“Tuổi thơ dữ dội”

    Hãy cho tuổi thơ hồn nhiên thay vì thương tổn từ bạo hành của cha mẹ chúng.
    Chúng tôi xin lấy tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán làm tựa cho bài viết của tiến sĩ Lê Nguyên Phương – chuyên gia tâm lý học đường. Trong bài viết này, ông đề cập đến vấn đề nổi cộm hiện nay của tuổi vị thành niên là phần lớn rơi vào những cơn trầm cảm hoặc đau khổ bởi các chấn thương từ thuở ấu thơ, mà phần lớn là do cha mẹ đem lại. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
    Phương pháp sư phạm đen tối của cha mẹ
    Khi nói về chấn thương phức tạp và chấn thương ấu thơ, có tên tuổi của một nữ tâm lý gia người Ba Lan mà chúng ta không thể không nhắc đến, Alice Miller.
    Alice Miller bắt đầu hành trình chuyên môn của mình khi theo học tiến sĩ về tâm lý học, xã hội học và triết học tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ. Trong suốt 20 năm đầu của nghiệp tâm lý, bà đã nghiên cứu và thực hành trong trường phái phân tâm học và đã cho ra đời ba cuốn sách theo hướng tiếp cận này. Tuy nhiên sau đó Dr. Miller cho rằng nguyên lý lẫn phương pháp của phân tâm học không đủ để nhận diện các nguyên nhân những rối loạn tâm lý và hành vi của thân chủ.
    Bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm nguyên nhân của những rối loạn này, Alice Miller đã phân tích tác phẩm và cuộc đời của các nhà văn như Virginia Woolf hay Franz Kafka để nhận diện mối liên hệ giữa những chấn thương tâm lý thời thơ ấu không được hóa giải và những thảm kịch trong cuộc đời của họ, như một số trường hợp bệnh tâm thần, tội phạm, hay trở thành con mồi của các giáo phái khi lớn lên. Miller đặt tên “phương pháp sư phạm độc hại” để gọi tất cả hình thức bạo hành trẻ em, từ xâm hại tình dục đến đánh đòn, một biện pháp kỷ luật nhục hình mà vào thời của từ phụ huynh đến chính quyền, từ xã hội đến tôn giáo, ai cũng chấp nhận.
    Tên gọi “sư phạm độc hại” Miller vốn mượn từ trong tác phẩm của Katharina Rutschky với từ nghĩa ban đầu là “phương pháp sư phạm đen tối” [schwarze Pädagogik] và bà đã xây dựng một mô hình chấn thương tâm lý dựa trên lý thuyết sư phạm được gọi tên là độc hại này, bao gồm các phương pháp nuôi dạy một đứa trẻ có hại cho sự dưỡng sinh và phát triển của chúng như ngược đãi và độc đoán của cha mẹ.
    Miller cho rằng trong nền văn hóa châu Âu, “Dung thứ cho cha mẹ là luật tối cao.” Vì thế, các nhà tâm thần học, phân tâm học, và tâm lý học lâm sàng đều mang mối sợ hãi vô thức khi phải lên tiếng về sự liên quan nhân quả giữa những bạo hành của cha mẹ và các chứng rối loạn thần kinh và tâm lý của thân chủ tham vấn của họ.
    Trong tác phẩm Thể xác chẳng thể dối lừa (The Body Never Lies, 2005) Alice Miller đã viết: “Đã 20 năm tôi quan sát người ta phủ nhận những chấn thương thuở ấu thơ, thần tượng hóa cha mẹ, và kháng cự lại sự thật về tuổi thơ của họ”.
    Dấu ấn khổ đau thành thảm kịch suốt đời
    Bác sỹ Bessel A. van der Kolk, M, tác giả cuốn Thể xác lưu dấu khổ đau: Tâm, Não và Thân trong chuyển hóa chấn thương tâm lý (The Body Keeps the Score: Mind, Brain and Body in the Transformation of Trauma) mà công ty sách Saigon Books đã dịch ra tiếng Việt là Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành đã viết: “Chấn thương thời thơ ấu, bao gồm lạm dụng và bỏ bê, có lẽ là thách thức sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất ở Hoa Kỳ, một thách thức đáng lẽ có thể được giải quyết phần lớn bằng các biện pháp phòng ngừa và can thiệp thích hợp. Mỗi năm, hơn 3 triệu trẻ em được báo cáo đã bị lạm dụng hoặc bỏ mặc, và trong số đó có 1 triệu ca đã được xác minh”.
    Ông cũng đã nhắc khéo tới những khó khăn trong vấn đề thu thập thông tin về trẻ bị bạo hành trong gia đình vì những “cấm kỵ” (taboo): “Tìm hiểu về các mốc phát triển và tiền sử bệnh gia đình là việc làm thường xuyên của các cuộc kiểm tra y tế và tâm thần. Ngược lại, những điều cấm kỵ trong xã hội ngăn cản thu thập thông tin về thời thơ ấu chấn thương, lạm dụng, bỏ rơi và các trải nghiệm với bạo lực khác.
    Và hậu quả của việc bị chấn thương tâm lý thuở thiếu thời đem lại nhiều đau khổ và bệnh tật: “Nghiên cứu đã chỉ ra trải nghiệm tuổi thơ đau thương đó không chỉ cực kỳ phổ biến mà còn có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của một cá nhân. Ví dụ, trẻ em tiếp xúc với cha mẹ nghiện rượu hoặc bạo lực gia đình hiếm khi có một tuổi thơ an toàn; triệu chứng của họ có xu hướng phổ cập và đa dạng và có nguy cơ bao gồm trầm cảm, bệnh tật, và một loạt các hành vi bốc đồng và tự hủy hoại bản thân…
    Tiền sử nhục hình và tấn công tình dục thời thơ ấu liên quan đến nguyên nhân của một loạt các chẩn đoán tâm thần khác nhau ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành. Chúng có thể bao gồm việc lạm dụng chất kích thích; các rối loạn tính cách giới hạn và chống đối xã hội, ăn uống, phân ly, cảm xúc, tâm thể, tim mạch, trao đổi chất, miễn dịch và tình dục… Sau khi một đứa trẻ bị chấn thương nhiều lần, dấu ấn của chúng đã trở thành kết cấu ở nhiều khía cạnh của bản thể. Điều này được thể hiện trong nhiều cách: phản ứng sợ hãi, hung hăng, biểu hiện tình dục, né tránh, và phản ứng cảm xúc không kiểm soát được”.
    Một thái độ thiếu nghiêm túc và thiếu hiếu biết về các vấn nạn sức khỏe tâm sinh lý bởi bạo hành thuở thiếu thời sẽ dễ dàng gạt qua những khuyến cáo về mối quan hệ cha mẹ độc hại này với những lý lẽ như: ai cũng trải qua nhưng vẫn ổn, đã là người lớn rồi thì phải tự vượt qua, không được trách móc bố mẹ vì vậy là bất hiếu, chúng ta phải chịu trách nhiệm, cha mẹ chỉ muốn chúng ta nên người…
    Thật ra những thông tin hay thậm chí việc lên án việc bạo hành của bố mẹ đối với con cái và về chấn thương tâm lý phức tạp/thiếu thời là lời cảnh báo cần thiết để chấm dứt tình trạng bạo hành gia đình vẫn còn đang tiếp diễn, từ đó giảm thiểu không chỉ các rối loạn tâm thần, hành vi tự bại (self-deafing), tự hại (self-harming) và tự sát, các tệ nạn xã hội, các chứng bệnh thân thể, mà còn để xây dựng một thế hệ mới thân tâm khỏe mạnh và giảm chi phí quốc gia trong các biện pháp can thiệp sức khỏe thân tâm cho người dân.
    Hành trình chữa lành bao giờ cũng đến những bước thông cảm và khoan dung cho kẻ đã bạo hành mình. Và cũng chính những hành động thông cảm và khoan dung cũng là phương tiện để chữa lành cho nạn nhân. Hòa giải để chữa lành đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía.
    Hình ảnh đẹp nhất có lẽ là hình ảnh bố mẹ ôm chầm đứa con xưa bị bạo hành nay đã lớn và nói: “Bố/mẹ xin lỗi con” và đứa con cũng sẽ nói trong ràn rụa nước mắt: “Con vẫn luôn yêu thương bố mẹ”.
    Lê Nguyên Phương
    Khởi động chương trình Ứng viên Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022