Lên zoom bàn chuyện làm nông

    Ông Peter Randall (giữa)trên cánh đồng lúa và yến mạch hữu cơ của ông ở New South Wales. - Ảnh: Randall Organics
    Chương trình giao lưu trực tuyến giữa người nông dân trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nhà nông trồng lúa hữu cơ từ Úc đã được tổ chức hai đợt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 rồi. Mekong Organics, một doanh nghiệp được hình thành để hỗ trợ nhà nông nhỏ chuyển đổi sản xuất hữu cơ tại Việt Nam và vùng Mekong, là đơn vị đứng ra tổ chức chương trình này. Hoạt động này nằm trong dự án đối tác nông nghiệp hữu cơ Úc-Việt trực tuyến do tổ chức Rotary Club of Hall tài trợ.
    Thay vì chỉ có sáu nhà nông Việt đi Úc như kế hoạch trước đây, giờ đây hàng trăm nhà nông khác được dịp tiếp cận với nền nông nghiệp hữu cơ của Úc thông qua Zoom.
    Tôi rất vui khi lần đầu tiên được thấy nông dân Việt Nam, trong đó có phụ nữ ở vùng sâu của ĐBSCL và cả Tây Bắc sử dụng công nghệ số qua ZOOM, chăm chú lắng nghe hơn hai giờ đồng hồ và rất tự tin đặt nhiều câu hỏi thiết thực, nhiều vốn sống thực tiễn, thậm chí rất am tường về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trước cách đặt câu hỏi rất thông minh từ phía nông dân Việt Nam, các nhà nông Úc đã hăng hái, sẵn sàng chia sẻ hết kinh nghiệm sản xuất và thương mại lúa gạo hữu cơ trong 30 năm qua.
    Tuy nhiều câu hỏi chưa thể  giải đáp hết vì thời gian có hạn, nhưng ông Peter Randall hứa sẽ đến Việt Nam – khi kiểm soát được dịch Covid-19 – cùng đoàn Mekong Organics để ra đồng với nông dân và giải thích cặn kẽ thêm.
    Trước đó, Mekong Organics đã tổ chức thành công một buổi giới thiệu trực tuyến về chương trình chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ NASAA Úc và thị trường hữu cơ Úc đến với cộng đồng doanh nghiệp, nhà nông, các viện trường, tổ chức phi chính phủ tham dự. Buổi hội thảo đã thu hút hơn 127 người tham dự, trải đều từ Tây Bắc, Hà Nội, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
    Trong năm 2021, Mekong Organics sẽ tổ chức nhiều sự kiện kết nối nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với châu Âu, Mỹ, Nhật, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc… Hai buổi trực tuyến vừa rồi đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, như ông Andrew Leu (cựu chủ tịch IFAOM – người phát triển ý tưởng nông nghiệp tái sinh), ông Alan Broughton (PCT Hội Nông nghiệp hữu cơ Úc vùng Bairnsdale, Victoria), bà Alex Mitchell (giám đốc NASAA) và bà Tammy Partridge (giám đốc NCO, đơn vị chứng nhận hữu cơ NASAA), các chuyên gia nông nghiệp hữu cơ từ Úc, Viện FiBL (Thụy Sĩ), Viện Nông thôn Á Châu Nhật Bản… Mekong Organics vận hành chương trình 2021 theo dạng đặt hàng theo từng chủ đề nhằm tháo gỡ về kỹ thuật và thị trường cho nông sản hữu cơ.
    Đặc biệt, trong chương trình này Mekong Organics sẽ tổ chức một study tour ảo (trực tuyến). Tôi và ông Alan Broughton sẽ lái xe hàng nghìn cây số đi đến các trang trại trồng lúa hữu cơ, cà phê hữu cơ, gà, vịt, heo, chuối, xoài, cây dược liệu và cây gia vị hữu cơ, để phỏng vấn, ghi hình, giao lưu trực tuyến qua ZOOM tại trang trại, làm video clip đào tạo nông dân về sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ từ Úc.
    Cánh đồng lúa hữu cơ nông trường Cá Bờ Đập, Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng do anh Tạ Minh dẫn dắt.

    Sứ mệnh kết nối

    Được hình thành phi chính thức từ 2017 tại Việt Nam, ngay từ đầu, Mekong Organics  đã thực hiện sứ mệnh kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ giữa Việt Nam và Úc Châu. Diễn đàn phát triển nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của ĐBSCL tại Đại học An Giang (tháng 1.2019) đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự từ viện – trường, doanh nghiệp, nhà nông, tổ chức xã hội cộng đồng sản xuất nông sản hữu cơ tại ĐBSCL và một số tỉnh thành chuyển động theo hướng hữu cơ ở miền Nam. Các tổ chức quốc tế từ Úc và các nước vùng Mekong đã đến dự. Dự án được Đại sứ quán Úc chọn là một trong các dự án tiêu biểu của chương trình.
    Năm 2019, Mekong Organics chính thức đăng ký là một doanh nghiệp tại Canberra, Úc. Trang web Mekong Organics mô tả chi tiết hoạt động và kết nối mạng lưới tại Việt Nam để phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa hai quốc gia Úc – Việt.
    Đầu tiên Mekong Organics nhận được một nguồn tài trợ nhỏ từ quỹ Australian Alumni Grant Fund của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Khoản tài trợ này dành cho ba cựu du học sinh Úc từ Đại học An Giang triển khai dự án “phát triển đối tác Việt – Úc cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở hai quốc gia”. Với mục tiêu, sứ mệnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ tại vùng Mekong, trong năm 2020 Mekong Organics nhận được một quỹ tài trợ nhỏ từ Rotary Club of Hall tại thủ đô Canberra hỗ trợ 6 nhà nông làm hữu cơ từ ĐBSCL sang Úc giao lưu với nông dân hữu cơ Úc.
    Vẫn nuôi ý định như ngày đầu, khi kiểm soát được dịch Covid-19, chúng tôi sẽ mời các nhóm nông dân từ Việt Nam tham gia giao lưu trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm sản xuất hữu cơ từ Úc, chia sẻ những thành tựu về sản xuất lúa – tôm, cá, rau, cà phê, tiêu… theo tiêu chuẩn hữu cơ với các bạn nhà nông Úc. Các chương trình được thường xuyên cập nhật trong website Mekong Organics, Facebook, YouTube, Zalo và Instagram.

    Tại sao phải tới Úc?

    Trong số 570 triệu nông dân trên thế giới, có đến 475 triệu nông dân có diện tích đất canh tác nhỏ hơn 2 hecta. Một bài báo trên tạp chí Springer Nature trong tháng 10.2020 đã cho rằng các nghiên cứu trước đây đã ưu tiên không đúng trong thời gian qua. Do đó, bài báo này đề xuất: “khoa học cần tập trung nghiên cứu vào nông hộ nhỏ và gia đình của họ”.
    Úc được thế giới biết đến với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp chính xác và nông nghiệp thông minh với cánh đồng hàng nghìn hecta đất, vẫn phát triển số đông là nông trại quy mô nhỏ (vài hecta) để sản xuất theo phương pháp vĩnh cữu (permaculture) và hữu cơ. Đó là đặc trưng của nền nông nghiệp hữu cơ Úc.
    Cuộc thảo luận được livestream, đưa lên Facebook và YouTube chia sẻ đến tất cả bà con nông dân. Tôi rất vui vì nông dân của kỷ nguyên mới không còn lẻ loi mà có thể làm bạn xuyên quốc gia, có thể học xuyên biên giới và có thể bán hàng trên mạng.
    Nhóm nhà sản xuất vùng Brogo là điển hình rất thành công trong việc hợp tác giữa các nông dân sản xuất nhỏ lại với nhau thực hiện theo tiêu chuẩn PGS (participatory guarantee system) được thúc đẩy bởi IFAOM (Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ thế giới).

     Câu chuyện hợp tác thành công của nhóm PGS Đông Nam NSW (làng Brogo) Úc và cơ sở sản xuất nhỏ của Ếch Ộp (tại Mỹ Quý, Long Xuyên, An Giang – Việt Nam); nhóm Abavina tại TP Cần Thơ; nhóm nông trường Cá Bờ Đập (Trần Đề, Sóc Trăng); nhóm HTX cà phê sinh thái hữu cơ Tây Nguyên (Dũng Krông Năng); HTX Tấn Đạt, Trung Ngãi, Vũng Liêm, Vĩnh Long; nông dân lúa mùa sinh thái Tư Việt, Kiên Giang; nhóm trồng rau thiên nhiên Thật Dưỡng Sài Gòn và nhiều nhóm nông dân sản xuất nhỏ tại Việt Nam, được chia sẻ trong buổi thảo luận nhằm khắc họa dấu ấn của mô hình quy mô nhỏ hướng tới chuẩn mực.

    Trong đó, mô hình PGS đã hình thành và phát triển mạnh tại miền Bắc Việt Nam từ đầu những năm 2000 do Ino Mayu ( dự án Seed to Table) kiên trì xây dựng và một tổ chức từ Đan Mạch cũng đã hỗ trợ phát triển nhóm PGS Việt Nam do bà Từ Tuyết Nhung dẫn dắt. PGS rau hữu cơ đã được phát triển tại TP Hội An, Quảng Nam (do một tổ chức phi chính phủ tại Hội An dẫn dắt), và tỉnh Bến Tre do tổ chức Seeds to Table được dẫn dắt bởi cô Ino Mayu. Năm 2021, tại tỉnh Đồng Tháp chính phủ Nhật Bản tài trợ để thực hiện chương trình đào tạo nông nghiệp hữu cơ PGS từ tổ chức Seeds to Tabl
    TS. Nguyễn Văn Kiền – CEO Mekong Organics (Australia)
    Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch