Có thể sống bằng viết báo hay không?

    Một trong những điều mà nhiều người tò mò là: “Nghề làm báo có thu nhập thế nào?” hay “Có thể sống bằng nghề viết báo được không?”.
    Tôi không phải là “nhà báo”, tức là một người viết báo chuyên nghiệp, nhưng trong trường hợp của tôi, bạn bè có vẻ tò mò hơn nữa vì họ biết tôi là người không có “lương tháng” như họ. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi sẽ đưa ra một câu trả lời trung thực từ câu chuyện của chính mình.
    Viết báo kiếm được bao nhiêu tiền?
    Câu trả lời thành thật là “thật sự không đáng kể lắm”. Là người không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ viết báo và chưa từng học một lớp nào về viết văn – viết báo cho nên các bài tôi viết hầu hết là các bài viết bình luận về văn hóa và giáo dục, hai lĩnh vực gần với chuyên ngành tôi được đào tạo. Như vậy, tính trung bình lấy 200 bài viết mà tôi đã đăng báo chia cho 10 năm cầm bút thì mỗi năm tôi viết được khoảng 20 bài.
    Chắc chắc ai đã từng viết văn hay viết báo thì đều nhớ đến kỷ niệm lần đầu tiên được nhận tiền nhuận bút và cảm giác ngạc nhiên: “Ồ, hóa ra mình có thể viết chữ kiếm được tiền?”. Cái kỷ niệm đó thật lãng mạn, bồng bột và… nguy hiểm làm sao. Nói nguy hiểm vì nó giống như một thứ bùa mê – thuốc lú. Số tiền rất nhỏ nhưng làm cho người viết có cảm giác hưng phấn và gây nghiện.
    Có lẽ vì tiền nhuận bút ở Việt Nam không đáng kể nên ít người thực sự can đảm dám khoe giống như các du học sinh chúng tôi – những người vốn là giảng viên các trường đại học khi đi du học ở nước ngoài mà bị bạn bè quốc tế hay thầy cô nước sở tại hỏi về chuyện tiền lương, thu nhập của giảng viên thì hoảng sợ, bối rối không biết trả lời thế nào vì nếu đưa ra con số chính xác, trung thực thì hẳn sẽ làm cho người đối diện choáng váng đến độ nghĩ rằng chúng tôi là những người nói dối.
    Là người có trí nhớ tương đối tốt, tôi vẫn nhớ món nhuận bút nhỏ nhất tôi đã từng nhận được từ tòa báo là 20.000 đồng (hai mươi nghìn đồng) và lớn nhất là 2 triệu đồng (thực chất là 1,8 triệu đồng sau khi trừ thuế). Hai mươi nghìn đồng là bài báo đầu tiên đăng cách đây rất lâu rồi, từ thời tôi còn là sinh viên. Nhuận bút gần đây tôi nhận được thông thường dao động từ 200.000 đến 1 triệu đồng.
    Như vậy, làm một phép toán đơn giản để tính ta cũng thấy cho dù lấy mức nhuận bút cao nhất là 2 triệu đồng/bài thì số tiền tôi kiếm được trong 10 năm qua sẽ là 2 triệu x 200 = 400 triệu đồng. Như vậy một năm sẽ kiếm được 400/10 = 40 triệu đồng. Như vậy với số tiền 40 triệu/năm chắc chắn sẽ không thể nào sống nổi với một gia đình 5 người ở thành phố.
    Tất nhiên, phép toán trên là phép toán làm cho vui vì món nhuận bút 2 triệu đồng đó là món tiền nhuận bút viết báo lớn nhất và duy nhất tôi được nhận khi có một tờ báo đặt bài cho số tết. Còn lại nhuận bút thường rơi vào khoảng dưới 1 triệu đồng, phổ biến là 500.000 – 600.000 đồng. Có những tờ báo, tạp chí ban đầu chào mời viết thì trả cho một hai bài đầu tiên 1 triệu đồng/bài, nhưng sau đó thì cứ giảm dần rồi chỉ bằng một nửa ban đầu. Một số báo khác sau khi gọi điện khen “hay lắm” rồi xin đăng lại bài tôi đã viết trên blog hoặc Facebook thì trả nhuận bút 200.000 đồng với lý do “vì bài đã đăng trên mạng rồi thì chỉ vậy thôi”. Kể ra đấy còn là tòa báo tử tế vì nhiều nơi còn lấy bài đăng không bao giờ xin và khi tôi nhắn tin đòi nhuận bút (một việc làm mà nói thật là nếu chỉ sống một mình tôi không bao giờ thèm hạ mình làm) còn làm ngơ hoặc ba lần bảy lượt mới trả.
    Một số phóng viên, cộng tác viên trẻ tôi quen có lần nhăn nhó kể cho tôi nghe rằng bản thân họ bị quỵt tiền nhuận bút. Bản thân tôi thì cũng đã từng có một vài chỗ đăng bài xong thì lờ đi không nói gì đến chuyện tiền nong. Buồn cười là có rất nhiều phóng viên, biên tập viên khi năn nỉ viết bài xin bài thì tỏ ra tốt bụng, nhiệt tình săn đón nhưng sau khi lấy được bài mang đăng thì… mất tích. Bài đăng cũng không báo, không gửi báo biếu, không buồn gửi cho người viết cả đường link và tất nhiên nhuận bút cũng không. Nếu bị hỏi thì trả lời cộc lốc: “Để hỏi kế toán xem sao”.
    Và ngay cả trong trường hợp đó, nếu như người viết không dẹp bỏ tự ái cá nhân và hạ thấp liêm sỉ của một người cầm bút (cái việc vốn được giới viết lách tự cho là thanh cao) xuống mức tối thiểu mà đi đòi thì mọi sự sau một thời gian sẽ hóa bùn. Có những khi sau khi bài đăng hai, ba tháng mới nhận được tiền.
    Đọc lại chuyện làng báo, làng văn của Việt Nam trong suốt hơn trăm năm qua, buồn và cay đắng thay thấy chuyện này  không phải là hiếm hoi biệt lệ. Có lẽ vì thế mà thi sĩ Nguyễn Vỹ trong lúc say đã viết “Nhà văn An Nam khổ như chó” hoặc mơ mộng lãng mạn như nhà thơ Nguyễn Bính còn phải viết: “Xót xa một buổi xòe 5 ngón / Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”.
    Ngoài chuyện “được lên báo” với tư cách là người viết có bài đăng, tên tôi và chân dung còn xuất hiện trên báo với tư cách là người được phỏng vấn. Tuy nhiên, khác với chuyện có bài đăng, thông thường tòa báo không trả tiền cho người được phỏng vấn. Chỉ có hiếm hoi một vài phóng viên khi bài lên có gửi cho người được phỏng vấn một ít tiền gọi vui là “nhuận mồm”. Các báo viết thường không trả. Đối với đài phát thanh và truyền hình nếu họ mời lên “nhà đài” để phóng vấn thì sẽ có phong bì vài trăm gọi là “gửi tiền đi lại” còn phỏng vấn qua điện thoại, hay quay clip thì…thôi. Một lời cảm ơn là kết thúc.
    Tiền không kiếm được sao vẫn viết?
    Như vậy, bạn đọc có thể thấy là số tiền kiếm được từ viết báo đối với một người không ăn lương ở một tòa soạn cụ thể bé nhỏ đến nhường nào. Có lẽ đối với các phóng viên trong tòa soạn, ngoài lương thì chế độ nhuận bút của họ khác. Các nhà báo chuyên nghiệp, có tên tuổi viết phóng sự điều tra có lẽ cũng vậy. Nhưng đối với tôi, một người viết báo không chuyên thì thông tin nhuận bút ở trên là trung thực, không có gì phải che giấu.
    Có người sẽ đặt ra câu hỏi: “Số tiền nhận được nhỏ vậy thì viết làm gì?’. Đúng là nếu không có trải nghiệm viết, sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời. Với tôi, có nhiều lựa chọn khác để kiếm tiền chẳng hạn như dạy học hay đi làm phiên dịch – những việc đem lại thu nhập ổn định và tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu là người viết và hiểu ý nghĩa của nó, người ta sẽ khó dứt bỏ việc viết. Đơn giản vì nó đem lại sự nhẹ nhõm cho người viết và người viết vẫn hi vọng rằng bằng cách viết ra điều mình nghĩ, điều mình biết, rất có thể sẽ đem lại điều gì đó cho người đọc.
    Viết báo là một trong những công việc tôi yêu thích vì nó thỏa mãn đam mê đọc viết của cá nhân và nó cũng hỗ trợ rất tốt cho những công việc khác của tôi như khuyến đọc, diễn thuyết, viết và dịch sách.
    Để đổi lại chuyện thỏa mãn đam mê tất nhiên cá nhân tôi phải tự “khắc kỷ” để chế ngự tối đa những nhu cầu cá nhân có thể cắt bỏ khác như không uống cà phê, không hút thuốc, không sở hữu xe cá nhân kể cả xe máy, không lê la hàng quán ăn nhậu, bỏ qua quần áo, giày dép, đồng hồ… Nghĩa là những nhu cầu vật chất của cá nhân đã giảm đến mức tối thiểu. Nhiều người sẽ khổ sở về điều này nhưng với tôi nó thật sự dễ dàng. Có lẽ sự dễ dàng đó cũng là một phần thưởng hay mà đọc và viết đã đem lại cho tôi.
    Nguyễn Quốc Vương (Theo TGHN)
    Giải mã nguồn lực “bí mật” bên trong của người Sài Gòn