Giảm stress thời đại dịch

    Cá giàu DHA và EPA có tác dụng giảm stress. ảnh: TLAN
    Công việc ách tắc, thu nhập giảm, thường xuyên ở nhà vì giãn cách xã hội… Nhiều tiêu cực thời dịch giã như thế khiến tinh thần con người chao đảo.
    Hùng, nhân viên văn phòng, 35 tuổi, giảm thu nhập 50% vì công ty gặp khó khăn. Hàng ngày anh làm việc ở nhà, vừa phải hoàn thành công việc của công ty lại vừa chăm đứa con 6 tuổi do vợ đi phụ người bà con buôn bán. Hùng nói: “Ba tháng nay tôi thường cau có, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ”.
    Theo các chuyên gia tâm thần, một chút stress sẽ có lợi cho con người vì giúp họ thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống. Nhưng stress nặng như trường hợp Hùng, nếu để kéo dài lại dễ dẫn đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, trầm cảm, ung thư.
    Thống kê năm 2017 của bộ Y tế cho thấy có đến 15% người Việt Nam đã từng hoặc đang bị stress. Thời đại dịch, con số đó chắc chắn nhiều hơn. Liệu con người có thể hóa giải stress để vượt qua đại dịch một cách an toàn được không? Các chuyên gia khẳng định có thể làm được nếu áp dụng một số gợi ý sau:
    1. Hành thiền
    Nghiên cứu tại Mỹ năm 2017 cho thấy hành thiền giúp giảm lượng cortisol (hormone trong máu gây hại cho cơ thể), giảm huyết áp và nhịp tim. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, trưởng đơn vị điều trị ban ngày – Bệnh viện đại học Y dược cơ sở 3, cho biết thiền là sự huấn luyện tâm trí, giúp đầu óc suy nghĩ có chủ đích chứ không lan man, để lòng trống không, tâm phẳng lặng không lo sợ, không mong cầu, không để chuyện lo buồn tác động tới tâm trí.
    1. Tập luyện
    Các bài tập thể chất không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có ích cho sức khỏe tinh thần. Giới nghiên cứu nhận thấy hình thức tập nặng như aerobic hoặc tập nhẹ như yoga đều giúp giảm cortisol và tăng endorphin (hormone giúp thoải mái, dễ chịu). Bác sĩ Vũ gợi ý tập các tư thế nằm, ngồi, đứng 3 lần/ngày, 30 phút/lần. Chẳng hạn sáng tập tư thế từ nằm sang ngồi và đứng. Trưa tập thư giãn. Chiều tập từ đứng sang ngồi và nằm. Ông nói: “Không cần tập nhiều mà chỉ cần đều đặn và từng bước nâng mức độ khó của động tác để giúp cơ thể thích nghi với khó khăn trong cuộc sống”.
    1. Nghe nhạc
    Nghe những bài nhạc yêu thích có thể làm giảm stress, thư giãn cơ bắp và xoa dịu tâm hồn. Bác sĩ CK 2 Lâm Hiếu Minh, chuyên ngành tâm lý – tâm thần, cho biết âm nhạc là phương thuốc tốt giúp chữa lành các sang chấn tinh thần và thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu.
    1. Ăn uống lành mạnh
    Một số thực phẩm có thể làm giảm stress và lượng cortisol trong máu. Trước nhất là thực phẩm giàu DHA và EPA như cá hồi, cá trích, cá mòi. Thứ đến là thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi, ớt chuông. Các thực phẩm lên men như yaourt, kombuca, kefir – giàu vi khuẩn thân thiện (probiotic) – cũng có ích. Nhưng cũng nên tránh xa các chất độc hại như cà phê, thuốc lá. Và cũng tránh xu hướng ăn kiêng quá độ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hạn chế năng lượng đầu vào sẽ làm tăng cortisol. Có nhiều cách để tránh tăng cân trong đại dịch, nhưng việc cắt giảm năng lượng quá nhiều có thể làm hại sức khỏe.
    1. Kết nối người thân
    Giãn cách xã hội hoặc tuân thủ các quy tắc phòng dịch sẽ làm người ta mất cơ hội giao tiếp với bạn bè và người thân. Nhưng bạn có thể dễ dàng làm điều này bằng công nghệ. Chẳng hạn thay vì gọi điện thoại bạn hãy chat video. Nhìn thấy mặt trực tiếp sẽ gia tăng tính gắn kết và thương yêu nhau.
    Hoặc bạn có thể thiết kế hình thức “xem phim ảo” buổi tối: hẹn người thân cùng xem một bộ phim vào giờ nhất định; vừa xem, mọi người cùng chat video thảo luận về bộ phim. Tương tự là hình thức “giờ hạnh phúc”: mỗi người làm một thức uống nhẹ rồi bình luận, chia sẻ với nhau trong khi dùng. Hoạt động này sẽ mang lại sự hỗ trợ tinh thần, giúp bạn mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn.
    An Nhiên (Theo TGHN)
    Khai trương “Siêu thị 0 đồng” phục vụ đồng bào khó khăn do đại dịch