Mãnh liệt như dẻ

Hạt dẻ chứa 62% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Ảnh TL

Ngoài việc dùng làm thực phẩm, loại hạt này còn là vị thuốc quý dùng để chữa nhiều loại bệnh. Có thể nấu cháo, rang, ăn sống hay hầm với chim bồ câu giúp người bổ thận, chữa ho lâu ngày…  Tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có một người phụ nữ đang ấp ủ ý tưởng làm thương hiệu cho dẻ rừng Cự Nẫm rồi đưa về phố thị

Mối lương duyên cuộc đời.
Nhặt dẻ rừng từ khi còn là một đứa trẻ, chị không ngờ có ngày mình đắm say cây dẻ như bây giờ. Từ những vạt rừng thâm u chị cùng gia đình làm giàu. Chị là Doãn Hoàng Khuyên, người đang ấp ủ dự định đưa hạt dẻ rừng vào các siêu thị ở thành phố lớn.
Đường Hồ Chí Minh ngày cuối tháng 5.2017, đồi Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình giăng kín màn mưa trên hàng ngàn ha rừng. Chỉ tay về phía vạt bông li ti phớt vàng, chị Khuyên cho biết đó là hoa dẻ. Vài tháng nữa thôi, vạt rừng này sẽ mang về gần 3 tỷ đồng, chỉ từ hạt dẻ. Chị cho bà con vào nhặt tự do, nếu có nhu cầu chị mua lại. Mục đích chính của chị là bán thân cây làm than hoạt tính. Vậy là không những chủ rừng mà cả bà con xóm giềng đều có nguồn thu trong mùa nông nhàn.

Năm 1995, chị về xã Cự Nẫm này làm dâu. Mối lương duyên với người chồng giúp chị có thêm một người cha tuyệt vời là “tiến sĩ chân đất” Ngô Văn Lý. Ông Lý nổi tiếng là người yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng và có nhiều đóng góp cho phong trào trồng rừng ở tỉnh Quảng Bình. Thấy con dâu có đam mê với rừng và cây dẻ, ông Lý dần truyền đạt các kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ cây.

“Thời đó, người dân thường xuyên vào rừng chặt dẻ đem bán. Nhà nước khoán rừng, họ cũng chặt làm củi. Cha tôi xót xa lắm. Ông dặn chúng tôi cây dẻ có thể sinh nguồn lợi lớn, lại rất phù hợp thổ nhưỡng mà không phải chăm sóc nhiều. Nhận rừng từ Nhà nước, ông cùng các con chăm tỉa. Tôi học cha và truyền lại cho chồng con, anh chị em”, chị nói.

Rừng Cự Nẫm có đặc tính phân tầng tán rất cao nên phải tỉa tót cây bụi theo định kỳ. Toàn bộ số cây dẻ trên 100 ha rừng của gia đình chị là dẻ tự nhiên, giúp thu lợi mỗi ha khoảng 200 triệu đồng cho chu kì thu hoạch khoảng 5 năm. Thực hiện di nguyện của cha, vợ chồng chị tiếp tục chăm sóc khu rừng này.

Mãnh liệt như dẻ

Theo nhiều bậc thâm niên và những người lính Trường Sơn, dẻ rừng mọc rất nhiều ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Từ hàng trăm năm trước, người Quảng Bình đã biết sử dụng cây dẻ làm củi, làm nhà và hạt dẻ thì chế biến thức ăn.

Dẻ có sức sống mãnh liệt hiếm loại cây nào bì kịp. Bom đạn liên tục rải xuống dãy Trường Sơn những năm tháng chiến tranh, cây dẻ vẫn không bị tận diệt. Bị chặt sát gốc, cây dẻ vẫn mọc lại nhiều nhánh khác và tiếp tục sinh trưởng. Người bản địa gọi dẻ là cây tái sinh.

Sau ngày thống nhất, nạn phá rừng diễn ra tràn lan. Ông Ngô Văn Lý nhận ra nếu người ta cứ chặt hết dẻ thì sẽ không còn rừng, kéo theo đó là hệ sinh thái bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Nông dân Ngô Văn Lý khi đó đã bỏ thời gian nghiên cứu cây dẻ, mạnh dạn đề xuất chính quyền nghiêm cấm khai thác. Đau lòng nhìn những vạt dẻ bị cưa đốn, ông Lý quyết bảo quản 100ha rừng được Nhà nước giao như của báu.

Nhưng đến khi đường Hồ Chí Minh thi công, dẻ phải nhường phần đất sống của mình. Tuy lùi vào rừng sâu, dẻ tiếp tục vươn lên. Vài năm sau, từ công trình bảo vệ và phát triển cây dẻ, rừng dẻ của ông Lý có người đến đặt hàng mua cây làm than hoạt tính. Bà con khắp xã kéo vào rừng ông Lý để nhặt hạt dẻ về bán có thu nhập gấp đôi, gấp ba so với trồng lúa. Mọi người bắt đầu nhận ra giá trị cây dẻ và chung tay bảo vệ, phát triển chúng. Ông Lý được chính quyền và bà con gọi bằng từ thân thương “Tiến sĩ chân đất”.

Là con dâu thứ ba trong gia đình, khônng phải con trai trong nhà nhưng lại được ông Lý truyền dạy tất cả kinh nghiệm chăm sóc cây dẻ.

“Cha là người tôi kính trọng nhất. Nhờ ông, chúng tôi có ngày hôm nay. Quan trọng hơn là bà con trong vùng cũng có thu nhập tốt hơn nhờ rừng dẻ. Ở xứ này, chúng tôi sống chan hòa với rừng nên lộc rừng đãi ngộ để cuộc sống khá giả. Nhờ có rừng dẻ, các loài thú đã quay trở lại. Có lúc mẹ con tôi đang ngủ, heo rừng về đến tận nhà, thích lắm. Gia đình tôi yêu rừng vì đã được học từ người cha yêu rừng một cách đắm say”, chị Khuyên chia sẻ.

Chị Khuyên: Tôi có ý định mua lại hạt dẻ của bà con. Sau đó xây nhà máy chế biến hạt và làm thương hiệu dẻ Cự Nẫm

Làm thương hiệu dẻ rừng Cự Nẫm

Từ nhiều năm nay, hạt dẻ rừng Cự Nẫm theo chân du khách đến tham quan động Phong Nha đi khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, phần lớn đó là những hạt dẻ chỉ sử dụng trong một mùa. Giá một ký hạt dẻ rừng chỉ khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, thông qua nhiều tài liệu, chị Khuyên biết ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, giá hạt dẻ cao hơn đến hàng chục lần. Hạt dẻ Thái Lan, hạt dẻ Đài Loan chiếm lĩnh thị trường, trong khi tại Cao Bằng và Quảng Bình có hạt dẻ ngon, an toàn lại chưa được chú ý đúng mực.

“Tôi có ý định mua lại hạt dẻ của bà con. Sau đó xây nhà máy chế biến hạt và làm thương hiệu dẻ Cự Nẫm. Tháng 8, tôi sẽ vào TP.HCM để đi tham quan các siêu thị và tìm hiểu thị trường hạt dẻ. Tôi hy vọng sẽ có thêm việc làm và thu nhập cho bà con thông qua hạt dẻ Cự Nẫm. Tôi cố gắng làm hạt dẻ dùng được quanh năm mà vẫn an toàn”, chị Khuyên cho biết.

Chị nói thêm: “Gắn bó với rừng từ khi còn là một đứa trẻ, tôi hiểu giá trị do rừng đem lại. Tôi mong mọi người có thể làm giàu được trên mảnh đất này từ rừng”.

10 lợi ích tuyệt vời của hạt dẻ

Ngoài việc dùng làm thực phẩm, loại hạt này còn là vị thuốc quý dùng để chữa nhiều loại bệnh. Có thể nấu cháo, rang, ăn sống hay hầm với chim bồ câu giúp người bổ thận, chữa ho lâu ngày…

Chống oxy hóa 

Hạt dẻ giàu chất chống oxy hóa giúp chống lão hóa da và cơ quan nội tạng. Chất chống oxy hóa có lợi vì chúng tiêu diệt các gốc tự do trên da và trong cơ thể.

Giữ nước cho cơ thể

Hạt dẻ có sự hiện diện của lượng kali và một ít natri do đó giúp điều chỉnh cơ thể giữ nước.

Ổn định năng lượng

Hạt dẻ chứa 76 gam carbohydrate và 3 gam chất béo. Carbohydrate là chất quan trọng để cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp ích cho chức năng hệ thần kinh.

Ngăn chặn thiếu máu

Bệnh thiếu máu thường xảy ra do thiếu sắt. Hạt dẻ rất hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ thiếu máu vì sự hiện diện của sắt và đồng trong hạt dẻ.

Xương khỏe mạnh

Đồng trong hạt dẻ là chất khoáng giúp nâng cao sức mạnh của xương, giúp hình thành hồng cầu và chức năng thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch.

Trợ giúp hình thành hồng cầu

Hạt dẻ cũng giàu axit folic. Để hình thành hồng cầu và tổng hợp DNA, axit folic là rất cần thiết cho cơ thể. Tiêu thụ một ít hạt dẻ mỗi ngày sẽ cung cấp axit folic cần thiết cho sự hình thành của hồng cầu.

Giảm căng thẳng

Hạt dẻ có thể giúp giảm bớt căng thẳng nhờ sự hiện diện của chất chống stress. Kali có trong hạt dẻ giúp cơ thể kiểm soát và giữ mức huyết áp bình thường. Sức khỏe tim mạch trở nên tốt hơn bằng cách ăn hạt dẻ đều đặn mỗi ngày.

Tốt cho sức khỏe tim

Giàu chất dinh dưỡng, chất béo và chất chống oxy hóa mạnh, hạt dẻ bảo vệ cơ thể khỏi bệnh mãn tính liên quan đến tim. Do sự hiện diện của các axit béo omega-3, hạt dẻ hiệu quả trong việc làm giảm triglyceride và làm giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể.

Chống nhiễm khuẩn

Hạt dẻ chứa 62% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Vitamin C là chất chống oxy hóa tự nhiên tan trong nước mạnh giúp cơ thể phát triển sức đề kháng chống lại các tác nhân truyền nhiễm và loại bỏ các gốc tự do gây ung thư trong cơ thể.

Ngăn ngừa táo bón

Hạt dẻ giàu chất xơ. Chất xơ trong chế độ ăn uống sẽ giúp ích cho việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Chế độ ăn uống chất xơ sẽ giúp điều hòa nhu động ruột và do đó giúp ngăn ngừa táo bón.
Thanh Nhã – Nguyễn Dân