Nấm tràm Quảng Bình: Ngon chi mà ngon dữ!

    Niềm vui sau buổi hái nấm tràm

    Tháng bảy, đường Hồ Chí Minh chạy từ cầu Thụp Núp về động Phong Nha mưa giăng kín. Mưa phủ lê thê lên đồi Cự Nẫm đến phát ngán. Vậy mà lí do du khách nán chân lại vạt rừng tẻ lạnh chỉ bởi một món ngon đặc biệt: nấm tràm.

    Nấm tràm mọc trong rừng tràm, tới mùa mưa, người dân địa phương rủ nhau vào rừng hái nấm rồi đem về các chợ huyện, chợ tỉnh bán. Theo các cao niên ở đồi Cự Nẫm, trước 1975, bom đạn chiến tranh rồi sau đó tốc độ đô thị hóa dần xóa đi những vạt rừng tự nhiên.

    Sau đó, nhà nước khoán rừng cho dân để trồng cây tràm thì nấm tràm xuất hiện nhiều đến hôm nay. Nấm tràm có màu đỏ nhạt, vị đắng. Sau khi hái, nấm được cắt chân, gọt vỏ đỏ thì từng sớ nâm trắng lộ ra như thịt gà. Tiếp đó ngâm nấm tràm với nước muối loãng cho tan bớt vị đắng. Nấm tràm Cự Nẫm chế biến được nhiều món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với lá khoai lang. Vị ngọt thanh của khoai lang át bớt chất đắng của nấm tràm.

    Nấm tràm và đọt trơng

    Chị Thơ, một phụ nữ hái nấm nói ví von lá khoai lang như vợ ngọt ngào. Còn nấm tràm như người chồng nóng tính. Không ông chồng nào còn “sửng cồ” được khi có người vợ dịu dàng. Cho nên chan một bát canh nấm giữa những buổi mưa giông, sau giờ đi rừng là gia đình thuận hòa, hạnh phúc.

    Thực ra, nấm tràm còn được nấu thành một món khác nữa đặc biệt hơn nhiều: đó là xào nấm với lá trơng. Trơng là một loại cây bụi, lá có gai nhọn đâm tứa máu người hái. Ngọn trơng mới ra thì xanh non, nõn nà. Lá trơng có vị chát, thơm mùi dịu rất dễ chịu.

    Nấm xào sơ trên dầu phộng, nêm gia vị vừa đủ rồi thả lá trơng vào cho héo mặt là có thể dùng ngay. Giá mỗi kí nấm tràm ở tại Cự Nẫm khoảng 30 ngàn đồng.

    Hiện nay chưa có công nghệ bảo quản được nấm tràm lâu hơn nên người dân địa phương chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Nếu bảo quản nấm trong ngăn đá tủ lạnh thì cũng chỉ để được tối đa một tháng là nấm mất phẩm chất và dễ hư. Tuy nhiên, cũng có không ít Việt kiều là người Quảng Bình về nước, đông lạnh kiểu này rồi đem nấm tràm đến Mỹ, đến châu Âu ăn cho đỡ nhớ.

    Một bé gái đi hái đọt trơng

    “Thời trước đói khổ, nấm tràm hay hạt dẻ nấu lên làm cháo để ăn. Bây giờ thì món ăn gì cũng thành đặc sản. Khách du lịch các nơi đi ngang Phong Nha ghé qua mua nhiều đến nỗi chợ Đồng Hới cũng thiếu nấm tràm để bán cho dân phố thị. Cái ngọt ngào dễ quên, nhưng đắng cay thì nhớ suốt đời. Nấm tràm hấp dẫn du khách là vậy!” Chị Thơ nói.

    Nấm tràm bây giờ nổi tiếng đến mức bất kỳ tour chuyến nào tới Quảng Bình, hướng dẫn viên cũng đặt món ăn cho du khách là canh nấm tràm. Dĩ nhiên, du khách chỉ nên đi vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8 mới được thưởng thức.

    Dân Thanh