Công bố phương án mở rộng tòa nhà UBND TP.HCM 129 năm tuổi

    (Vietnamtimes)- Theo thiết kế, ngoài khối nhà cũ ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn đã được công nhận di tích sẽ giữ lại, còn khối nhà sau cao 6 tầng nổi, 4 tầng hầm.

    Sáng 16-4, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM khai mạc triển lãm Phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và kiến trúc công trình xây dựng và mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.

    Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết đây là một trong ba phương án thiết kế được Hội đồng tuyển chọn của TP chọn trong cuộc tuyển chọn vào tháng 10-2017.

    Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng đối với TP. Một phần của trụ sở UBND TP đã được công nhận di tích, mang ý nghĩa lịch sử.

    Vì vậy, phần công trình mới phải bảo đảm tính trang nghiêm, đẹp xứng đáng với tầm vóc, vị trí của TP để người dân TP có thể tự hào.

    Triển lãm là cơ hội để Sở Quy hoạch kiến trúc tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, sở ngành của TP nhằm hoàn thiện, bổ sung cho phương án, trình UBND TP phê duyệt.

    Đây là một trong ba phương án do Công ty Tư vấn kiến trúc Gensler (Mỹ) thiết kế và được Hội đồng tuyển chọn của TP.HCM tuyển chọn.

    Thiết kế trụ sở tọa lạc trên lô đất giữa 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi thuộc quận 1.

    Theo phương án thiết kế trưng bày, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM sẽ có hai khối nhà. Ngoài khối nhà cũ ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn đã được công nhận di tích sẽ giữ lại, còn khối nhà sau cao 6 tầng nổi, 4 tầng hầm.

    Khối nhà mới kéo dài, nối liền từ đường Pasteur, dọc theo Lý Tự Trọng đến đường Đồng Khởi. Hai tầng hầm trên là nơi làm việc của HĐND và UBND, 5 tầng nổi sẽ là nơi làm việc của 8 sở ngành. Tầng trệt dự kiến là nơi tiếp dân.

    Cuộc triển lãm mở cửa từ sáng 16-4 đến hết ngày 1-5-2018 tại Trung tâm trưng bày triển lãm TP (số 92 Lê Thánh Tôn, quận 10).

    Công bố phương án mở rộng tòa nhà UBND TP.HCM - Ảnh 2.
    Người dân tham quan triển lãm sáng 16-4 – Ảnh NGỌC HÀ

    Mở rộng, ngầm hóa công trình trụ sở UBND TP.HCM 129 năm tuổi - ảnh 1

    Công bố phương án mở rộng tòa nhà UBND TP.HCM - Ảnh 1.
    Mô hình thiết kế trụ sở UBND TP trưng bày tại triển lãm – Ảnh NGỌC HÀ

    Mở rộng công trình 129 năm tuổi, ngầm hóa không gian làm việc, dân được vào tham quan2
    Hình khối công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM nhìn từ phía đường Lý Tự Trọng ẢNH: ĐÌNH PHÚ CHỤP LẠI TỪ TRIỂN LÃM
    Mở rộng công trình 129 năm tuổi, ngầm hóa không gian làm việc, dân được vào tham quan4
    Khối nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn tuổi đời 129 năm tuổi được bảo tồn. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng bậc nhất của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung ẢNH: ĐÌNH PHÚ

    Trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1; nằm ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ) là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, được xây dựng từ năm 1889, đến nay đã 129 năm tuổi, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.

    Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp, hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của HĐND, UBND TP.HCM.

    Năm 2015, sau khi tổ chức cuộc thi về ý tưởng sáng tạo phương án thiết kế khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM, lãnh đạo UBND TP.HCM cơ bản thống nhất chọn phương án của một công ty Nhật Bản để làm đồ án thiết kế xây dựng trong thời gian tới.

    Khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM nằm trong ô phố Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Khối công trình hiện hữu mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (dài từ Đồng Khởi đến Pasteur) sẽ được bảo tồn. Riêng dãy nhà phía sau và trụ sở các sở: GTVT, TT-TT, TN-MT sẽ được tháo dỡ để xây dựng mới, dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.

    UBND TP.HCM thời gian qua đã nhiều lần họp bàn về kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp công trình kiến trúc 129 năm tuổi nói trên để làm trung tâm hành chính mới. Tuy nhiên, thời điểm khởi công cụ thể đang chờ ý kiến quyết định của Thường trực Thành ủy TP.HCM.
    Theo TTO-TNO