Phong trào “độ” xe hơi mới rộ ở Sài Gòn

    Phong trào "độ" xe hơi ở Sài Gòn bắt đầu từ năm 2015 khi người dân dùng xe đi dã ngoại, picnic nhiều hơn. - Ảnh: Nguyễn Dương
    Trước khi “độ” xe hơi cho khách, anh Đinh Văn Tuấn phải mua một chiếc mới về nghiên cứu kỹ, thậm chí gắn thử một số phụ kiện cho xe mình. Dù vậy nhưng khi khách đưa ra yêu cầu “độ”, không phải món nào anh cũng chịu làm.
    Đã dã ngoại thì phải độ xe
    “Độ” xe là cách nói dân dã của người sở hữu xe hơi ở Sài Gòn. Tại các nước có phong trào “độ” xe rộn rã như Mỹ, Úc hay Thái Lan, người ta hay gọi là nâng cấp (upgrade) hay bổ sung công nghệ và tính năng mới (retrofit). Tại Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, phong trào này nở rộ từ năm 2015 vì nhiều lý do.
    Thời điểm năm 2015, khi những chiếc xe bán tải không chỉ để chở hàng mà được dùng nhiều cho mục đích dã ngoại tự lái hay off-road, thì chuyện “độ” xe đã không còn hiếm. Từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh lan rộng, nhu cầu sử dụng xe riêng cũng góp phần đẩy phong trào này nở rộ. Anh Đinh Văn Tuấn – chủ chuỗi cửa hàng phụ kiện xe hơi Nova 4×4 ở TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày anh “độ” cho khoảng 30 – 40 chiếc.
    Người sở hữu xe hơi dòng sedan thường chỉ muốn gắn thêm một số phụ kiện cơ bản như camera hành trình, camera 360 độ hay dán phim cách nhiệt. Còn dân lái xe gầm cao như SUV hay bán tải thì thích làm nhiều thứ hơn. Với hơn 10 năm theo nghề và “độ” cho hơn 10.000 chiếc xe hơi, anh Tuấn cho biết xe “độ” nhiều nhất vẫn là xe bán tải. “Độ xe là đam mê và nhu cầu chính đáng, những ai lỡ mê rồi thì khó dứt ra được, suốt ngày nghiên cứu xem còn độ thêm được phần nào nữa không”, anh Tuấn chia sẻ.
    Dân độ xe bán tải thì chủ yếu dùng để đi dã ngoại hoặc off-road (khám phá theo đoàn). Để vượt qua những cung đường có địa hình trắc trở, họ độ đủ thứ. Bộ camera hành trình phải có, đèn phải sáng, khung gầm phải chắc, nhất là bánh xe phải lớn và dày. Với những người hay đi đường rừng hoặc đồi núi, xe nhất thiết phải có thêm bộ dây tời điện. Khi vào đường sình lầy hoặc bị tuột dốc, bộ dây tời có thể giúp tài xế tự thoát ra một mình mà không cần cứu hộ.
    Với dân chơi off-road hạng “nặng”, họ thường gắn thêm ống thở (ống hút gió động cơ) để vượt qua được những đoạn đường ngập nước sâu. Bình thường, xe bán tải chịu ngập nước được 40 – 60 cm. Nhưng khi có ống này, khả năng “lội nước” của xe có thể lên hơn 1m. Ống này được gắn vào một bên xe và đưa lên cao, dù máy có ngập nước nhưng ống thở chưa bị ngập thì xe vẫn chạy được. Với những phụ kiện đặc biệt này, ngoài nhu cầu off-road, những tài xế này cũng dễ dàng lái xe đến được những nơi xa xôi trắc trở để chung tay làm thiện nguyện.
    Anh Tuấn nói đã là dân dã ngoại hoặc off-road đều thích “độ” xe. Chủ yếu để biến một chiếc bán tải hay dằn xóc trở nên êm hơn, hoặc gắn phụ kiện để bảo vệ xe khỏi va đập khi vượt qua những cung đường có địa hình xấu. Tùy theo nhu cầu của chủ xe, chi phí “độ” cho dòng xe bán tải có thể dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy vào độ “chịu chơi” của người cầm lái. Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, dân chơi bán tải hầu như không bị ảnh hưởng gì, bởi vậy nhu cầu này chỉ có tăng chứ không hề giảm.
    Chuyên gia “độ” xe hơi Đinh Văn Tuấn
    Vô vàn “độ” khó
    Đa số dân chơi off-road muốn “độ” xe là để phục vụ nhu cầu cần thiết, nhưng không ít phụ kiện khi gắn lên là phạm luật ngay. Dễ thấy nhất là đèn pha và bánh xe. Theo quy định đăng kiểm, xe không được thay đổi kết cấu tổng thành khung. Còn trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2010, xe không được lắp thêm đèn pha. Anh Tuấn cho rằng, các quy định này chưa thật sự thực tế và làm khó dân chơi off-road.
    Việc gắn đèn pha (chiếu xa) với dân chơi off-road là để phục vụ khi qua những đoạn đường rừng, sương mù hoặc đoạn đường thiếu ánh sáng. Nhu cầu đi đường địa hình xấu cũng cần lốp xe dày và to hơn để tránh bị nổ lốp giữa đường. Thế nhưng xe cứ gắn thêm đèn là đã vi phạm, thay vỏ lớn hơn có thể bị từ chối kiểm định. Theo anh Tuấn, việc này cũng xuất phát từ một số tài xế thiếu ý thức khi “độ” xe, hay mở đèn pha ở bất cứ địa hình nào cho sướng. Điều này ảnh hưởng đến dân chơi off-road nói chung. Tuy nhiên, để tránh nguy hiểm, không ít dân off-road vẫn chấp nhận chịu phạt để trang bị thêm các phụ kiện cần thiết trên.
    Ngoài cái khó này, theo anh Tuấn, không phải chủ xe muốn “độ” gì cũng được. Muốn gắn phụ kiện mới phải đánh giá lại xem xe đã gắn những phụ kiện gì rồi, không phải cứ hợp với xe là gắn. Bên cạnh đó, với một số mẫu xe, dù người chơi có nhu cầu nhưng muốn tìm cũng không có phụ kiện. Đối với dòng xe bán tải, hầu hết chủ xe đều muốn chỉnh ghế ngồi có thể ngã ra sau một chút, so với phiên bản gốc là thẳng đứng. Thế nhưng với dòng xe Jeep (phiên bản bán tải) mới về Việt Nam hồi cuối năm 2020 thì muốn cũng không được.
    Anh Tuấn lý giải, phong trào “độ” xe mới rộ lên gần đây nhưng còn những luật lệ, quy định hạn chế nên chưa phát triển mạnh lắm. Do đó các hãng sản xuất phụ kiện ở Việt Nam cũng chưa có nhiều, hiện nay chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Đồng thời, các mẫu xe mới ở Việt Nam chưa có nhiều người dùng thì chi phí “độ” cho phụ kiện mới khá cao, rất rủi ro cho các cửa hàng “độ” xe. “Để xử lý vấn đề này, cần có lượng người dùng đủ lớn, hoặc đại lý Jeep phải đầu tư vào việc sản xuất ra thiết bị mới cho khách hàng”, anh Tuấn nhận xét.
    Dương Nguyễn
    Hãng bia San Miguel trồng đước, nuôi cua để xây sân bay 15 tỷ USD