Đối trị với cái ác chính là hành động

    Sự thờ ơ của đám đông vội vã có khi lại là căn nguyên của cái ác. Ảnh: Japan Times / Getty Images
    Bài viết này chỉ nhằm gợi mở cho việc đọc một cuốn sách mỏng có tựa Cái ác của Paul Ricoeur (chỉ khoảng 70 trang nội dung ông viết) nhưng dày tri thức bởi các vấn đề cốt lõi về cái ác được đặt ra xuyên suốt lịch sử triết học. Cuốn sách do NXB Hồng Đức và Phan Book ấn hành tháng 3.2021.
    Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn – dịch giả cuốn sách đã nhận định: “Việc đọc những luận văn ngắn nhưng đậm đặc như thế quả không dễ dàng, nhưng thật ý vị. Chúng không đơn thuần là những trang viết khô khan, trừu tượng của trí não, trái lại, là những dòng tâm huyết lắng đọng của cả một đời suy tưởng về chính cuộc đời”.
    Chúng ta, ai cũng vô tình hay hữu ý đều tham dự vào cái ác. “Con người luôn đứng trước câu đố nan giải về cái ác (hay sự dữ) và hậu quả song hành với nó: Sự đau khổ muôn đời của những nạn nhân. Ở quy mô toàn nhân loại, đó có thể là chiến tranh, tội ác, thiên tai, dịch bệnh, nạn đói. Ở phạm vi cá nhân là bệnh tật, khổ đau, bất công, trầm cảm, mất mát người thân và những gì yêu quý, cũng như cả cái chết của mình” (mấy lời giới thiệu của người dịch).
    Vậy cái ác từ đâu ra, tại sao con người lại ác (với nhau) mà có khi cả với chính bản thân mình?
    Dưới cái nhìn triết học, thần học mà mục đích là để tìm ra cái căn nguyên của tính ác mà đã hàng ngàn năm nay, các triết gia, nhà thần học luận giải bằng cách vào đề bằng câu hỏi: Có Thượng đế hay không? Tại sao ngài để cái ác “vào trong” con người hay chính con người – một sản phẩm của Thượng đế (?) tự khởi sinh ra nó?
    “Hegel phát hiện cái ác ở ngay trong bản thân sự tố cáo, vốn là nơi khai sinh ra nhãn quan luân lý về cái ác. Vậy sự tha thứ nằm ở đâu?”.
    Đối mặt hay tranh đấu với “cái ác” quả là một thử thách không dành cho kẻ yếu, vì ít ai dành thời gian cho việc tự vấn hay đối mặt với sự ác xấu bên trong mình hoặc dám đi sâu vào căn tính của nó. Phần lớn con người chỉ (muốn) nghe hoặc nói về cái ác, phán xét, đàm tiếu và chê trách, lên án và phẫn nộ, họ không biết mình đang tham dự vào cái ác bằng thái độ như vậy.
    Nhưng, đọc Cái ác của các triết gia luận giải thì khác, nó buộc chúng ta phải mạnh mẽ và can đảm để nhận thấy cái ác bên trong mình nhằm giảm thiểu tính ác, đó mới là mục đích của cuốn sách này. Nó không lên án hay phẫn nộ, nó hoàn toàn là những phân tích rất phân minh về “tinh thần (rốt cuộc) xác tín về chính mình” (theo Hegel).
    Bìa sách “Cái ác” của Paul Ricoeur do NXB Hồng Đức và Phan Book ấn hành
    Nhưng thế giới đã vốn rất… ác ư? Làm sao để có thể nhân rộng tính thiện để đối trị và giảm thiểu cái ác?
    “Hành động nào, dù mang tính đạo đức hoặc chính trị, giảm thiểu độ bạo lực do người này gây ra cho người khác, cũng sẽ giảm thiểu mức độ đau khổ trong thế giới”, Paul Ricoeur viết.
    Trong một buổi thuyết giảng về lòng từ bi, Ngài Dalai Lama có nói: “Bạo lực đặt nền tảng rất nhiều vào khái niệm mạnh mẽ chỉ nghĩ cho riêng mình, thờ ơ với cuộc sống người khác, quyền của người khác, hạnh phúc của người khác. Vì loại động lực như thế sẽ không ngần ngại gì đối với việc giết hại người khác.
    Nếu bạn có lòng quyết tâm chân thành đến phúc lợi của tha nhân, tự động bạn sẽ phát triển sự tôn trọng đối với cuộc sống của người khác, phúc lợi của người khác. Như vậy, cũng không còn chỗ cho sự bắt nạt, lừa gạt và bóc lột người khác. Vì vậy, nền tảng của hòa bình là từ bi. Điều đó cũng phải được bắt đầu từ tâm thức của mỗi cá nhân”.
    Cái ác không hề xa lạ hay ở “tận đẩu tận đâu” trên toàn cầu, nó ở ngay trong lòng chúng ta nếu không ý thức để loại trừ sự đau khổ gây ra cho bản thân và cho người khác.
    Và như dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã viết trong lời tựa của tập sách: “Paul Ricoeur không chỉ đặc biệt quan tâm mà hầu như dành trọn đời để “vật lộn” với vấn đề cái ác. Trong những văn bản có tính tự truyện, ông giải thích điều này bằng trải nghiệm đau buồn của bản thân ông về cái ác và sự đau khổ từ thời tấm bé: Ông mất cả song thân (mẹ qua đời ngay sau khi sinh ông và cha tử trận năm 1915 khi ông mới lên hai). Sự mất mát ở tuổi thơ lớn dần thành nỗi ám ảnh và tra vấn triết học trong những thập niên 40 và 50 của thế kỷ XX. Ông triển khai một triết học về ý chí và qua đó phát hiện cả sự bất như ý lẫn sự mất tự do về ý chí, sự bất toàn và tội lỗi. Ông kết thúc triết học về ý chí bằng một “Biểu trưng học về cái ác”, tức một lý giải triết học về những tuyên ngôn có tính biểu trưn g của các tôn giáo về cái ác, nguồn gốc, sự thống trị và việc khắc phục nó”. (sđd, trích “mấy lời giới thiệu của người dịch”).
    Cái cốt lõi của Paul Ricoeur là đưa ra một sự thách thức với triết học nhằm lý giải cái ác. Và cuối cùng ông kết luận: Sau khi đã suy tư về nó thì chúng ta chỉ có thể hành động và cảm thụ mà thôi.
    Ngân Hà (Theo TGHN)
    Thoáng mát và tự tin với dung dịch vệ sinh Sime