều kỹ thuật, xu hướng về sự phát triển trong ngành chăn nuôi.
Trung tâm Dữ liệu nông nghiệp và Hệ thống thông tin (CADIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia (MoA) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã công bố chiến lược số hóa nông nghiệp mang tên Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử. Văn phòng đại diện của FAO tại Indonesia cho biết, chiến lược trên nhằm mục đích khai thác các dữ liệu và nguồn thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp vì lợi ích của các hộ sản xuất nhỏ. Theo đó, đến năm 2027, Indonesia sẽ có cơ sở dữ liệu tích hợp về đất nông nghiệp và nông dân; đưa ra cảnh báo sớm kỹ thuật số về các thảm họa thiên tai; vận hành các hệ thống thu thập, trích xuất và phân tích dữ liệu nông nghiệp.
Không chỉ là những gì được trồng đã thay đổi, thực phẩm đi từ trang trại đến bàn ăn cũng đang được chuyển đổi bởi công nghệ. Hiện tại, 33 triệu nông dân ở Indonesia dựa vào thương mại điện tử và các công ty như Sayurbox, một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp điện tử, kết nối trực tiếp với cơ sở khách hàng trực tuyến. Sự phát triển của Sayurbox và những doanh nghiệp tương tự cũng đang giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn từ lâu đã là một vấn đề ở Indonesia, từ khoảng cách đường sá đến việc thiếu kho lạnh – đều là những rào cản, cản trở năng suất và tăng trưởng kinh tế. Trước đây, những người nông dân có thể thử bán sản phẩm của mình cho các thị trường xa hơn thông qua mối lái, tuy nhiên chi phí sẽ tăng, làm tăng giá cho người tiêu dùng, đồng thời làm hao hụt đáng kể thu nhập của nông dân, ngày nay một kênh trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng đã giúp loại bỏ các chi phí này.
3. Giá phân bón giảm, doanh nghiệp trong nước đối mặt với thách thức lớn
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ. Giá phân bón giảm một mặt giúp nông dân giảm bớt khó khăn nhưng mặt khác gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp phân bón. Giá giảm theo từng tuần, từng ngày khiến các đại lý vẫn nhập hàng cầm chừng với số lượng ít và tâm lý vẫn đợi giá giảm thêm khi nhu cầu chăm bón của người nông dân chưa nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp phân bón trong nước gặp rất nhiều khó khăn khi hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng cao.
Đặc biết, nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng Urê), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng. Thậm chí, có những lô hàng sản xuất ra của 1 số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán dưới giá thành. Có thể nói đây cũng chính là mối nguy rõ ràng nhất trong năm 2023 và thời gian tới mà các đơn vị chắc chắn sẽ phải đối mặt.
4. Đối diện nhiều thách thức, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu kỷ lục
Theo ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản . Cùng với đó là những tác động khác như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu tăng, giá vật tư đầu vào cũng tăng cao, chất lượng con tôm giống chưa đảm bảo, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu tăng trở lại… Dự báo năm 2023, người nuôi tôm và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP – nhận định, XK tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, khả năng nhu cầu thị trường chỉ phục hồi bắt đầu từ quý II, nhưng xu hướng giá sẽ thấp hơn năm 2022 do nguồn cung tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Ngành tôm Việt Nam cũng đối diện với thách thức cạnh tranh mạnh hơn từ các đối thủ như Ecuador và Ấn Độ. Mặc dù được dự báo tiếp tục nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành tôm vẫn đặt mục tiêu tăng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu diện tích thả nuôi 750.000ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn và kim ngạch XK trên 4,3 đến 4,5 tỷ USD trong năm nay.
1. 246 mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt xuất khẩu Trung Quốc
Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, sau 2 lần kiểm tra trực tuyến vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc được cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sầu riêng Việt Nam sẽ mở rộng hơn con đường xuất sản phẩm này sang Trung Quốc.
Ngoài ra, 36 mã số vùng trồng và 18 mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc khuyến cáo cần có giải pháp khắc phục và bổ sung hồ sơ để họ xem xét phê duyệt trong đợt tiếp theo.
2. Điều gì ‘ngáng đường’ sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc?
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)” diễn ra sáng 8/3, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) – cho biết: Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam. Sunwah đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển….
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp rất am tường về thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri – chia sẻ, sầu riêng là trái cây rất dễ gây “nghiện” cho người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường là rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở sản lượng hay mở rộng diện tích mà yếu tố cốt lõi đó là chiến lược bài bản về kiểm soát chất lượng và giá thành. Nếu không làm tốt hai việc này thì dù sản lượng có tăng nhưng chúng ta cũng vẫn thua đối thủ cạnh tranh. Do đó, phía cơ quan chức năng cần có điều tra, nghiên cứu và đưa ra những cảnh báo như tại địa phương này, với chất đất như thế này, trồng cây sầu riêng chi phí đắt, giá thành cao sẽ không phù hợp.
3. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng thủ tục
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó Móng Cái-Đông Hưng là cặp cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã gặp vướng mắc trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc theo các quy định mới. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường diễn ra chậm. Mặt khác, phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân một số doanh nghiệp cũng chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn…
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết doanh nghiệp thủy sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía bạn cấp, nếu không thì doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Ông đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ code nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan. Hiện nay, Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản. Đồng thời, ông Tiệp cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.
4. Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ tối ưu cửa khẩu với Móng Cái để tạo thuận lợi thương mại
Trước những vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản ở 2 cửa khẩu Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam), đại diện phía Trung Quốc đề xuất phối hợp với Việt Nam xây dựng ‘cửa khẩu trí tuệ’ và ‘thị trường chung thông minh’. Theo ông Hoàng Vệ – Phó Cục trưởng Cục quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng, trong năm 2023, Cục Quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu.
Cửa khẩu Đông Hưng cũng sẽ phối hợp với TP Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4. Các tiêu chuẩn này sẽ do chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc (CCICGX) xây dựng. Bên cạnh đó là nâng cao hơn nữa mức độ kết nối, đẩy nhanh việc xây dựng cầu phao mới trong Khu thương mại biên giới Đông Hưng/kênh Haian Km3+4; thúc đẩy việc xây dựng Cảng đường sắt Đông Hưng và cầu sông Bắc Luân thứ ba, phát huy hết tác dụng quan trọng vai trò của hành lang đất liền – biển mới ở phía tây cảng Đông Hưng.
Phía Trung Quốc cho biết, hoan nghênh các doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu nông sản và các sản phẩm phụ từ cảng Móng Cái. Cửa khẩu Đông Hưng sẽ tích cực hợp tác với Móng Cái để cải thiện thuận lợi hóa thủ tục hải quan.Tăng cường giao lưu người và hàng hóa giữa cảng Móng Cái và Đông Hưng, đưa kinh tế cảng biển hai nơi phát triển.
Ông Phạm Ngọc Thức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Hải Dương – cho biết, nông sản Việt đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các nước khác do rất yếu trong khâu vận chuyển. Để vận chuyển container 5.000 quả bưởi sang đến London (Anh) phải mất gần 70 ngày. Trong khi, thời gian vận chuyển của Thái Lan chưa đến 40 ngày, hoa quả vẫn còn tươi roi rói. Điều này khiến nông sản Việt hiện rất khó cạnh tranh.
Bà Ngô Tường Vy – Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – cho biết, không chỉ thị trường châu Âu, cước vận chuyển trái cây tươi sang thị trường Mỹ của Việt Nam bằng đường biển đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, điều này khiến nhiều loại trái cây Việt chưa thể vươn tới các thị trường xa. Trong khi nếu trái cây xuất khẩu đường hàng không, chi phí rất đắt đỏ, mất sức cạnh tranh.
Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải – cho hay, chi phí logistics ở Việt Nam khoảng 17,8% GDP (trong khi nhiều nước trên thế giới con số này dưới 10%-PV), tương đương khoảng 60 tỷ USD. Do đó, việc cắt giảm chi phí trong các khâu của hoạt động logistics, trong đó có vận tải hàng hóa là rất cấp bách.
6. Đặc sản cam Cao Phong ra mắt tại thị trường Anh
Theo phóng viên TTXVN tại London, sau bưởi đỏ Tân lạc và bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong Hòa Bình lần đầu tiên đã có mặt tại thị trường Anh qua đường xuất khẩu chính ngạch, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Để vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong của công ty cổ phần RYB (Hòa Bình) đã đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Tập đoàn Longdan đã nhập khẩu gần 7 tấn cam Cao Phong, số cam này được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan tại London và một số thành phố khác ở Anh, đồng thời được phân phối tới các nhà bán buôn và bán lẻ các sản phẩm Việt Nam và châu Á tại Anh, bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, nhu cầu của thị trường Anh đối với cam và bưởi, đặc biệt là cam, là rất lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 420 tấn cam, trị giá 263 triệu bảng (khoảng 315 triệu USD), phần lớn từ Tây Ban Nha, Nam Phi, Maroc và Ai Cập. Bên cạnh đó, cam và bưởi Việt Nam là những sản phẩm mới tại thị trường Anh, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược marketing, đặc biệt là digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) để giới thiệu các loại trái cây đặc sản này tới người tiêu dùng Anh. Ông nhấn mạnh đây là xu hướng của thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng càng sớm càng tốt tại một thị trường phát triển như Anh với khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam.
Kết thúc 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo chỉ đạt 789.000 tấn, mang về 417 triệu USD, giảm gần 19% về lượng và giảm gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Các nhà máy gạo tại ĐBSCL cho biết, mặc dù xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm có giảm, nhưng khả năng phục hồi sẽ rất nhanh. Bởi bước sang tháng 3, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Thêm vào đó, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, nên có giá bán tốt.
Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi… trong quý I, II năm nay sẽ ổn định, do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở, sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển cao, tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới sẽ tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, doanh nghiệp cần theo sát thị trường, chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
8. VIFA EXPO 2023: Thu hút hơn 600 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia
Hội chợ quốc tế đồ gỗ & mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO tháng 3/2023) là hội chợ thường niên lớn của ngành, do Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 08/03 đến 11/03/2023 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, P. Tân Phú, Quận 7, TP. HCM.
Năm nay, VIFA EXPO đã thu hút 612 doanh nghiệp tham gia với 2.410 gian hàng đăng ký trên tổng quy mô 40.000m2 của hội chợ, tăng gấp 3 lần so với năm 2022. Trong đó có hơn 140 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Hội chợ: Cambodia, Trung Quốc, Đức, Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Malaysia, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Anh, Mỹ.