Nếu thế giới này được xây dựng bằng đồng tiền, thì ai sẽ bán nó đi?

    Chợ nổi Sóc Trăng- nơi con người miền Tây mưu sinh không có nổi ý.
    Nhà báo Katharina Buchholz, ngày 3.6.2021 có viết một bài với tựa Những quốc gia bị người giàu rời bỏ trên trang statista.com về những người giàu ở Trung Quốc và Ấn Độ rời bỏ đất nước họ để đến một đất nước khác sinh sống để thoát khỏi chế độ độc tài, được hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục, sự an toàn và mức sống tốt hơn. Họ đi đâu?
    Theo bài báo, có khoảng 16.000 người giàu Trung Quốc và 7.000 cá nhân siêu giàu ở Ấn Độ đã đi khỏi quốc gia của họ vào năm 2019. Và nước Úc đứng đầu trong danh sách lựa chọn của những cá nhân này, tiếp theo đó là Mỹ và Thụy Sĩ. Ngoài ra, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng nằm trong số 10 quốc gia thu hút giới siêu giàu nhờ khí hậu nắng ấm cùng với các chương trình cho phép các nhà đầu tư tiếp cận quyền cư trú và quốc tịch EU.
    Giàu có là điều kiện tiên quyết để phát triển, nước Mỹ với hơn 300 năm lập quốc, đã ra sức tiêu diệt các thổ dân để chiếm đất làm của cải. Nước Mỹ cũng là nơi xác lập sức mạnh của đồng tiền để có thể “mua” tất cả với câu nói nổi tiếng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”.
    Nhưng để cân bằng, trên đồng tiền của nước Mỹ có in câu: “In God we Trust”. Nước Mỹ trao quyền tự do dân chủ cho người dân dù biết rõ điều này cũng chỉ mang tính tương đối, vì thế nước Mỹ có một hệ thống luật pháp chặt chẽ. Bên cạnh những trào lưu xiển dương nhân tính, quyền con người và xã hội nhân văn, nước Mỹ cũng cho phép sở hữu súng và là nơi sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Nước Mỹ sòng phẳng với con người và không hề ảo tưởng về tự do dân chủ sẽ dẫn đến điều tốt đẹp, bởi thật sự nó chỉ mang tính tương đối. Dân trí cao hay thấp cũng không còn quan trọng với nước Mỹ, nó là nơi mà giúp cho bạn đạt đến “giấc mơ Mỹ” nhưng nó cũng là nơi tước đoạt nhanh nhất mọi thứ của bạn nếu không biết chế ngự lòng tham.
    Vì sao tôi nhắc đến nước Mỹ mà không phải châu Âu hay Úc?
    Bộ phim Lời đề nghị khiếm nhã của đạo diễn Adrian Lyne sản xuất năm 1993 nổi tiếng chính là một mô phỏng về những giá trị của nước Mỹ. Tất nhiên, cái kết thúc nhạt nhẽo, vô vị và cố làm ra vẻ có “tình người” đã không mang ấn tượng gì nhiều. Kịch bản phim chỉ có tính cao trào khi người chồng ghen tuông với đêm triệu đô của vợ trong tay triệu phú. Đó mới chính là đời sống thật.
    Có hai câu nói trong phim cho đến nay sẽ chưa có lời giải đáp:
    Triệu phú: Cái gì mà chẳng để bán?
    Người phụ nữ: Có cái không bao giờ có thể mua được.
    Triệu phú nói ông có thể mua bất kỳ cái gì bằng tiền vì tất cả mọi thứ đều để bán, đó là lý lẽ cơ bản của người kinh doanh tiền tệ. Không sai.
    Người phụ nữ tin rằng tình yêu là có thật và người ta có thể mua được thân xác, nhưng không mua được tình yêu mà cụ thể đó là cảm xúc. Có thật đúng vậy không?
    Nhưng lời người phụ nữ khiến cho ta do dự và đặt câu hỏi lại. Điều gì khiến cho chúng ta do dự? – Đó cũng chính là cảm xúc. Và cảm xúc chính là thứ mong manh, dễ tan vỡ nhất nếu không có ý chí của con người tự do.
    Trở lại với những người giàu có rời bỏ tổ quốc để đi tìm một nơi sống tốt hơn, liệu họ có giằng xé giữa cảm xúc với quê hương với một cuộc sống thỏa mãn mọi nhu cầu của con người. Liệu họ có cần phải biện minh cho những cảm xúc con người khi họ sẵn sàng trả giá cho mọi thứ?
    Nếu thế giới này được xây dựng bằng đồng tiền, thì ai sẽ bán nó đi?
    Chúng ta có thể ngăn lại hay không?
    Những lùm xùm gần đây chung quanh câu chuyện mua – bán vaccine và lợi dụng cả lòng trắc ẩn để quyên góp từ thiện khiến cho chúng ta thấy, việc đẩy cảm xúc vào những vị lợi đã khiến con người nảy sinh lòng tham.
    Nhưng tòa án lớn nhất không phải từ những tiếng chửi rủa hay xúc phạm mà chính là lương tâm con người. Và như câu “In God we Trust”, nếu không có “Thượng đế”- vị phán quan trong mỗi chúng ta, thì quả nhiên, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền, cả sự im lặng của những người vốn lớn lối nhất bấy lâu. Vì nếu chúng ta không lên tiếng, im lặng cũng chính là đồng lõa, thỏa hiệp.
    Tịnh Thủy (Theo TGHN)
    Cám ơn Doanh nghiệp đồng hành cùng “Vòng tay Việt”