Đài Loan quyến rũ cùng chính sách visa nới lỏng!

    Thời tiết bốn mùa ở đây cũng là nét thu hút du khách Việt, đặc biệt là mùa xuân và mùa thu – hai mùa thích hợp nhất để du lịch Đài Loan.

    Chính sách visa ngày càng tiện lợi, đường bay thuận tiện và giá vé máy bay rẻ, Đài Loan đang là điểm đến được nhiều du khách Việt chọn lựa. Số du khách Việt Nam đi Đài Loan đã tăng trên 50% trong năm qua.

    Núi A Lý Sơn ở Đài Loan
    Trà sữa Đài Loan
    Toàn cảnh Đài Bắc
    Tòa tháp Taipei 101 trong dịp Giáng Sinh

    Đường bay thuận tiện

    Du khách từ TP.HCM có nhiều sự lựa chọn hơn khi có đến bốn tuyến bay đến các thành phố lớn của Đài Loan là Đài Bắc, Đài Nam, Đài Trung và Cao Hùng. Riêng tuyến bay Sài Gòn – Đài Bắc, hằng ngày có hơn 10 chuyến do các hãng Vietnam Airlines, Viet Jet, Jetstar Pacific, China Airlines, Eva Air, Mandarin Airlines và Vanilla Air khai thác.

    Vé khứ hồi trong giai đoạn khuyến mãi từ 2,5-2,8 triệu/khách khiến Đài Loan càng được các bạn trẻ ưa chuộng sau khi đã quá quen thuộc với các điểm đến ở các nước lân cận như Thái Lan và Asean.

    Phố cổ Jiufen – một trong những điểm đến hấp dẫn ở Đài Bắc
    Ngắm hoàng hôn ở Tamsui
    Du khách Việt Nam thăm Long Sơn Cổ Tự ở Đài Bắc – Ảnh: Triều Hảo Tourist

    Quang cảnh chợ đêm Shilin (Sỹ Lâm)
    Đài Bắc

    Cảnh đẹp, mới lạ nhưng thân quen Không quá xô bồ và náo nhiệt như Thái Lan, không quá cứng nhắc công nghiệp như Singapore, không quá hoang dại như Philippines, Đài Loan đi vào lòng du khách như “ly trà sữa vừa ngon vừa rẻ nhưng thơm nồng hay xuýt xoa mùi đồ ăn nóng hổi bay lừng khắp phố” như lời của một blogger du lịch.

    Thời tiết bốn mùa ở đây cũng là nét thu hút du khách Việt, đặc biệt là mùa xuân và mùa thu – hai mùa thích hợp nhất để du lịch Đài Loan. Mùa xuân với cảnh sắc tươi rói khi trăm hoa đua nở, mùa thu với lá rụng bàng bạc và cảnh vật liêu trai.

    Cánh đồng trà xanh mướt

    Đài Bắc là điểm đến đầu tiên được ưa chuộng do các tuyến bay dày đặc từ TP.HCM. Thành phố hiện đại sắc màu với tòa tháp Taipei 101 – cũng là biểu tượng của Đài Bắc. Chợ đêm Shilin (Sỹ Lâm) sôi động.

    Long Sơn Tự với kiến trúc độc đáo và cổ kính. Ngắm hoàng hôn ở biển Tamsui (Đạm Thủy) là một trải nghiệm khó quên. Đi xa hơn một chút là làng cổ Jiufen (Cửu Phần), Shifen (Thập Phần) với nét cổ kính Trung Hoa. Công viên điạ chất Yehlieu (Dã Liễu) với những tảng đá có hình dạng kỳ lạ…

    Rừng hoa oải hương lãng mạn ở Đài Trung

    Từ Đài Bắc đến Đài Trung, thuận tiện nhất là đi bằng xe buýt. Đi tàu cao tốc lại là bất tiện bởi phải bắt xe buýt để vào trung tâm thành phố. Đài Trung nổi danh với những cánh đồng trà bạt ngàn, những quán trầu cau với những cô gái ăn mặc hiện đại têm trầu mời khách. Đây cũng là cái nôi của trà sữa trân châu – món giải khát đã trở thành thương hiệu quốc gia của Đài Loan làm mưa làm gió trên toàn cầu.

    Phật Quang Sơn ở Cao Hùng được xem là kinh đô Phật giáo của Đài Loan

    Đài Nam khiêm tốn hơn, nhưng vẫn đẹp với phố cổ và những quán cà phê đầy phong cách. Cao Hùng không chỉ là một thành phố cảng biển nhộn nhịp, mà còn nổi bật với Phật Quang Sơn – kinh đô Phật giáo Đài Loan, với hơn 200 chi nhánh trên toàn thế giới.

    Trà sữa trân châu – thương hiệu quốc gia của Đài Loan

    Đi vài bước ở một con phố trung tâm ở bất cứ thành phố nào ở Đài Loan là một tiệm trà sữa trân châu. Quán trà Chun Shui Tang (Xuân Thủy Đường) ở Đài Trung được xem là nơi phát nguồn của món uống này.

    Quán trà Chun Shui Tang (Xuân Thủy Đường)

    Ban đầu, chủ nhân đầu tiên của quán chỉ bắt chước phục vụ trà lạnh theo cách thức của người Nhật uống cà phệ lạnh (đá). Năm 1988, cô Lâm – một giám đốc phát triển thương hiệu – tình cờ bỏ thêm các loại trân châu và các loại đồ ngọt khác vào ly trà lạnh trong một buổi họp. Ly trà mới được mọi người đón nhận và món trà sữa trân châu được đưa thêm vào thực đơn của quán.

    Trà sữa trân châu – thương hiệu quốc gia của Đài Loan
    Nội thất bên trong quán trà Chun Shui Tang

    Ngày nay, trà sữa trân châu đã trở thành thương hiệu quốc gia của Đài Loan khi xuất hiện khắp nơi, ở mọi con phố lớn ở châu Á, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand. Riêng Chun Shui Tang vẫn là một thương hiệu trà lầu nổi tiếng ỏ Đài Loan. Sau gần 30 năm, trà sữa vẫn còn nằm trên thực đơn và chiếm đến 80-90% doanh thu của chuỗi.

    Ly trà sữa khổng lồ

    Món trà sữa ở đây khá đắt, trong khi các món ăn ngon ở Chun Shui Tang lại giá vừa phải và cạnh tranh với các quán khác. Cô Lâm – người chủ của chuỗi thương hiệu này – không muốn nó phát triển quá ố ạt, kiểu như Starbucks bởi cô chú ý đến “phong cách trà và phục vụ trà Đài Loan”.

    Một nhân viên pha chế của Chun Shui Tang mất đến sáu tháng mới có thể học hết cách pha chế hơn 80 loại trà ở đây. Mỗi ly trà pha ra nhân viên phải dùng dụng cụ đo độ ngọt cho từng ly. Đội ngũ pha chế và đầu bếp ở đây phải cho ra ít nhất 5 loại trà và món ăn mới mỗi năm.

    Bánh bao kẹp thịt (bánh hamburger kiểu Đài Loan)

    Mỗi góc phố Đài Bắc lại là một tiệm bánh ngọt. Mỗi tiệm lại là niềm tự hào của chủ nhân khi có những món riêng, dù chỉ là bánh sừng trâu croissant hay bánh bao nướng. Một ngày của tôi ở Đài Bắc thường bắt đầu ở một tiệm bánh với những món bánh mới lạ của tiệm và một ly cà phê.

    Tàu hủ thối – một trong những đặc sản nổi tiếng của ẩm thực Trung Hoa​

    Tàu hủ thối lại là một trải nghiệm khó quên. Tôi không ưa nó, nhưng không quên ấn tượng với khứu giác của mình. Giữa đêm, phóng xe máy trên đường phố Đài Trung với người bạn Đài, tôi khịt khịt mũi: “Giữa phố như thế này mà có trang trại nuôi heo à?” Nó cười khà khà “Tàu hủ thối đó!” và kéo tôi vào bên góc phố.

    Cơm thịt kho Tàu kiểu Đài Loan
    Mì thịt bò

    Cơm thịt kho Tàu kiểu Đài Loan, mì thịt bò, trứng đúc hàu… sẽ là những món ăn khó quên. Ẩm thực Đài chú trọng vị dịu ngọt tự nhiên của thực phẩm, đậm hơn một chút so với đồ ăn Nhật và không quá đậm đà như món ăn Việt Nam.

    Trứng đúc hàu

    Vài ngày, vài tuần hay cả tháng. Rồi bạn sẽ không quên khi đã đi du lịch Đài Loan.

    Hồ Nguyên Thảo (Theo Thời Đại)